Hỗ trợ thể chế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
(Tài chính) Theo Báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong cuộc họp gặp mặt Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) tại Hà Nội ngày 28/4 vừa qua: Ðến hết quý I/2014, cả nước có hơn 3.000 DN nhà nước, gần 9.000 DN FDI và 789.000 DN dân doanh đăng ký thành lập. Nhưng chỉ còn 493.000 DN đang hoạt động, với khoảng 97% là DN vừa và nhỏ (DNVVN), trong đó các DN siêu nhỏ có dưới 10 lao động chiếm từ 66 đến 67%.
Nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể, thì tỷ lệ DN siêu nhỏ có thể chiếm tới 99,9%. Cộng đồng DNVVN có tới hai phần ba số DN đang bị thua lỗ và gặp nhiều khó khăn về vốn, công nghệ; gặp nhiều lực cản từ thủ tục hành chính, nhất là trong điều kiện tiếp cận đất đai, tín dụng, cũng như trong kiểm tra, thanh tra và cả sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức; yếu thế cả trong cạnh tranh và hợp tác với các DN khác trên thị trường nội địa, cũng như tham gia vào các chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Thực tiễn thế giới luôn chứng tỏ, sức mạnh cộng hưởng của cộng đồng DNVVN làm nên sức mạnh khu vực DN quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh nền kinh tế, năng lực quốc phòng và các vấn đề an sinh xã hội khác của đất nước.
Thực tế trong nước còn cho thấy, bên cạnh yêu cầu các DNVVN phải nỗ lực tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, cắt bỏ các dự án không hiệu quả hoặc có nhiều rủi ro, tăng áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại, cải thiện năng lực quản trị và tinh thần đoàn kết cộng đồng để hoạt động hiệu quả hơn, giữ vững thị trường, tăng sức cạnh tranh của chính mình, thì cũng cần nhiều hơn các hỗ trợ thể chế tạo động lực.
Xóa bỏ những thể chế kìm hãm doanh nghiệp; điều chỉnh những thể chế làm lệch lạc, lãng phí các nguồn lực DN; lấp đầy những "khoảng trống" thể chế thị trường cần thiết nhằm bảo đảm quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và liên kết cạnh tranh lành mạnh trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm, đang và sẽ tiếp tục là các trọng tâm trong hỗ trợ thể chế cho DNVVN.
Trước mắt, cần tập trung kiểm soát cả độc quyền nhà nước và độc quyền tư nhân; nâng cao năng lực và cơ chế phối hợp, phân rõ quyền hạn và trách nhiệm, tránh tình trạng quản lý chồng chéo, đùn đẩy công việc và trách nhiệm,"tranh công - đổ lỗi" giữa các đơn vị, cá nhân trong quản lý DNVVN. Ðồng thời, không để tái diễn các nghịch cảnh, như: giảm nghĩa vụ nộp thuế của DN, nhưng lại tăng bù bằng các loại phí, lệ phí và các khoản đóng góp khác; DN nhà nước hoặc chính quyền nợ DN tư nhân, trong khi DN tư nhân lại phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao để nộp thuế cho Nhà nước; những yêu cầu hỗ trợ DN bị triển khai theo kiểu trên thoáng, dưới chặt hoặc trên nhiệt tình, dưới thờ ơ và làm chiếu lệ, cũng như tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành các luật khiến các ưu đãi không thể tới hoặc bị thu hẹp, biến dạng khi đến với cộng đồng DNVVN...
Các DNVVN có thể tổ chức sản xuất năng động, linh hoạt, nhưng thường gặp nhiều hạn chế khó vượt qua trong tổ chức tiêu thụ và lệ thuộc thị trường cao. Vì vậy, cần tăng thêm và làm tốt hơn trách nhiệm Nhà nước và các hiệp hội trong xúc tiến, mở rộng và ổn định thị trường tiêu thụ theo ngành, sản phẩm, địa bàn; phát triển hệ thống thông tin chính sách và thông tin thị trường. Ðột phá vào phát triển các thể chế bảo đảm thị trường tiêu thụ, nhất là các sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và sản phẩm công nghiệp phụ trợ, chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng liên kết lan tỏa mạnh mẽ và động lực mới cho DN.
Trong suốt quá trình đó, cần nâng cao năng lực phản ứng chính sách nhằm thích nghi nhanh chóng, hiệu quả với các biến động thị trường và bối cảnh trong nước và quốc tế, lấy sự phát triển nhanh và cải thiện năng lực cạnh tranh của DN, hiệu quả kinh tế - xã hội chung, sự cải thiện chất lượng sống mọi mặt của nhân dân và sự phát triển bền vững của quốc gia làm tiêu chuẩn đánh giá tính đúng đắn của những đột phá thể chế được lựa chọn...