Hòa Bình tạo động lực phát triển nhanh, bền vững
Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2022 với nhiều thuận lợi, thách thức đan xen, song bằng các giải pháp sáng tạo, quyết liệt, tỉnh Hòa Bình đã giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, tạo đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới, bảo đảm đời sống Nhân dân.
Nhiều đổi mới trong chỉ đạo, điều hành
Tỉnh Hòa Bình thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, song cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Nhất là trong những tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến khó lường ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, lao động và sản xuất của người dân, doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn, kế thừa kinh nghiệm từ thực tiễn thực hiện “mục tiêu kép” của năm 2021, Hòa Bình đã bám sát thực tế, dự báo chính xác tình hình để có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời. Đặc biệt, áp dụng chiến lược thần tốc, tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Trong đó, tỉnh đã phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” bảo đảm ứng phó, xử lý linh hoạt, sáng tạo, kịp thời các tình huống xảy ra. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh đã kiểm soát được tình hình, từng bước chặn đứng đà lây lan của chủng mới virus SARS-CoV-2, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định và tạo đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới, bảo đảm đời sống Nhân dân.
Với quyết tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo động lực hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành, tổ chức triển khai thực hiện kịch bản tăng trưởng các tháng còn lại của năm 2022. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư; tập trung xử lý các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án, nhất là các công trình trọng điểm, có tính chất đột phá, tạo động lực phát triển…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn
Nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, UBND tỉnh đã chú trọng chỉ đạo, điều hành tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, ban hành các kế hoạch và phân bổ, huy động nguồn lực triển khai thực hiện các đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về: Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch... Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng sát sao tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, nguồn vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng, tiếp cận đất đai... giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất và tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn.
Với đổi mới trong chỉ đạo, điều hành theo hướng bám việc, sát việc, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; có khi là nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm đối với những phần việc chưa tốt. Cùng với đó, là sự đồng thuận của các cấp, ngành và tinh thần năng động, vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp đã giúp bức tranh kinh tế năm 2022 có nhiều khởi sắc. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm ước tăng 10,32% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh ước có 380 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 10.000 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ); thu hút được 45 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 31.480 tỷ đồng… Đây là yếu tố quan trọng để Hòa Bình tiếp tục giữ vững địa bàn an toàn, ổn định và tạo đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới và phấn đấu thực hiện thành công “mục tiêu kép” trong năm 2022.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp giao ban trực tuyến toàn quốc Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh Hòa Bình đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch, tạo điều kiện tập trung phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn, xác định phòng, chống dịch COVID-19 vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã thường xuyên, liên tục yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương bám sát tình hình thực tiễn để chủ động có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 08.11.2021 của UBND tỉnh. Qua đó, từng bước “bình thường hóa” với dịch bệnh; tạo cơ sở thuận lợi để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
UBND tỉnh cũng tập trung điều hành thu ngân sách nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trong, ngoài ngân sách nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để bảo đảm kịch bản tăng trưởng như: Kích cầu tiêu dùng, du lịch; hỗ trợ các nhà đầu tư; tập trung cho các nguồn thu từ thuế, phí, thu từ đất và khai thác tài nguyên khoáng sản…
Từ đầu năm đến nay, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh ở mức cao hơn so với trung bình cả nước, song UBND tỉnh xác định vẫn còn rất thấp so với yêu cầu. Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh đã đề nghị, toàn tỉnh phải thực hiện tốt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công. Bởi, đây là trụ cột quan trọng vừa tạo kết cấu hạ tầng đồng bộ, vừa tạo điều kiện thu hút đầu tư, kích thích sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, các đơn vị, chủ đầu tư cần khắc phục ngay tình trạng chậm giải ngân, phải thực hiện nghiêm cam kết với UBND tỉnh. “Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến sở, ngành nào, liên quan đến từng Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách thì phải bám việc, sát việc, làm đúng theo quy định của pháp luật và phải có quyết tâm chính trị cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2022”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.