Hóa giải thách thức PPP
Tại hội thảo, những kinh nghiệm quốc tế về đầu tư theo hình thức PPP và chiến dịch huy động vốn tư nhân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, xử lý nước thải và chống ngập. ĐTTC trích ý kiến lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh (HCM) và chuyên gia về các vấn đề này.
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh NGUYỄN THIỆN NHÂN:
Dự án phải rõ ràng, minh bạch
Tham gia PPP không phải là 2 chủ thể, mà có 4 chủ thể. Trong đó người dân thụ hưởng dự án nên cần lắng nghe tiếng nói của người thụ hưởng để tìm sự đồng thuận. Đây là chủ thể lớn lâu nay chưa thấy chúng ta bàn luận hay nói đến trong PPP, hoặc là nói rất ít. Bởi lẽ, nhiều trường hợp làm dự án phải thu hồi đất của người dân. Nếu chúng ta đền bù thấp rồi bán lại giá cao, làm sao người dân chịu. Đây là vấn đề lớn khi làm PPP trước đây ít đề cập, thảo luận đến.
Khi hợp tác PPP, vấn đề đầu tư xong ai là người quản lý, vận hành khai thác? Cân bằng lợi ích trong vấn đề này rất quan trọng, chúng ta cần làm rõ ràng, minh bạch. Triển khai các dự án PPP, vấn đề hình thức thanh toán rất quan trọng, cần tạo cơ hội cho nhà đầu tư thu phí khi hoàn thành dự án.
Chúng ta nói không đủ tiền nên chờ nhà đầu tư một cách thụ động, đẩy sự chủ động về nhà đầu tư. Tôi đề nghị lãnh đạo UBND TP.HCM cần nghiên cứu và chủ động đề xuất dự án với nhà đầu tư. PPP không phải đơn thuần là xây dựng các công trình mới mà còn có thể là dịch vụ. Mặt khác, hình thức thanh toán rất quan trọng.
Có hai hình thức là Chính phủ sẽ trả tiền cho nhà đầu tư về phần xây dựng công trình, hoặc Chính phủ không trả tiền trực tiếp mà cho nhà đầu tư cơ hội thu phí sau khi công trình đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, Nhà nước có lựa chọn nhưng phải có trách nhiệm đưa ra quyết định đúng cho từng dạng hợp đồng dự án PPP. Theo đó, mỗi quốc gia có đặc thù riêng và có cách thức làm PPP riêng.
Ở Việt Nam, nói đến PPP là có nhà đầu tư tư nhân thay thế Chính phủ xây dựng hạ tầng, dự án và chính quyền đóng góp bằng đất. Do đó, phải trao đổi quyền lợi 2 bên một cách công khai và thẳng thắn, minh bạch, chứ không phải đi “cửa sau”, nếu không sau này sẽ xảy ra mâu thuẫn và tranh chấp. Cùng với đó, chia sẻ rủi ro trong quản lý, vận hành dự án.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM TRẦN VĨNH TUYẾN:
Thái độ rõ ràng và trách nhiệm cụ thể
Đầu tư theo hình thức PPP là phương thức hết sức quan trọng và được triển khai có hiệu quả tại TP.HCM, phải được tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Tuy nhiên, TP.HCM cũng thẳn thắng nhìn nhận rằng, TP gặp rất nhiều thách thức, khó khăn trong thời gian qua.
Đó là vấn đề thể chế, pháp luật để hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư; sự chia sẻ rủi ro, thành công trong tất cả dự án của Nhà nước và doanh nghiệp; tính minh bạch trong đấu thầu, việc huy động các nguồn lực đất đai, nhân lực, không để thất thoát, lãng phí; chính sách ưu đãi của TP đối với doanh nghiệp như thế nào?
Đối với các dự án PPP, rất cần thái độ và trách nhiệm cụ thể của từng sở, ngành TP với đối tác; phải chọn lựa các lĩnh vực để thực hiện có hiệu quả nhất đối với hình thức PPP và vấn đề chi tiêu đầu tư công. Về vấn đề này, TP sẽ tiếp tục lắng nghe những ý kiến của các chuyên gia góp ý.
Chính quyền TP ghi nhận những góp ý của các chuyên gia để TP hoàn thiện các chương trình hợp tác đầu tư PPP. TP tuyên bố việc triển khai hình thức PPP là để đảm bảo minh bạch, công khai và chia sẻ rủi ro, thành công đối với doanh nghiệp. Đây là thông điệp chính của TPHCM.
Ông NGUYỄN ĐĂNG TRƯƠNG, Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch - Đầu tư:
Hệ số tín nhiệm dự án PPP còn thấp
Hiện nay, Chính phủ có Nghị định 63/2018 và Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã ban hành Thông tư 09 hướng dẫn việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án PPP. Bộ Tài chính cũng có Thông tư 88 hướng dẫn về quản lý tài chính dự án PPP. Bên cạnh đó, các luật hiện hành có liên quan tới dự án PPP như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật quản lý và sử dụng tài sản công.
Song chúng ta chỉ mới dừng lại ở các nghị định, tính pháp lý chưa được mức cao nhất, các luật trên cũng quy định nhiều lĩnh vực, ngành khác nhau nên cũng đã gây ra vướng mắc khi thực hiện các dự án PPP.
Trong thực hiện các dự án PPP chúng ta cũng chưa có định hướng mang tính chiến lược, dài hạn. Việc nhận thức về PPP cũng chưa được chính xác, pháp lý về PPP chưa đầy đủ, rõ ràng và chưa ổn định.
Trong vòng 20 năm qua chúng ta thay đổi rất nhiều văn bản pháp luật, chủ yếu là các nghị định. Thêm nữa, chúng ta thiếu nguồn lực và các công cụ tài chính để thực hiện các dự án; thiếu quỹ đầu tư cũng như các quỹ bảo lãnh cho các phát sinh xảy ra; chưa bảo đảm công khai minh bạch và cạnh tranh trong quá trình thực hiện. Ở nước ta hiện nay đang áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư.
Về hệ số tín nhiệm đối với các dự án PPP, trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng trên các nước Lào, Campuchia, Myanmar. Chúng ta vẫn chưa có cơ quan chuyên môn, chuyên trách để làm PPP.
Đối với TP.HCM, Sở Kế hoạch - Đầu tư có văn phòng PPP, ngoài ra Bộ GTVT có Vụ PPP, còn lại tất cả bộ, ngành, địa phương chưa có. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan cũng rất hạn chế, khiến nhà đầu tư dự án PPP gặp nhiều khó khăn trong thực hiện.