Giải quyết tranh chấp trực tuyến: Khoảng trống pháp lý

Theo Phạm Hải/vnexpress.net

Theo khảo sát của Bộ Công thương, hiện có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị hàng hóa đạt trung bình 350 USD/người/năm. Tuy nhiên, giải quyết tranh chấp trực tuyến vẫn là chuyện rất xa đối với người dân, doanh nghiệp và ngay cả cơ quan quản lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Chưa được quy định 

Liên quan đến giao dịch điện tử (GDĐT), Luật Giao dịch điện tử và Nghị định số 52/2013 về thương mại giao dịch điện tử chưa quy định phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến. Trong khi đó, theo khảo sát về tình hình phát triển thương mại điện tử (TMĐT) năm 2016 của Bộ Công thương, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ ước đạt 5 tỷ USD, chiếm khoảng 3% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2016.

Dự kiến doanh số TMĐT bán lẻ tăng 20%/năm, đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị hàng hóa đạt trung bình 350 USD/người/năm; 100% doanh nghiệp đã tổ chức triển khai ứng dụng TMĐT ở nhiều quy mô và mức độ khác nhau… Thế nhưng, việc giải quyết tranh chấp điện tử được các doanh nghiệp nhìn nhận và xử lý một cách hết sức sơ khai thông qua việc triển khai dịch vụ giải quyết khiếu nại, phàn nàn của người tiêu dùng thông qua website của doanh nghiệp.

Cùng với sự phát triển của TMĐT, các thủ đoạn lừa đảo trong giao thương đã trở nên tinh vi hơn với nhiều hình thức như thâm nhập địa chỉ thư điện tử của các doanh nghiệp đang có giao dịch để đánh cắp thông tin, giả mạo nội dung giao dịch nhằm yêu cầu chuyển tiền thanh toán.

Đáng chú ý, nhiều kẻ lợi dụng sự bất cẩn của các doanh nghiệp trong giao dịch như không thẩm định các thông tin về đối tác, không sử dụng các biện pháp liên lạc trực tiếp khác để xác minh thông tin về tài khoản nhận tiền… Đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (Sendo.vn) nêu thực tế, các shop thường có nhiều cách lách luật như biến thể tên sản phẩm, thương hiệu; phổ biến nhất vẫn là sản phẩm đăng tải một kiểu khi giao hàng lại là sản phẩm khác.

Hiện nay, Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng chưa có quy định riêng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với TMĐT. Ngoài ra do các tranh chấp trong giao dịch trực tuyến còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như sở hữu trí tuệ, dịch vụ vận tải, sở hữu tên miền… Các doanh nghiệp khi phát sinh những tranh chấp nêu trên không biết gửi đơn đến cơ quan quản lý nào. 

Mô hình nào?

Trưởng phòng Pháp chế Công ty Samsung Việt Nam, luật sư Trần Anh Huy cho rằng, mặc dù TMĐT đã có bước tăng trưởng nhanh chóng nhưng những trở ngại phát triển TMĐT vẫn tồn tại, trong đó có việc doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và đầu tư cho phương thức giải quyết tranh chấp này.

Trên thực tế, với những tranh chấp có giá trị thấp trong giao dịch/TMĐT thì việc giải quyết thông thường được áp dụng chủ yếu bằng thương lượng giữa các bên hoặc hòa giải. Đối với các tranh chấp, khiếu nại có giá trị giao dịch cao, phức tạp khi có sự tham gia của nhiều chủ thể, các giao dịch mang tính chất xuyên biên giới, việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại tương đối phức tạp.

Khó khăn khác là các bên tranh chấp sẽ cung cấp những chứng từ điện tử như thế nào và có đáp ứng được về mặt chứng cứ khi giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài hoặc tòa án theo các thủ tục, quy định hiện hành hay không? Hiện trên thế giới có nhiều hình thức giải quyết tranh chấp trực tuyến. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu thì không ban hành một cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến cho mọi tranh chấp, mà chỉ trong lĩnh vực tranh chấp tiêu dùng và tranh chấp tên miền.

Các công ty lớn như Ebay, Amazon, Alibaba… đều xây dựng cho mình một chương trình bảo vệ riêng như Trung tâm giải quyết tranh chấp Ebay (Ebay); Trung tâm, bảo vệ khách hàng (Alibaba)… Giảng viên Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại thương Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, trước tiên phải hoàn thiện chính sách liên quan.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử, trong đó bổ sung phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến và sau đó xây dựng nghị định riêng về vấn đề này. Nghị định này cần làm rõ các nội dung như phạm vi tranh chấp được sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến; các phương thức giải quyết tranh chấp; trình tự, thủ tục và giá trị pháp lý của các quyết định giải quyết tranh chấp.

Đồng tình với ý kiến trên, luật sư Trần Anh Huy cho rằng, việc ban hành Nghị định 22/2017 về hòa giải thương mại trong đó có nội dung hòa giải thương mại trực tuyến là bước đầu tạo điều kiện cho việc hình thành giải quyết tranh chấp trực tuyến.

Việt Nam cần học tập Liên minh châu Âu trong việc ban hành quy định cứng về việc bắt buộc các doanh nghiệp TMĐT phải xây dựng hoặc kết nối đến một tổ chức giải quyết tranh chấp trực tuyến để giải quyết tranh chấp phát sinh trên sàn giao dịch TMĐT của mình.