Hoàn tất đàm phán, TPP-11 sẽ được ký vào tháng 3
Đoàn đàm phán các nước TPP-11 đã kết thúc đàm phán "phiên bản" mới của hiệp định này - CPTPP vào chiều 23/1 tại Tokyo (Nhật Bản). Việc ký kết chính thức dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày 8/3 tới tại Chile.
Trong hai ngày 22-23/1, các quan chức phụ trách đàm phán từ Singapore, Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Việt Nam đã gặp nhau ở Tokyo để thống nhất tất cả các điều khoản của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Các quan chức tham dự cuộc họp cũng xác nhận việc soạn thảo văn bản pháp lý trong tiếng Anh đã hoàn tất và việc dịch thỏa thuận sang tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp sẽ được tiến hành trong vài tuần.
Kết thúc cuộc đàm phán cuối cùng, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Lim Hng Kiang cho biết, Singapore hài lòng về kết quả cuối cùng và nói thêm rằng, những nỗ lực đáng kể đã được thực hiện cho thấy sự quyết tâm của các bên trong những cam kết của thỏa thuận ban đầu, trong khi vẫn duy trì kỳ vọng cao và tính cân bằng tổng thể của Thỏa thuận.
Ông Lim kỳ vọng, Hiệp định CPTPP sẽ tăng cường thương mại giữa các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ đó các dòng hàng hoá, dịch vụ và đầu tư trong khu vực sẽ liên tục tăng trong thời gian tới. “Các công ty Singapore sẽ được hưởng lợi từ việc loại bỏ đáng kể các rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa, tăng cường cơ hội tiếp cận các nhà cung cấp dịch vụ trong một loạt các lĩnh vực, tạo thuận lợi hơn về đầu tư và cải thiện tiếp cận với các hợp đồng mua sắm của chính phủ.” Bộ trưởng Lim Hng Kiang nhận định.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi hiệp định TPP hồi năm ngoái, Nhật Bản, Australia và Mexico đã cùng thúc đẩy mạnh mẽ việc tái đàm phán và ký kết hiệp định TPP 11. Trong đó, Nhật Bản đã đứng lên giữ vai trò đầu tàu, thay thế vị trí vốn của Mỹ trước đây. Nếu được ký kết và thông qua, TPP 11 sẽ xóa bỏ rào cản thương mại và thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp của khối 11 quốc gia thành viên, với tổng kim ngạch thương mại đạt 356 tỷ USD năm 2016.
Giới chức Nhật Bản mong muốn CPTPP sẽ nhanh chóng có hiệu lực, bởi theo Tokyo, điều đó rất quan trọng để thuyết phục Mỹ quay lại Hiệp định trong tương lai. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói rằng thỏa thuận mới sẽ là một “công cụ” để vượt qua chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới.
Trước khi cuộc họp ở Tokyo diễn ra, đã tồn tại không ít nghi ngại với số phận của CPTPP khi phía Canada, nền kinh tế lớn thứ 2 trong 11 nền kinh tế còn lại của TPP, nói họ không vội vàng đặt bút ký thỏa thuận nếu không đạt được nhượng bộ về bảo hộ các ngành công nghiệp truyền thống như phim ảnh, truyền hình và âm nhạc. Nước này cũng tỏ ra không hài lòng với các điều khoản liên quan đến ngành sản xuất ô tô.
Giới chuyên gia cũng bắt đầu đặt ra dấu hỏi về lợi ích kinh tế mà hiệp định CPTPP mang lại, nếu như Canada - nền kinh tế lớn thứ 2 của khối chỉ sau Nhật Bản, từ chối ký kết hiệp định. Tuy nhiên, tờ The Canadian Press ngày 23/1 cho biết, Chính phủ Canada đã bày tỏ hi vọng thỏa thuận sẽ đạt được khi cuộc họp diễn ra tại Tokyo kết thúc.
Trong khi đó, được biết Vương Quốc Anh đang thăm dò việc tham gia CPTPP với mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu sau khi rời Liên minh châu Âu (EU).