Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội:

Hoàn thành các mục tiêu lớn với kết quả khả quan

PV.

Ngày 05/7/2016, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức “Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2016” để sơ kết hoạt động của Sở trong 6 tháng đầu năm và đưa ra phương hướng, kế hoạch triển khai cho 6 tháng cuối năm 2016. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tập thể lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ HNX.

Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: hnx.vn
Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: hnx.vn

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT HNX, ông Nguyễn Thành Long đánh giá, 6 tháng đầu năm 2016, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế, chính trị, nhưng về cơ bản HNX đã hoàn thành các mục tiêu lớn và đạt được những kết quả khả quan.

Theo đó, công tác huy động vốn cho NSNN đã đạt và vượt mục tiêu đề ra khi chỉ trong 6 tháng đã huy động được 212 nghìn tỷ đồng TPCP (đạt 85,3% kế hoạch).

Thị trường UPCoM đã phát triển đúng với đường lối, chủ trương mà cơ quan quản lý đã đề ra, trong 6 tháng đầu năm 2016, vốn hóa của thị trường UPCoM đã tăng gấp đôi so với cuối năm 2015. Giá trị giao dịch thứ cấp của thị trường cổ phiếu đạt 750-760 tỷ đồng/phiên, giá trị giao dịch của thị trường trái phiếu đạt khoảng 5.200 tỷ/phiên, như vậy mỗi ngày tại HNX có 6.000 tỷ đồng được giao dịch, chiếm ¾ doanh số giao dịch của toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bên cạnh đó, HNX cũng tích cực hỗ trợ cơ quan quản lý ban hành các văn bản chính sách như Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 196, dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 234, xây dựng đề án trái phiếu doanh nghiệp, phát triển các chính sách trên thị trường phái sinh.

6 tháng đầu năm 2016, công tác xây dựng và phát triển thị trường phái sinh luôn được HNX chú trọng với mục tiêu đưa thị trường vào hoạt động trong quý I/2017. Ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 11/2016/TT-BTC hướng dẫn về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, HNX đã tập trung hoàn thiện dự thảo hai bộ quy chế cấp Sở về giao dịch và thành viên trên thị trường phái sinh.

Bên cạnh đó, HNX và VSD đang tích cực lựa chọn giải pháp về hệ thống, đáp ứng phát triển trên cùng một nền tảng công nghệ với phần mềm giao dịch. Về sản phẩm, hai Hợp đồng mẫu (Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và Hợp đồng tương lai TPCP) đã được HNX tiến hành khảo sát thành viên và trình UBCKNN vào quý IV/2015.

Trên thị trường TPCP, HNX đã mở rộng phát triển thị trường, triển khai các đề án, sản phẩm mới. Về khung pháp lý, Sở đã dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 234/2012/TT-BTC hướng dẫn quản lý giao dịch TPCP, TPCP bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương nhằm từng bước triển khai các cơ chế, kỹ thuật giao dịch phù hợp với thông lệ quốc tế (cơ chế giao dịch bán kết hợp mua lại, vay TPCP để bán và bổ sung thành viên giao dịch là KBNN...).

Về hệ thống, Sở đã hoàn tất việc đưa vào giao dịch trái phiếu zerco coupon từ cuối quý I/2016. Đồng thời, ngày 24/6/2016, Sở đã cho ra mắt phân hệ đấu thầu trái phiếu điện tử trên Internet (E.ABS), vận hành song song với Hệ thống đấu thầu điện tử (ra mắt năm 2012) cho phép nhà đầu tư không phải là thành viên đấu thầu được bỏ thầu trực tiếp trên hệ thống, góp phần tiết giảm kinh phí cho thành viên và rút ngắn thời gian tham gia đấu thầu.

Tính đến 30/6/2016, Sở đã tổ chức chức 100 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trái phiếu trúng thầu qua HNX đạt hơn 212 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 90% khối lượng huy động năm 2015.

Trong đó, KBNN tập trung phát hành TPCP theo phương thức đấu thầu lô lớn qua HNX, đa dạng hóa các kỳ hạn từ 3 đến 30 năm, phát hành thí điểm kỳ hạn 7 năm, khối lượng huy động sau 6 tháng của KBNN đạt 187.726 đồng, hoàn thành 85.33% so với kế hoạch năm.

Trên thị trường thứ cấp, tính đến ngày 30/6/2016, có 538 mã niêm yết với giá trị là 864 nghìn tỷ đồng. Giá trị giao dịch TPCP có nhiều phiên đạt đến 8.000 tỷ đồng/phiên, cá biệt có phiên đạt 12.000 tỷ đồng/phiên. Giá trị giao dịch TPCP bình quân phiên đạt 5.150 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015.

Bên cạnh việc thúc đẩy quy mô, thanh khoản trên thị trường TPCP, Sở tiếp tục hoàn thiện Đề án tổ chức và quản lý thị trường TPDN báo cáo BTC, UBCKNN. Dự kiến sau khi Đề án được thông qua, Sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống để chính thức tổ chức giao dịch TPDN tập trung từ năm 2017.

Đối với thị trường UPCoM, HNX đã tiến hành nhiều biện pháp để thúc đẩy quy mô, thanh khoản và nâng cao chất lượng của thị trường UPCoM. Về văn bản pháp quy, trên cơ sở Thông tư 203 và 180, HNX đã kịp thời ban hành Quy chế tổ chức và quản lý thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết.

Bên cạnh các chính sách gắn đấu giá, cổ phần hóa với niêm yết/đăng kí giao dịch, HNX đã thực hiện phân bảng trên thị trường UPCoM bao gồm 02 bảng: bảng UPCoM chất lượng cao (UPCoM Premium) và bảng Cảnh báo nhà đầu tư.

Những giải pháp nêu trên đã góp phần thúc đẩy thanh khoản của thị trường UPCoM tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2016, bình quân khối lượng giao dịch đạt 9,6 triệu CP/phiên, giá trị giao dịch đạt trên 134 tỷ đồng/phiên (tăng 248% về khối lượng và 212% về giá trị so với cùng kỳ 2015).

Tính đến ngày 30/6, Sở đã đưa đưa vào đăng kí giao dịch mới 57 doanh nghiệp với tổng giá trị đăng kí giao dịch 20.349 tỷ đồng (tăng gấp đôi về số lượng DN và 260% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015). Tại thời điểm ngày 30/6, có 311 cổ phiếu với giá trị là 70.896 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2016, HNX đã quản lý và vận hành hiệu quả, an toàn thị trường cổ phiếu niêm yết. Theo đó, tính đến 30/6, HNX đã chấp thuận niêm yết mới cho 10 công ty, tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá đạt 2.031 tỷ đồng (tăng 200% về số lượng, 224% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015), đến nay, thị trường có 378 doanh nghiệp niêm yết (DNNY) với giá trị niêm yết đạt 109.321 tỷ đồng (tăng 2,6 % về giá trị so với cuối năm 2015). Giá trị vốn hóa thị trường tại thời điểm 30/6 đạt 156 nghìn tỷ đồng (tăng 0,62 % so với cuối năm 2015). Bình quân giá trị giao dịch đạt 543,17 tỷ đồng/phiên (tăng 4,1% về khối lượng, giảm 4,5% về giá trị so với 2015).

Bên cạnh đó, HNX cũng tăng cường công tác quản lý và giám sát DNNY, thúc đẩy quản trị công ty theo thông lệ tốt. Kết quả hoạt động SXKD của DNNY và chất lượng CBTT được cải thiện đáng kể, 319 công ty có KQKD lãi, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2015, tổng lãi sau thuế đạt 3.060 tỷ đồng.

Đến nay, đã có 344/378 doanh nghiệp niêm yết (đạt trên 90%) thực hiện công bố thông tin qua hệ thống công bố thông tin tự động (CIMS). Sở cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp niêm yết và đăng kí giao dịch, qua đó kịp thời phát hiện và báo cáo UBCKNN các trường hợp vi phạm công bố thông tin định kỳ và bất thường của tổ chức niêm yết/đăng kí giao dịch.

Bên cạnh đó, công tác giám sát đã liên tục được đầu tư, cập nhật, đổi mới, góp phần rất quan trọng vào việc duy trì sự minh bạch, kỷ cương, kỷ luật thị trường. Hoạt động quản trị công ty và minh bạch hóa theo thông lệ tốt đã bắt đầu có hiệu ứng lan toả, thu hút được sự quan tâm ngày càng lớn của doanh nghiệp cũng như của xã hội: HNX đã phối hợp với UBCKNN tổ chức tập huấn cho DNNY về Thông tư 155/2015/TT-BTC và Thông tư 200/2014/TT-BTC; Sở đóng vai trò là thành viên tích cực hướng tới xây dựng chương trình quản trị công ty tốt tại Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Về công tác đấu giá cổ phần, thực hiện chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, HNX đã chủ động tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc trực tiếp với các DN, tổ chức rà soát danh sách công ty đại chúng hình thành từ DNNN cổ phần hóa thuộc đối tượng phải tham gia thị trường chứng khoán báo cáo cơ quan có thẩm quyền đôn đốc, nhắc nhở thực hiện.

Tính đến 30/6, HNX đã thực hiện đấu giá cổ phần cho 36 doanh nghiệp, với số lượng cổ phần trúng giá 290 triệu cổ phần (chiếm 83,6% số cổ phần bán đấu giá) tương ứng với giá trị bán được là 3.703 tỷ đồng, trong đó có 24 DNNN cổ phần hóa gồm một số Tổng công ty lớn như Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty 36, Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam, Tổng công ty Dược Việt Nam thu về cho Nhà nước là 1.745 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, HNX đã tổ chức thành công 2 phiên đấu giá bán cổ phần theo lô lần đầu tiên đối với thoái vốn của Bộ GTVT tại Tổng Công ty công nghiệp ô tô Việt Nam và tại Tổng Công ty Vận tải thủy.

Xác định nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 còn nhiều khó khăn và thử thách, HNX đã xây dựng các giải pháp để thực hiện mục tiêu, cụ thể sẽ tập trung triển khai một số công tác chính sau:

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức tốt công tác đấu thầu nhằm huy động vốn kịp thời và hiệu quả cho NSNN;

Thứ hai, hoàn thiện phương án tổ chức thị trường TPDN, hoàn thành công tác chuẩn bị để có thể đưa thị trường giao dịch TPDN vào hoạt động trong năm 2017;

Thứ ba, tiếp tục tập trung nguồn lực để phát triển thị trường chứng khoán phái sinh;

Thứ tư, tiếp tục triển khai công tác đấu giá, cổ phần hóa hiệu quả nhằm góp phần thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, bán cổ phần;

Thứ năm, triển khai các giải pháp cải tiến hoạt động của thị trường UPCoM nhằm tăng quy mô, tính thanh khoản và sự quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường;

Thứ sáu, triển khai tổ chức giao dịch cổ phiếu của các DNNN sau cổ phần hóa;

Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa 2 Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, xây dựng một bộ chỉ số chung phục vụ cho nhu cầu phát triển của TTCK Việt Nam, thiết kế các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhà đầu tư, đặc biệt cho TTCK phái sinh trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBCKNN, ông Phạm Hồng Sơn nhất trí và đánh giá cao những kết quả mà HNX đã đạt được trong 6 tháng qua.

Ông nhấn mạnh, HNX trong thời gian tới cần tập trung vào công tác chuẩn bị để vận hành thị trường phái sinh, trong đó lưu ý khâu đào tạo nhà đầu tư và truyền thông về thị trường phái sinh để các nhà đầu tư và các đối tượng tham gia thị trường hiểu rõ về hoạt động của thị trường phái sinh. Bên cạnh đó, Sở cần tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu chính phủ, tăng cường quản lý, giám sát thị trường niêm yết, UPCoM.