IPO 5,3 triệu cổ phần Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng tại HNX

PV.

Tiếp bước các Tổng Công ty tiến hành đấu giá cổ phần hóa, ngày 11/7 tới đây, Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) sẽ chào bán lần đầu ra công chúng hơn 5,3 triệu cổ phần, tương đương với 15,3% vốn điều lệ sau cổ phần hóa. Mức giá khởi điểm cho một cổ phần là 10.200 đồng/cổ phần.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Từ một đơn vị chỉ chuyên chế tạo, cung cấp thiết bị phụ tùng thay thế cho ngành vật liệu xây dựng, COMA nay đã tham gia nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia; chế tạo, lắp đặt các thiết bị siêu trường, siêu trọng, thiết bị phi tiêu chuẩn, kết cấu thép phức tạp cho các ngành công nghiệp xi măng, điện, dầu khí, thủy điện, hóa chất, thực phẩm, đường dây tải điện, xây dựng, chiếm lĩnh được thị trường trong nước, thay thế một phần hàng nhập khẩu.

Sở hữu thế mạnh chế tạo, lắp đặt cơ khí và xây dựng dân dụng

Hoạt động chế tạo, lắp đặt cơ khí và xây dựng dân dụng được coi là hoạt động sản xuất kinh doanh chính, đóng góp phần lớn doanh thu cho Công ty mẹ - Tổng công ty. Bình quân ba năm 2013, 2014 và 2015 doanh thu từ hoạt động này đạt 447 tỷ đồng, chiếm 51% tổng doanh thu. COMA đã tham gia chế tạo thiết bị, lắp dựng kết cấu và cung cấp vật tư cho nhiều công trình, dự án quan trọng của đất nước như: Nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Bút Sơn, Hà Tiên 1, Hà Tiên 2, Cẩm Phả, Bình Phước, …

Tại các công trình thủy điện, COMA đã tham gia lắp đặt thiết bị thuỷ công, thủy lực, điện, tự động hóa cho nhà máy thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Sông Tranh 2. Ngoài ra, Tổng Công ty còn làm tổng thầu EPC thiết kế bản vẽ thi công, cung cấp, lắp đặt thiết bị cơ điện, đào tạo chuyển giao cho các nhà máy thuỷ điện Đak Sin 1; Srok Phu Mieng, Cần Đơn, Sê San 4, Buôn Tua Sha, Nậm Mức, Nậm Nơn, Đa Dâng và Đa Chô Mô, Sông Chảy 5, Nậm Na 3, Nậm Cắn 2, Chiềng Công 1, Chiềng Công 2, …

Trong lĩnh vực nhiệt điện, COMA đã được một số đối tác nước ngoài lựa chọn để chế tạo và lắp đặt các thiết bị lọc bụi tĩnh điện Nhà máy nhiệt điện CAN tại Thổ Nhĩ Kỳ; đường ống dẫn khí, lắp đặt thiết bị Nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2; chi tiết lọc bụi xuất khẩu sang Korgan Creak Australia; thiết bị vỏ nồi hơi cho Công ty Doosan Babcock xuất khẩu sang Mỹ; bồn chứa nhiên liệu cho nhiệt điện Phú Mỹ … Các dự án về thực phẩm, hóa chất, dầu khí, công trình công nghiệp cũng được COMA thực hiện đạt yêu cầu. COMA cũng tham gia xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông, dân dụng và công nghiệp trên khắp cả nước.

Tham gia đầu tư trên nhiều lĩnh vực đa dạng

Bên cạnh các lĩnh vực kinh doanh chủ lực, Tổng Công ty cũng đã tận dụng được tối đa nguồn nhân lực, vật lực để áp dụng sang một số lĩnh vực kinh doanh khác như xây dựng nhà ở để bán. Năm 2013, 2014 mảng hoạt động này cũng đã đóng góp từ 31% - 37% tổng doanh thu của Tổng Công ty và năm 2015 là 42%.

COMA đã thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cao cấp Skylight từ tháng 8/2009 trên khu đất rộng 1,5 ha tại số 125D Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ quý 4/2013 và hiện đang trong quá trình quyết toán. Do vậy, doanh thu từ bất động sản của COMA trong bốn năm gần đây 2012 - 2015 chủ yếu là từ dòng tiền của dự án Skylight.

Bên cạnh dự án Skylight, công ty con của COMA là CTCP COMA 18 đang thực hiện dự án Tòa nhà cao cấp Westa hơn 300 căn hộ với diện tích xây dựng 41.000 m2 ở Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội. Dự án Tòa nhà cao cấp Westa đưa vào sử dụng cuối năm 2014, hiện COMA18 đang tiến hành bán căn hộ để thu hồi vốn.

Ngoài ra, COMA còn phát triển kinh doanh xuất khẩu lao động, trong đó tập trung vào thị trường Trung Đông, Đài Loan, và Nhật Bản. Tổng Công ty và đơn vị thành viên cũng kinh doanh vật tư hàng hóa, chủ yếu cung cấp cho các công trình trong Tổng Công ty; ngoài ra còn kinh doanh cho thuê hạ tầng, văn phòng làm việc, và cung cấp dịch vụ điện nước.

Từ năm 2013 đến năm 2015, tổng doanh thu của COMA tăng từ 629,8 tỷ đồng lên 1.118 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 9,7 tỷ đồng – 173,7 tỷ đồng. Trong 2 năm tiếp theo, COMA đặt mục tiêu doanh thu hơn 950 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 16,6 tỷ - 19,2 tỷ đồng.

Tiếp tục phát triển ngành nghề kinh doanh chủ đạo trong tương lai

Trong giai đoạn tới, sau khi cổ phần hóa, COMA tiếp tục lấy ngành cơ khí lắp máy và sản xuất công nghiệp làm chuyên ngành chủ đạo, tập trung nguồn lực vào công cuộc đổi mới và phát triển ngành cơ khí xây dựng, tăng cường công tác đầu tư, đổi mới công nghệ, tham gia vào việc nâng cao tỷ lệ nội địa hoá về cung cấp sản phẩm cơ khí, thiết bị đồng bộ cho các ngành công nghiệp từ 60-70% khối lượng và đến 50% giá trị. Tổng Công ty cũng tiếp tục chuyên sâu thực hiện chế tạo thiết bị, phụ tùng, vật tư để phục vụ cho việc nâng cấp, sửa chữa, cải tạo các nhà máy xi măng, nhà máy thủy điện, nhiệt điện thay thế thiết bị nhập khẩu.

Cùng với đó, COMA sẽ mở rộng phát triển lĩnh vực sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ cho ngành công nghiệp phụ trợ, bảo vệ môi trường như: xử lý chất thải rắn cho các nhà máy nhiệt điện, hóa chất; hệ thống thu hồi nhiệt khí thải cho các dây chuyền Nhà máy xi măng… COMA cũng sẽ đồng thời chú trọng phát triển những sản phẩm mang thương hiệu COMA như dây chuyền sản xuất gạch Tuynen, gạch không nung; đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá như: khoá và tiểu ngũ kim, decor vân gỗ, vân đá, trang trí trên nhôm, đồng hồ đo nước, xi măng... đảm bảo chất lượng, mỹ thuật và giá thành để cạnh tranh trên thị trường.

Tổng giá trị phần vốn Nhà nước tại Tổng Công ty vào thời điểm ngày 1/7/2014 là hơn 239,7 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ dự kiến của công ty sau cổ phần hóa là 350 tỷ đồng. Nhà nước tiếp tục nắm giữ 51% vốn điều lệ, tương đương hơn 17,8 triệu cổ phần. 10,5 triệu cổ phần sẽ được phân phối cho nhà đầu tư chiến lược; 1,3 triệu cổ phần dành cho người lao động và hơn 5,3 triệu cổ phần sẽ được bán đấu giá công khai cho công chúng đầu tư tại Sở GDCK Hà Nội vào ngày 11/7/2016.