Hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội phát triển bền vững, bao phủ toàn dân

Phạm Hồng Nhung

Bài viết trao đổi về việc hoàn thiện hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội phát triển bền vững, bao phủ toàn dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Tại Việt Nam, bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.

Trong những năm qua, chính sách BHXH đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.
Trong những năm qua, chính sách BHXH đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.

Việt Nam thể hiện rõ quan điểm phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc; hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Bài viết trao đổi về việc hoàn thiện hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội phát triển bền vững, bao phủ toàn dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Đặt vấn đề

Trong hệ thống an sinh xã hội (ASXH), bảo hiểm xã hội (BHXH) là “lưới” đầu tiên, quan trọng nhất. Sự phát triển BHXH sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách ASXH, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, những định hướng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các văn kiện trình Đại hội tiếp tục xác định ASXH là một lĩnh vực quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước, trong đó chính sách BHXH là một trong những trụ cột chính của hệ thống ASXH, góp phần vào sự tiến bộ và công bằng xã hội, ổn định đời sống Nhân dân, đưa Đất nước phát triển bền vững.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện chính sách ASXH, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) đã tích cực triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đặc biệt, hệ thống pháp luật, chính sách BHXH đã từng bước được hoàn thiện, ngày càng đồng bộ, phù hợp với thực tế đất nước và thông lệ quốc tế. Bài viết trao đổi về hoàn thiện hệ thống chính sách BHXH phát triển bền vững, bao phủ toàn dân trong thời gian qua và những kiến nghị trong thời gian tới.

Thực trạng chính sách bảo hiểm xã hội ở Việt Nam

Trong những năm qua, chính sách BHXH đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống ASXH, là sự bảo đảm thay thế, hoặc bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống.

Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 1/2023, cả nước có gần 17,3 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ bao phủ là 37,4% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 648 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, trên 15,8 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, trên 1,4 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, lần lượt tăng 4,2%, 0,4% so với cùng kỳ năm 2022. Số người tham gia BHYT đạt trên 88,9 triệu người người, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Có được kết quả ấn tượng trên là nhờ chính sách BHXH ở Việt Nam đã dần được bổ sung, điều chỉnh để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, NLĐ trong từng thời kỳ. Ngày 12/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 29-SL - văn bản pháp luật đầu tiên quy định về các chế độ BHXH đối với công nhân.

Tiếp theo đó, các Sắc lệnh số 76-SL; 77-SL được ban hành năm 1950 quy định thực hiện các chế độ ốm đau, tai nạn lao đông và hưu trí cho cán bộ, công nhân, viên chức (CBCNVC). Khi miền Bắc được giải phóng, tập trung xây dựng CNXH, nên pháp luật về BHXH được phát triển mở rộng nhanh.

Ngày 27/12/1961, Chính phủ ban hành Nghị định số 218/CP ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với CBCNVC nhà nước, thay thế tất cả những quy định trước đó về các chế độ có tính chất BHXH.

Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp và những năm đầu của thời kỳ đổi mới kinh tế, chính sách BHXH được thực hiện đối với cán bộ, CBCNVC nhà nước; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

Năm 1995 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển chính sách BHXH với việc thực hiện BHXH bắt buộc cho NLĐ trong mọi thành phần kinh tế.

Trên cơ sở Bộ luật Lao động được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa IX, Chính phủ, Bộ LĐ-TB và XH và liên bộ ban hành nhiều Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách chế độ BHXH.

Trong đó, văn bản chủ đạo về chế độ, chính sách BHXH là Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 quy định thực hiện BHXH bắt buộc đối với CC, CNVC nhà nước và NLĐ làm việc tại các DN.

Ngày 29/6/2006 tiếp tục đánh dấu một mốc son trong chặng đường phát triển và hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH khi Quốc hội khóa XI thông qua Luật BHXH, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007 với loại hình BHXH bắt buộc; từ ngày 1/1/2008 với loại hình BHXH tự nguyện và từ ngày 1/1/2009 với loại hình bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, đối tượng tham gia BHXH được mở rộng đến NLĐ thuộc mọi thành phần kinh tế làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, áp dụng với tất cả các tổ chức, cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho NLĐ. Tiếp đó, ngày 14/11/2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1/1/2009.

Ngày 20/11/2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam (từ ngày 1/1/2018), người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Đặc biệt, ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH với mục tiêu phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân…

Tuy nhiên, hệ thống chính sách BHXH vẫn tiếp tục cần hoàn thiện, khắc phục những hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới. Theo đó, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới.

Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm; số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục.

Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 9/2022, số tiền DN chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là gần 14.600 tỷ đồng, chiếm gần 3,4% số phải thu.

Chỉ riêng trong giai đoạn 2018 - 2022, cơ quan BHXH đã kiến nghị khởi tố 382 vụ trốn đóng BHXH nhưng không có vụ việc nào bị xử lý; có 186 vụ cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm; hơn 3.200 tỷ đồng nợ BHXH kéo dài...

Giải pháp hoàn thiện chính sách BHXH phát triển bền vững, bao phủ toàn dân

Để hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, chính sách BHXH cần được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện theo các hướng sau đây:

Thứ nhất, xây dựng hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội, các chế độ BHXH cơ bản (bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện) và BH hưu trí bổ sung theo nguyên tắc thị trường tạo điều kiện nâng cao mức hưởng lương hưu cho NLĐ.

Thứ hai, sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng, chia sẻ. Quy định về điều kiện hưởng chế độ hưu trí cần được sửa đổi theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí để tiệm cận theo các quy chuẩn ASXH quốc tế...

Thời gian qua, cơ quan BHXH tăng cường phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền về những lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT.
Thời gian qua, cơ quan BHXH tăng cường phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền về những lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT.

Nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách bảo hiểm tự nguyện, nghiên cứu bổ sung các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt như chế độ trợ cấp thai sản, duy trì chính sách hỗ trợ đặc biệt là nhóm người nghèo để thu hút tham gia BHXH tự nguyện.

Thứ ba, hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH theo hướng cơ quan quản lý nhà nước về BHXH và cơ quan quản lý Quỹ BHXH có thẩm quyền xử phạt các DN trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH; đồng thời, các DN và người lao động có quyền khiếu nại, hoặc khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý Quỹ BHXH nếu phát hiện có sai phạm trong thực hiện chính sách BHXH.

Thứ tư, cải cách trong thiết kế chính sách, xây dựng chính sách BHXH bảo đảm sự công bằng, không phân biệt đối xử giữa các nhóm đối tượng tham gia; tăng cường sự chia sẻ giữa các nhóm đối tượng thụ hưởng nhằm khắc phục bất hợp lý, chênh lệch quá lớn về mức hưởng.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số nhằm đơn giản hoá các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và DN.

Thứ năm, sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu tăng trưởng diện bao phủ với mức hưởng khiêm tốn thay vì mức hưởng cao nhưng diện bao phủ hẹp.

Sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực DN để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ BHXH và quyền lợi của NLĐ. Nghiên cứu điều chỉnh tỷ lệ đóng vào Quỹ BHXH theo hướng hài hoà quyền lợi giữa người SDLĐ và NLĐ.

Thứ sáu, sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ hưu trí, linh hoạt hơn về điều kiện hưởng, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng BHXH một lần bằng cách tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.

Thực hiện điều chỉnh trợ cấp hưu trí xã hội theo khả năng cân đối của NSNN; lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của quỹ BHXH và NSNN.

Thứ bảy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong hoạch định chính sách và chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền.

Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách BHXH đối với bảo đảm ASXH, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện chính sách BHXH.

Kết luận

Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của BHXH, trong suốt nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này. Những chính sách về BHXH không ngừng được bổ sung, hoàn thiện cùng với quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế.

Hệ thống pháp luật về BHXH ngày càng phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giúp cho BHXH đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần ngày càng quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm ASXH, phát triển bền vững đất nước.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy tác dụng to lớn trong việc đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân.

Do vậy, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đó là cải cách chính sách bảo BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống ASXH, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2014), Luật BHXH số 58/2014/QH13;
  2. Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (2018), Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH;
  3. Nguyễn Thế Mạnh (2021), Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Cổng thông tin BHXH;
  4. Bùi Sỹ Lợi (2021), Hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Tài chính;
  5. Nguyễn Xuân Tiệp (2022), Chính sách BHXH ở Việt Nam: Ngày càng tiệm cận với quy chuẩn an sinh xã hội quốc tế;
  6. Nguyễn Thị Minh Huệ (2021), Vai trò trụ cột của BHXH trong hệ thống an sinh xã hội.