Hoàn thiện chính sách, nâng tầm vị thế cho DATC
Đứng trước yêu cầu mới, đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) trong thời gian tới. Qua đó, nhằm phát huy vai trò, vị thể của Công ty trong mua, bán, xử lý nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trong những năm qua, DATC đã luôn hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tường Chính phủ và Bộ Tài chính giao. Đồng thời, tham gia xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp theo nhu cầu thị trường... Tuy nhiên, trước bối cảnh mới, với nhiều thay đổi, các cơ chế, chính sách cho DATC hoạt động đã không còn phù hợp, cần phải thay đổi để nâng tầm, phát huy vai trò, vị thế của Công ty.
Việc nâng cao tính pháp lý theo hướng xây dựng, ban hành Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC, nhằm hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý cho sự hình thành và phát triển thị trường mua bán, xử lý nợ và tài sản. Đồng thời, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DATC, góp phần giải quyết nợ xấu, nợ tồn đọng trong nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, trong đó có tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Mở rộng đối tượng tham gia xử lý nợ và tài sản sang các tổ chức, cá nhân thuộc thành phần kinh tế khác, các đơn vị sự nghiệp thực hiện sắp xếp, chuyển đổi... Bổ sung chức năng để phát triển ngành nghề hỗ trợ ngành nghề kinh doanh chính, mở rộng ngành nghề kinh doanh mới, bao gồm: Phát triển hoạt động quản lý đầu tư, khai thác tài sản, dự án; mở rộng hoạt động tái cơ cấu DN, gắn với xử lý nợ, tài sản và dự án; phát triển hoạt động tư vấn, dịch vụ tài chính, quản lý vốn góp...
Bổ sung quyền được hỗ trợ tài chính dưới hình thức tài trợ vốn vay ngắn hạn, bảo lãnh đối với các DN được DATC tham gia tái cơ cấu có khó khăn tài chính để sớm phục hồi sản xuất kinh doanh khi các DN này đáp ứng được các điều kiện về kiểm soát của DATC, có phương án khả thi, có tài sản bảo đảm cho khoản vay.
Việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho DATC sẽ giúp tạo giải pháp mới cho các DN thuộc các thành phần kinh tế khác đang gặp khó khăn về tài chính, thực hiện tái cơ cấu, làm lành mạnh tình hình tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.
Qua đó, tạo công việc và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương; đồng thời, tăng thu cho NSNN; xử lý khối lượng lớn nợ tồn đọng, làm tăng tính thanh khoản và an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng, góp phần khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế…
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho DATC xử lý nợ, các tài sản hình thành từ hoạt động mua bán nợ, giảm tình trạng đóng băng của các khoản nợ, tài sản, nâng cao tính thanh khoản và hiệu quả sử dụng của tài sản trong nền kinh tế, tạo ra dòng vốn mới cần thiết cho các DN đang có tình hình tài chính khó khăn.
Việc bổ sung chức năng, nghiệp vụ hoạt động đồng bộ với việc mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động sẽ giúp DATC mở rộng hoạt động theo cả chiều sâu và chiều rộng, có tính tương tác và hỗ trợ lẫn nhau để phát huy hiệu quả của các nguồn lực được bổ sung.