4 tháng đầu năm, DATC đạt doanh thu gần 1.150 tỷ đồng từ xử lý nợ và tài sản

Hà Trang

Thị trường mua bán nợ tiếp tục có sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, song hành cùng với đó là các khó khăn vướng mắc trong cơ chế hoạt động đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của DATC. Tuy nhiên, với sự nỗ lực hết mình, DATC đã vượt qua được nhiều khó khăn, đạt được kết quả tích cực.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, thơi gian qua, DATC đã rất tích cực tham gia xử lý nợ, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc SBIC
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, thơi gian qua, DATC đã rất tích cực tham gia xử lý nợ, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc SBIC

Trong 4 tháng đầu năm 2020, DATC đã tiếp nhận xử lý nợ và tài sản tại 20 doanh nghiệp với doanh thu gần 1.150 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DATC cũng nghiên cứu áp dụng các phương pháp xử lý nợ mới như mua bán nợ theo lô, chia sẻ lãi lỗ… để tăng cường tốc độ và hiệu quả xử lý nợ xấu.

Trước đó, trong năm 2019, DATC đã mua và xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Doanh thu từ hoạt động mua bán xử lý nợ và tài sản là 1.785 tỷ đồng, bằng 124% so với năm 2018, đồng thời có những phương án đang thực hiện tốt gối đầu cho năm sau. 

Cũng trong năm 2019, Công ty đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan đến tái cơ cấu nợ của SBIC; tái cơ cấu nợ Vinalines; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu Công ty cổ phần Thực phẩm miền Bắc thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Công ty Haprosimex theo nghị quyết đã được phê duyệt… Qua đó, góp phần nâng cao năng lực tài chính, phục hồi hoạt động các đơn vị để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu theo đề án được Chính phủ phê duyệt gắn với việc thu hồi các khoản nợ của Chính phủ.

Công ty đã tập trung chỉ đạo, điều hành, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt về mua bán xử lý nợ, kể cả thay đổi phương thức xử lý thu hồi nợ để phù hợp với điều kiện, khả năng thực tế của khách nợ. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của DATC hiện còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với những thay đổi của thị trường và chính sách mới được sửa đổi, bổ sung thời gian qua, dẫn đến làm giảm hiệu quả của các phương án xử lý nợ của DATC. 

Tuy nhiên, về công tác thoái vốn, trong thời gian qua DATC gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là trong năm 2019, Công ty chỉ thoái vốn được tại 6 doanh nghiệp, không đạt kế hoạch là 19 doanh nghiệp. Việc không hoàn thành chỉ tiêu thoái vốn đã ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của DATC. Cụ thể, doanh thu thoái vốn thiếu hụt 253 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 40 tỷ đồng (do không hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư). 

Theo DATC, việc thoái vốn chưa đạt kế hoạch chủ yếu do những nguyên nhân khách quan như vướng mắc về cơ chế chính sách, chẳng hạn như chưa có quy chế mẫu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về bán đấu giá theo lô để các tổ chức đấu giá ban hành quy chế bán đấu giá cổ phần kèm nợ phải thu; việc bán đấu giá cả lô cổ phần kèm nợ không thực hiện được qua Sở Giao dịch Chứng khoán do sở chỉ có chức năng bán đấu giá cổ phần… 

Thựn hiện các mục tiêu, kế hoạch năm 2020, hiện nay DATC đang tích cực tập trung hoàn thiện thể chế hoạt động để khắc phục khó khăn, bất cập và nâng cao sức cạnh tranh của DATC trên thị trường mua bán nợ như sớm trình các cấp ban hành nghị định về cơ chế hoạt động của DATC. Cùng với đó tích cực thực hiện Đề án chiến lược kinh doanh của công ty giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Hoàn thiện các quy chế, quy trình có tính quyết định ảnh hưởng đến hoạt động của công ty như quy chế trích lập dự phòng, thoái vốn và nợ phải thu của công ty.

Hiện DATC đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ tại các doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu. Đồng thời,  đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ, tái cơ cấu, thoái vốn… tương xứng với quy mô và năng lực của công ty, khẳng định vị trí, vai trò của DATC về mua bán nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp.

DATC cũng nghiên cứu thay đổi cách làm, cách thức phối hợp với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty trong hoạt động tham gia mua và xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp; cải tiến công tác kế hoạch và thị trường, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, gắn chi phí hoạt động với kết quả thực hiện…

Ngay khi bước vào năm 2020, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp, tác động xấu đến các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội, đặc biệt là tình hình nợ xấu của doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng, DATC đã  lên kế hoạch và vào cuộc một cách tích cực.

Theo đó, Ban Lãnh đạo DATC đã chủ động tìm kiếm mua bán và xử lý các khoản nợ xấu của nền kinh tế và đưa ra các giải pháp, kế  hoạch thực hiện cụ thể, tích cực. Bước đầu đã mang lại những kết quả nhất định. Trong 4 tháng đầu năm 2020, DATC đã tiếp nhận xử lý nợ và tài sản tại 20 doanh nghiệp với doanh thu gần 1.150 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DATC cũng nghiên cứu áp dụng các phương pháp xử lý nợ mới như mua bán nợ theo lô, chia sẻ lãi lỗ… để tăng cường tốc độ và hiệu quả xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, do vẫn còn nhiều vướng mắc trong cơ chế, chính sách, DATC vẫn chưa thực sự có nhiều đột phá trên trong lĩnh vực mua bán, xử lý nợ. Trong thời gian tới, khi Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC được ban hành và đi vào thực thi chắc chắn sẽ mở ra nhiều dư địa cho DATC khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình trên thị trường.