Phát triển thị trường hàng hóa thân thiện với môi trường ở Việt Nam
Hàng hóa thân thiện với môi trường là hàng hóa mà quá trình sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ không ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường. Với xu thế xanh hóa nền kinh tế trên thế giới nhằm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, phát triển thị trường hàng hóa thân thiện với môi trường sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển sản xuất, tiêu dùng bền vững. Bài viết trao đổi tổng quan về thị trường hàng hóa thân thiện với môi trường, thực trạng phát triển thị trường hàng hóa thân thiện với môi trường tại Việt Nam thời gian qua, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển thị trường này trong thời gian tới.
Tổng quan về thị trường hàng hóa thân thiện với môi trường
Hàng hóa thân thiện với môi trường
Năm 1995, lần đầu tiên khái niệm hàng hóa thân thiện với môi trường (HHTTMT) được đưa ra tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). Theo đó, HHTTMT là hàng hóa ít gây hại cho môi trường hơn ở một số giai đoạn trong vòng đời hàng hóa hơn các hàng hóa truyền thống; hoặc là các hàng hóa có những đóng góp trong việc bảo tồn môi trường” (UNCTAD, 1995).
Theo quan niệm OECD, “HHTTMT là các hàng hóa mà quá trình sản xuất ra chúng ngăn chặn, hạn chế, tối thiểu hóa hoặc không gây ra sự hủy hoại môi trường đối với các thành phần môi trường như nước, không khí, đất cũng như các khía cạnh khác liên quan như nước thải, tiếng ồn và hệ sinh thái”. Định nghĩa này bao hàm cả công nghệ sạch hơn, các hàng hóa sạch hơn giảm thiểu được các rủi ro về môi trường, tối thiểu hóa ô nhiễm và sử dụng tài nguyên.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng khái niệm HHTTMT dưới nhiều tên gọi khác nhau. Một số quốc gia sử dụng “nhãn xanh” hay “nhãn sinh thái” để gắn cho các loại HHTTMT nhằm phân biệt với các hàng hóa thông thường cùng loại như: Nhãn sinh thái Blue Angel của Đức (áp dụng từ năm 1978); Nhãn EU Eolabel của Liên minh châu Âu (áp dụng từ năm 1990); Nhãn Eco Mark của Nhật Bản (áp dụng từ năm 1989); Nhãn KOECO của Hàn Quốc (áp dụng từ năm 1992); Nhãn Green Singapore của Singapore (áp dụng từ năm 1992)… Thống kê sơ bộ cho thấy, có khoảng 44.050 hàng hóa được dán nhãn sinh thái EU Ecolabel, 10.000 hàng hóa được dán nhãn sinh thái Blue Angel, 9.800 hàng hóa được dán nhãn sinh thái KOECO…
Thị trường hàng hóa thân thiện với môi trường
Thị trường HHTTMT là toàn bộ các hoạt động mua bán, trao đổi, là quan hệ kinh tế giữa người mua và người bán về các loại HHTTMT. Để phát triển thị trường HHTTMT, cần phát triển các yếu tố tạo nên thị trường như: phát triển cung (nguồn hàng), phát triển cầu (tiêu dùng) và phát triển các hệ thống phân phối.
Phát triển thị trường HHTTMT là tập hợp các hoạt động của Nhà nước và doanh nghiệp (DN) nhằm tạo ra tạo ra sự chuyển biến cả về số lượng, chất lượng của nguồn cung hàng hóa, khách hàng tiêu dùng và hoàn thiện hệ thống phân phối để gia tăng việc sản xuất và tiêu thụ các loại HHTTMT, góp phần đẩy nhanh thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Thực trạng phát triển thị trường hàng hóa thân thiện với môi trường ở Việt Nam
Kết quả ghi nhận
- Về chính sách: Trong thời gian, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành, thông qua nhiều Luật, Chiến lược, Chương trình và nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển HHTTMT đã được triển khai hiệu quả như: Khuyến khích, hỗ trợ DN áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, thúc đẩy đổi mới, áp dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, thực hiện chứng nhận, dán Nhãn Xanh Việt Nam, Nhãn Năng lượng, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tuần hoàn chất thải, hạn chế việc sử dụng bao bì khó phân huỷ, thay thế bằng bao bì thân thiện với môi trường, từng bước hình hành những thói quen tiêu dùng bền vững… Bên cạnh đó, chủ trương hướng đến nền kinh tế tuần hoàn cũng đã được đề cập và được DN áp dụng nhiều hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Về nguồn cung cho thị trường: Hiện nay, khối lượng và chủng loại HHTTMT có mặt trên thị trường ngày càng phong phú, chất lượng từng bước được nâng cao. Danh mục HHTTMT xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên giá, kệ ở các siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng. Chẳng hạn, năm 2022, các siêu thị trong hệ thống của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) như Co.opmart, Co.opXtra… bán tới 10.000 sản phẩm thân thiện với môi trường. Một số chủng loại, mặt hàng thân thiện với môi trường đã tìm được đầu ra ở thị trường ngoài nước. Tuy nhiên, chủng loại HHTTMT có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài vẫn chiếm ưu thế. Hầu như các loại HHTTMT sử dụng dài ngày trên thị trường hiện nay chủ yếu là nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài về hoặc nhập linh kiện và gia công, lắp ráp tại Việt Nam.
- Về hệ thống phân phối: Theo kết quả điều tra của Vũ Huy Hùng, Nguyễn Thanh Bình (2021), so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tỷ trọng lưu chuyển HHTTMT tiêu thụ qua hệ thống chợ chiếm 0,5%; thông qua mạng lưới các cửa hàng truyền thống khoảng 3,0%. Các siêu thị, trung tâm thương mại chiếm ưu thế và là một trong những loại hình bán lẻ chủ yếu các loại HHTTMT, chiếm tương ứng 13,0% và 9,0%. Các cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh chiếm khoảng 3,5 và 5,5%...
- Về xu hướng tiêu dùng: Khảo sát của Nielsen (2021) chỉ ra rằng, có đến 86% số người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm đến từ thương hiệu có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và môi trường (tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á là 76%). Việc DN cam kết có trách nhiệm với môi trường cũng tác động đến quyết định mua hàng của 62% số người tiêu dùng Việt. Bên cạnh đó, hiện nay, việc tiêu dùng HHTTMT chủ yếu tập trung ở tập người có trình độ học vấn cao, am hiểu cũng như quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thân thiện với môi trường hơn so với các nhóm khác. Khảo sát của Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) cho thấy, sử dụng hàng hóa xanh được hầu hết các nhóm khách hàng lựa chọn, tuy nhiên đối với các hàng hóa được dán nhãn sinh thái thì người tiêu dùng có thu nhập cao (trên 11 triệu đồng/tháng) chiếm tỷ trọng lớn hơn.
Hạn chế, thách thức
- Nhận thức của cộng đồng chưa cao. Kết quả điều tra khảo sát của Viện ISPONRE cho thấy, người tiêu dùng, đặc biệt ở khu vực nông thôn vẫn chưa có đầy đủ nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường khi tiêu dùng hàng hóa và mức độ hiểu biết của họ về HHTTMT còn hạn chế (gần 72% người được hỏi đã nghe nói tới nhưng không hiểu rõ về sản phẩm HHTTMT).
- Chi phí để sản xuất ra một đơn vị HHTTMT thường lớn hơn nhiều so với loại hàng hóa tương tự, nên giá thành cao và không có khả năng cạnh tranh trên thị trường (mức giá trung bình của các HHTTMT thường cao hơn 20-40% so với các loại hàng hóa tiêu dùng cùng loại).
- Sự phàn nàn của khách hàng đối với chất lượng hàng hóa không đúng như cam kết của nhà sản xuất vẫn còn nhiều, làm giảm lòng tin với các loại HHTTMT lưu thông trên thị trường. Việc kiểm định các hàng hóa xanh, hàng hóa sạch, hàng hóa đạt các tiêu chuẩn chứng chỉ cho các DN nhiều khi chưa được thực hiện nghiêm túc.
- Năng lực sản xuất HHTTMT còn hạn chế. Số lượng DN chủ động đầu tư, đổi mới mô hình sản xuất theo hướng hiện đại vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực, lựa chọn công nghệ phù hợp, các kênh/hình phức phân phối HHTTMT chưa phát triển.
- Số lượng hàng hóa được dán Nhãn Xanh Việt Nam còn rất hạn chế. Một số hàng hóa xuất hiện trên thị trường mới chỉ ở cấp độ thấp của HHTTMT. Thực tế cho thấy, so với nhiều nước trong khu vực và phát triển, nguồn cung HHTTMT ở nước ta vẫn còn khá sơ khai. Số lượng các loại hàng hóa đạt tiêu chuẩn thân thiện với môi trường theo các tiêu chuẩn quốc tế vẫn còn ít, mới chỉ tập trung trong một số hàng hóa nhất định.
- Các chính sách thúc đẩy sản xuất HHTTMT chưa tạo động lực mạnh mẽ cho các DN. Cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ DN đầu tư phát triển sản xuất HHTTMT còn bộc lộ nhiều mặt bất cập, mức độ hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện các dự án đầu tư còn hạn chế.
Đề xuất giải pháp
Nhằm phát triển thị trường HHTTMT, góp phần vào thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xanh hóa nền kinh tế và bảo vệ môi trường ở nước ta, tác giả đề xuất một số giải pháp trọng tâm sau:
Về phía cơ quan quản lý
- Giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển thị trường HHTTMT, hàng hóa xanh trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến tăng trưởng xanh, kinh tế xanh nhằm phát triển bền vững.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách vĩ mô thúc đẩy phát triển thị trường HHTTM. Có chính sách ưu đãi để khuyến khích các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường, đầu tư chuyển đổi công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn nền kinh tế xanh.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có chỉ số môi trường tốt được vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sử dụng công nghệ sạch.
- Sử dụng công cụ thuế, phí để điều tiết và định hướng sản xuất cũng như tiêu dùng. Ví dụ như ưu đãi thuế, phí, nguồn lực cho những công nghệ, quy trình sản xuất sản phẩm HHTTMT và ngược lại áp thuế cao những công nghệ, quy trình sản xuất lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm. Sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành hệ thống thuế Tiêu dùng xanh khuyến khích sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu các loại HHTTMT.
- Xác định các ngành/lĩnh vực trọng tâm có khả năng phát triển, trước hết, cần tập trung vào các hàng hóa mà hiện nay Việt Nam có thế mạnh như: Nhóm hàng hóa có khả năng thay đổi đầu vào là tài nguyên thiên nhiên bằng các nguồn đầu vào tái tạo hay thân thiện khí hậu (ngành tái chế); Nhóm các hàng hóa có khả năng áp dụng sản xuất sinh thái (rau quả an toàn, hữu cơ…); Nhóm hàng hóa năng lượng thay thế (năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh học).
- Tăng cường sự kết hợp của các Bộ, ngành trong việc triển khai các hoạt động của Chương trình Nhãn Xanh Việt Nam (nguồn nhân lực và tài chính).
Về phía các Hiệp hội ngành hàng
- Hiệp hội Bán lẻ và Siêu thị, Hội bảo vệ Người tiêu dùng làm đầu mối vận động các đơn vị hội viên nâng cao tỷ trọng hàng Việt Nam tại các trung tâm và siêu thị, kết hợp với các biện pháp quảng cáo, khuyến mại.
- Tổ chức tốt các kênh thông tin về HHTTMT cho quảng cáo các DN; Tăng cường việc đào tạo chuyên môn để hỗ trợ các DN, bao gồm phương pháp quản lý, thực hành các lĩnh vực kỹ thuật cụ thể, công nghệ giảm thiểu phát thải khí nhà kính…
Về phía doanh nghiệp
- Phối hợp với chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của hành vi tiêu dùng xanh đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng.
- Tăng cường liên kết hợp tác giữa các nhà phân phối trong nước kể cả mua bán, sát nhập để tạo sức mạnh tài chính đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống xây dựng thương hiệu; liên kết giữa nhà sản xuất, nhà phân phối để ổn định nguồn hàng và thị trường tiêu thụ.
- Từng bước hình thành mạng sản xuất và chuỗi cung ứng kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và bán hàng hóa.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (2017), Dự án “Điều tra, khảo sát xây dựng đề án phát triển thị trường các hàng hóa thân thiện môi trường”, Hà Nội;
- Vũ Huy Hùng, Nguyễn Thanh Bình (2022), Phát triển thị trường hàng hóa xanh ở nước ta: Lý luận, thực tiễn và giải pháp;
- Kasterine, a. và Vanzetti, D. (2010), The effectiveness, efficiency and equity of market-based and voluntary measures to mitigate greenhouse gas emissions from the agri-food sector. Trade and Environment Review 2010, 87-111;
- Organisation, G. (2009), Eurobarometer: Europeans' attitudes towards the issue of sustainable consumption and production. Ernst & Young.