Hoàn thiện cơ chế quản lý hải quan với thương mại điện tử

Trần Huyền

Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, cơ chế quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử cần được hoàn thiện nhằm đảm bảo tăng cường quản lý nhà nước về hải quan trong lĩnh vực này.

Cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: internet
Cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: internet

Xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu hải quan về thương mại điện tử

Thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam cũng như của các nước trên thế giới. Theo dự báo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng trung bình năm của Việt Nam giai đoạn 2015-2025 là 29%. Khi đó, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam đạt ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan. Trong bối cảnh đó, cần phải có cơ chế chính sách quản lý đối với hoạt động này, trong đó có thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, theo phân công của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã triển khai xây dựng và hoàn thiện Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.

Theo ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), về đối tượng áp dụng, ngoài các đối tượng thực hiện thủ tục hải quan như đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường, Nghị định bổ sung thêm các đối tượng là chủ sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, Website thương mại điện tử bán hang và Ứng dụng bán hàng.

Ông Đào Duy Tám cho biết, hệ thống xử lý dữ liệu hải quan về thương mại điện tử là Hệ thống cho phép thực hiện thủ tục hải quan, tiếp nhận, phản hồi, chia sẻ, xử lý và lưu giữ thông tin liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử. Hệ thống có chức năng thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, tiếp nhận, xử lý, phản hồi, lưu trữ thông tin đơn hàng và các thông tin có liên quan, xác thực chữ ký số của người gửi thông tin.

Hệ thống này cũng kết nối, trao đổi thông tin hoạt động thương mại điện tử với hệ thống xử lý dữ liệu hải quan về thương mại điện tử của chủ sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng, ứng dụng bán hàng, đại lý làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan, doanh nghiệp kinh doanh địa điểm kiểm tra, tập kết hàng chuyển phát nhanh, bưu chính, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện việc bảo lãnh số tiền thuế phải nộp cho người khai hải quan.

Bên cạnh đó, Hệ thống còn kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng kết nối dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về đăng ký kinh doanh, về thuế, các hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước và các hệ thống của các bên liên quan khác để trao đổi, cập nhật, xử lý, cung cấp thông tin phục vụ thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế và quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.

Ngoài ra, Hệ thống này cũng có chức năng lưu trữ trạng thái của các giao dịch điện tử, thông tin, dữ liệu điện tử được gửi đến Hệ thống xử lý dữ liệu hải quan về thương mại điện tử; Cung cấp thông tin bao gồm: Thông tin giao dịch thương mại điện tử, thống kê số liệu theo yêu cầu từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người khai phù hợp chức năng, thẩm quyền của cơ quan, quyền, trách nhiệm của người khai; Theo dõi, thống kê việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa miễn thuế, miễn điều kiện, giấy phép, kiểm tra chuyên ngành giao dịch qua thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân.

Quy định rõ trường hợp được miễn thuế, kiểm tra chuyên ngành

Một trong những nội dung nổi bật khác được đề cập tại Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử là chính sách quản lý chuyên ngành, chính sách thuế.

Về chính sách mặt hàng, theo ông Đào Duy Tám, ngoài các trường hợp được miễn giấy phép, kiểm tra chuyên ngành theo quy định thì đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng mặt hàng trong đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống hoặc trên 2 triệu đồng nhưng tiền thuế dưới 200 nghìn đồng đối với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc cũng được miễn giấy phép, miễn kiểm tra chuyên ngành nhưng tổng trị giá hàng hóa được miễn không quá 96 triệu đồng/năm/01 tổ chức, cá nhân (trừ hàng hóa phải kiểm dịch, hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa, phế liệu được phép nhập khẩu).

Về chính sách thuế, hiện tại hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan từ 1 triệu đồng hoặc có số tiền thuế phải nộp từ 100.000 đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và miễn thuế GTGT và không giới hạn mức miễn thuế nhập khẩu trong 01 năm.

Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết thêm, theo đánh giá của một số doanh nghiệp bưu chính chuyển phát nhanh thì riêng hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam hiện nay trung bình từ 4-5 triệu đơn hàng/ngày; trị giá mỗi đơn hàng được chia nhỏ 100-300 ngàn đồng, mỗi ngày có khoảng 45-63 triệu USD hàng hóa vận chuyển qua sàn này.  Với quy định hiện nay thì gần như toàn bộ các đơn hàng này đều không phải nộp thuế; điều này tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; giữa hàng sản xuất trong nước với hàng nhập khẩu.

Do vậy, tại dự thảo Nghị định quy định, miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống; hoặc trên 2 triệu nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 200.000 đồng ;và với định mức tiêu chuẩn không quá 96 triệu đồng/năm/01 tổ chức, cá nhân. Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh phải nộp đủ thuế GTGT theo quy định.

"Dự kiến với quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam năm 2022 đạt 16 tỷ USD thì riêng số thuế GTGT thu được đạt khoảng 38.500 tỷ đồng. Đây là nguồn thu đáng kể để bổ sung vào ngân sách nhà nước." - Ông Đào Duy Tám cho biết.

Được biết, Tổng cục Hải quan sẽ ưu tiên triển khai trước việc xây dựng Hệ thống xử lý dữ liệu thương mại điện tử vào hồ sơ mời thầu và thương thảo hợp đồng. Đồng thời, tiếp tục rà soát các nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Nghị định nếu cần thiết và đảm bảo trình Chính phủ vào quý IV/2024.