Hoàn thiện cơ sở pháp lý thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo


Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu “xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy... khởi nghiệp sáng tạo” nhằm “phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm”[1]. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo còn một số bất cập gây khó khăn trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp này. Bài viết phân tích cơ sở pháp lý, từ đó đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Quan niệm về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

“Khởi nghiệp” là một từ Hán Việt, theo đó, “khởi” có nghĩa là bắt đầu, “nghiệp” có nghĩa là công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp, nên có thể hiểu “khởi nghiệp” là thuật ngữ chỉ đến việc bắt đầu sự nghiệp[2].

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là khái niệm tương đối mới tại Việt Nam. Có nhiều cách hiểu về khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Trong tiếng Anh, khởi nghiệp sáng tạo (startup hoặc start-up) được hiểu là việc một cá nhân hay một tổ chức của con người đang trong quá trình bắt đầu kinh doanh, hay còn gọi là giai đoạn đầu lập nghiệp. Theo Mandela Schumacher-Hodge, thuật ngữ “doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo - startup" không dùng để thông báo loại hình của doanh nghiệp, mà chủ yếu dùng để miêu tả trạng thái phát triển của doanh nghiệp. Một cách tiếp cận khác theo Neil Blumenthal - Đồng sáng lập và đồng CEO của Warby Parker - thì "Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là một công ty hoạt động nhằm giải quyết một vấn đề mà giải pháp không phải là hiển nhiên và dĩ nhiên không có gì đảm bảo thành công cả”.

Ở phương Tây, khái niệm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được xác định là một tập hợp các nguồn lực tạm thời (nhân lực, tiền, thời gian...) để đi tìm kiếm một mô hình kinh doanh mới và nhanh chóng xây dựng thành một doanh nghiệp có quy mô, đồng thời có khả năng lặp lại hay nhân rộng tại các thị trường khác nhau, thường tận dụng công nghệ làm lợi thế cạnh tranh.

Ở Việt Nam, để đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia phát triển, cần phải thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở đổi mới sáng tạo..., tập trung phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí: tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng[3]) khởi nghiệp sáng tạo.

Năm 2017, khái niệm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo lần đầu được luật hóa tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.[4]

Nhìn chung, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có một số đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất, đặc trưng nổi bật nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo luôn gắn với những ý tưởng sáng tạo, đột phá. Ý tưởng sáng tạo của quá trình khởi nghiệp sáng tạo rất đa dạng, phong phú, với nhiều phương thức thể hiện khác nhau, với cốt lõi là có tính mới. Tính mới vừa là lý do để khởi nghiệp, vừa là yếu tố đem lại sức cạnh tranh của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khi tham gia thị trường, và cũng là công cụ để doanh nghiệp thu lợi lớn, tăng trưởng nhanh. Giải pháp sáng tạo, đột phá của doanh nghiệp là thành tố đặc biệt quan trọng, phản ánh rõ nét nhất đặc trưng của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp.

Thứ hai, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp mới được thành lập, có thời gian hoạt động chưa dài. Trừ một số doanh nghiệp hình thành thông qua việc tổ chức lại doanh nghiệp, mọi doanh nghiệp được thành lập và hoạt động đều phải trải qua giai đoạn khởi nghiệp, bất kể hình thức hoạt động, loại hình doanh nghiệp hay ngành nghề kinh doanh nào.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính mới của ý tưởng sáng tạo, doanh nghiệp ngay sau khi thành lập sẽ thực hiện quá trình biến ý tưởng thành sản phẩm, dịch vụ một cách nhanh chóng để nắm bắt cơ hội kinh doanh, tránh các doanh nghiệp khác kịp cung ứng sản phẩm, dịch vụ tương tự.

Thứ ba, hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tính rủi ro cao.

Đối với doanh nghiệp giai đoạn đầu thành lập là lúc gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, thiếu nguồn vốn, thiếu lượng khách hàng thân thiết, ổn định,… Bên cạnh đó, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn gặp những khó khăn đặc thù, như: các ý tưởng, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dễ bị các doanh nghiệp khác bắt chước hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; thử nghiệm mới khó thành công ngay từ ban đầu; thị trường không chấp nhận hoặc chậm chấp nhận những sản phẩm, dịch vụ mới. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường gặp nhiều rủi ro về cả khía cạnh kỹ thuật, tài chính và pháp lý.

Nhìn chung, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là một thành tố quan trọng của mạng lưới doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có ưu điểm là năng động, sáng tạo, tận dụng được những trào lưu, xu thế kinh doanh mới, dẫn đến tiềm năng phát triển tốt.

Hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam

Hệ thống pháp luật về hỗ trợ khởi nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo bao gồm 2 loại hình: Các văn bản quy phạm pháp luật (văn bản luật và văn bản quy phạm pháp luật dưới luật); Các văn bản áp dụng pháp luật, văn bản hành chính và các loại văn bản khác.

Năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 về mô hình vườn ươm doanh nghiệp, một trong những hình thức hỗ trợ kinh doanh trong hệ sinh thái khởi nghiệp được chính thức thừa nhận và là tổ chức có chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có các doanh nghiệp  khởi nghiệp thông qua việc sử dụng không gian ươm tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Đặc biệt từ năm 2016, Nhà nước xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp và hiện nay hệ thống này đang được tiếp tục hoàn thiện. Hệ thống văn bản này đã đưa ra các định hướng hỗ trợ cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; các hình thức hỗ trợ theo quy định của luật và văn bản hướng dẫn được áp dụng cho doanh khởi nghiệp đăng ký kinh doanh để được công nhận là một doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Năm 2017, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14, được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Các quy định về hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được quy định tại Điều 17 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm 2 điều kiện để nhận hỗ trợ: (1) Có thời hạn không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; (2) Chưa chào bán chứng khoán ra công chúng.[5] Có 5 hình thức hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm: (1) Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới; (2) Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư; tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; (3) Hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kế nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; (4) Hỗ trợ thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; (5) Cơ chế cấp bù lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo thông qua các tổ chức tín dụng.[6]

Để hướng dẫn cụ thể các quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các Nghị định hướng dẫn thi hành đã được ban hành, gồm:

- Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 03 năm 2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

- Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ và các chủ thể có thẩm quyền cũng đã xây dựng, ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, bao gồm:

- Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”. Đây là văn bản đầu tiên, bao quát nhất và là nền tảng về chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Quyết định số 171/QĐ-BKHCN ngày 7 tháng 02 năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục nhiệm vụ đặt hàng thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025” bắt đầu thực hiện từ năm 2017 và Quyết định số 3362/QĐ-BKHCN ban hành quy định tạm thời xử lý hồ sơ tham gia Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”. Theo đó, có 12 dự án và 3 đề tài cụ thể sẽ được triển khai với mục tiêu: Nâng cao năng lực cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, liên kết các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia và xây dựng cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

- Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì).

- Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”.

Ngoài ra, trên cơ sở tình hình thực tế, các địa phương còn xây dựng các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, các quyết định, kế hoạch, chương trình của Ủy ban nhân dân tỉnh về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Phần lớn các văn bản này được ban hành trong năm 2017.

Một số vướng mắc pháp lý và giải pháp tháo gỡ

Hiện nay, pháp luật đầu tư ở Việt Nam có rào cản nhất định, tạo nên khó khăn trong đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Một số vướng mắc pháp lý

Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau, nên thiếu tính hệ thống, khó theo dõi, khó nắm bắt đối với chủ thể được hỗ trợ;…

Ngoài ra, quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hiện nay hầu như mới chỉ đề cập tới các biện pháp hỗ trợ mà chưa đề cập tới việc triển khai thực thi các quy định này, cũng như cách thức xử lý nếu như doanh nghiệp không thực hiện đúng các quy định nhằm nhận hỗ trợ.

Một số vướng mắc điển hình hiện nay như sau:

Thứ nhất, về thủ tục thành lập và các thủ tục hành chính khác.

Để được công nhận là thành lập hợp pháp các doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh và thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư theo luật định.

Theo quy định hiện hành, các bước thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020 và được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp.

Riêng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, do đặc thù cần gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư, nên các doanh nghiệp này còn phải thực hiện thủ tục xin cấp phép đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành (đối với hình thức đầu tư thường theo hình thức góp vốn để thành lập doanh nghiệp).

Tuy nhiên, các thủ tục chưa có sự thống nhất, rườm rà, gây mất thời gian; thẩm quyền giữa các cơ quan có thẩm quyền chồng chéo; chính sách có những thay đổi đột ngột gây khó khăn cho doanh nghiệp, có những doanh nghiệp phải mất thời gian cả năm mới hoàn thành thủ tục đăng ký theo đúng quy định.

Khi doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo đã hoàn thành được các thủ tục, đi vào hoạt động lại gặp phải các khó khăn khác về thủ tục hành chính như: thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; thủ tục xuất khẩu hàng hóa, thủ tục đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, giấy phép thiết lập website; thủ tục nộp thuế;… Mỗi thủ tục hành chính đều yêu cầu cần có rất nhiều hồ sơ, nộp tại nhiều cơ quan khác nhau gây mất thời gian, làm mất đi cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Quy định về thủ tục hành chính mang tính chất chung, chưa rõ ràng dẫn đến việc cấp dưới còn ban hành các quy định về các giấy phép “con” và chưa linh hoạt trong giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. Đặc biệt, chưa có cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm về giải quyết vấn đề vướng mắc như về thủ tục, hồ sơ, pháp lý,... cho doanh nghiệp.

Thứ hai, về thủ tục đầu tư.

Các cổ đông Việt Nam tại doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khi thực hiện tái cơ cấu sẽ phải thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài để thành lập công ty mẹ tại nước ngoài, rồi công ty mẹ lại cần thực hiện thủ tục đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Như vậy, doanh nghiệp phải 2 lần thực hiện thủ tục đầu tư, gây mất nhiều thời gian, công sức. Trong khi đó, thời gian là yếu tố quan trọng, quyết định đến sự thành bại, tính mới của các sáng kiến, kỹ thuật mới.

Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, theo đó quy định Quỹ đầu tư phải kê khai các ngành nghề của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mà Quỹ đầu tư. Điều này là không cần thiết, bởi khi doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh cũng đã đăng ký ngành nghề và xin giấy phép theo quy định. Điều này dẫn tới các thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian xét duyệt.

Thứ ba, về quỹ đầu tư.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hưởng ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, trong các văn bản hướng dẫn cụ thể về thuế không có quy định cụ thể về đối tượng chịu thuế, mức thuế, thuế suất, thủ tục để được hưởng ưu đãi về thuế.

Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo còn rất nhiều bất cập.

Quy định Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các hoạt động về khai, nộp thuế, đăng ký đầu tư nước ngoài do chưa có quy định cụ thể; quy định chỉ cho phép có tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập, làm hạn chế số vốn góp[7]. Đặc biệt, Nghị định này quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đã tạo ra hạn chế tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Tháo gỡ những vướng mắc về khung pháp lý cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất quan trọng. Để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, cần đẩy mạnh quyền tự do kinh doanh của các chủ thể; được thực hiện những gì pháp luật không cấm, không hạn chế; không thể xác định pháp luật chưa quy định là hành vi vi phạm;… từ đó tạo môi trường kinh doanh tốt.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật, Nhà nước có thể tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới, vận dụng sáng tạo vào Việt Nam. Cần hệ thống hóa các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tạo tính logic, khoa học, từ đó giúp doanh nghiệp dễ theo dõi, nắm bắt và thực hiện thông tin. Ngoài xác định các biện pháp hỗ trợ cũng cần có các quy định pháp luật quy định cách thức triển khai thực thi các quy định này, cũng như cách thức xử lý nếu như doanh nghiệp không thực hiện đúng các quy định.

Tiếp đó, cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo rất cần các thủ tục được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm. Do đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục cấp phép đầu tư và các thủ tục khác; giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục, từ đó gỡ bỏ rào cản, tránh tình trạng doanh nghiệp chuyển dịch sang hoạt động tại các quốc gia khác (Ở Singapore chỉ mất có 2 ngày để thành lập doanh nghiệp và tiền nhà đầu tư rót vốn vào doanh nghiệp đó chỉ trong vòng 1 tháng tính từ khi thành lập doanh nghiệp. Còn ở Việt Nam, các nhà đầu tư từng đầu tư về Việt Nam phải mất 8 tháng mới hoàn thiện xong các thủ tục hành chính). Cần có sự phối hợp thường xuyên, kịp thời giữa các cơ quan, thống nhất đầu mối trong công tác quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp, sẽ giúp các doanh nghiệp và các địa phương tập trung nguồn lực, đồng thời tạo sự phối hợp chặt chẽ khi xác định rõ trách nhiệm ở từng khâu công việc, từng cá nhân, cơ quan, đơn vị.

Cần soạn thảo và ban hành văn bản hướng dẫn về các ưu đãi thuế đối với Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; cần làm rõ quy định về nhà đầu tư tư nhân; quy định rõ hơn về nguồn tài chính được sử dụng để đóng góp vào quỹ do tính rủi ro cao; xác định tư cách pháp nhân cho danh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo…

Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; từ đó tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển thuận lợi, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước.

Tài liệu trích dẫn:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I. Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 226 và 229

[2] Hoàng Phê (2003). Từ điển Tiếng Việt. Nxb. Đà Nẵng, tr. 512

[3] Quốc hội (2017). Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, K1,2 Đ4

[4] Quốc hội (2017). Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, K2 Đ3

[5] Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Đ17

[6] Quốc hội (2017). Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Đ17

[7] Chính phủ (2018). Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, Đ5.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  2. Chính phủ (2018). Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
  3. Chính phủ (2019). Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  4. Chính phủ (2021). Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  5. Nguyễn Hữu Long (Chủ biên) (2022). Giáo trình đào tạo: Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Nxb Thanh niên, Hà Nội.
  6. Hoàng Phê (2003). Từ điển Tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng
  7. Quốc hội (2013). Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  8. Quốc hội (2017). Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  9. Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp. ứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21 tháng 10 năm 2023]
Theo tapchicongthuong.vn