Tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay: Thực trạng và giải pháp
Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm ưu thế về số lượng so với doanh nghiệp lớn và ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia, từng địa phương. Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tìm kiếm và sử dụng các hình thức tiếp cận vốn phù hợp và có lợi nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một thực trạng đặt ra hiện nay ở Việt Nam đó là tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang gặp rất nhiều khó khăn. Bài viết tập trung làm rõ nội dung này và đưa ra một số khuyến nghị có liên quan.
Thực trạng tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay
Kết quả đạt được
Trong thời gian qua, để tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho DNNVV, Chính phủ và ngành ngân hàng không ngừng bổ sung, hoàn thiện môi trường pháp lý, triển khai các chính sách phù hợp có liên quan.
Ngành ngân hàng triển khai các chương trình tín dụng đặc thù đối với các ngành, các lĩnh vực, trong đó có đối tượng thụ hưởng là DNNVV với nhiều cơ chế, ưu đãi về lãi suất, ưu đãi về tài sản bảo đảm, cơ chế xử lý nợ đặc thù, như: Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 7/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09/6/2015; Chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DNNVV tiếp cận vốn. Trong đó, tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế (ADB, JICA, WB…) triển khai các chương trình cho vay với lãi suất thấp cho DNNVV.
Để hỗ trợ DNNVV tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, NHNN đã ban hành Thông tư số 45/2018/TT-NHNN, ngày 28/12/2018 hướng dẫn các TCTD phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng trong cho vay DNNVV có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương; chỉ đạo các TCTD phối hợp Quỹ Phát triển DNNVV để cho vay DNNVV từ nguồn vốn của Quỹ.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã triển khai nhiều chính sách cho vay ưu đãi lãi suất đối với DNNVV, như: Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng dịch COVID-19; cho vay đối với doanh nghiệp tại vùng khó khăn (lãi suất 9%); Cho vay lãi suất ưu đãi doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, cho vay hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP, ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện nay hầu hết các TCTD đã tham gia cho vay đối với khu vực DNNVV, từ Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank đến các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần. Về phía các NHTM nhà nước, có số lượng khách hàng đông nhất và dư nợ DNNVV nhiều nhất đó là Agribank, với mạng lưới rộng tới các thị tứ, các xã ở vùng nông thôn. Trong khối NHTM cổ phần tư nhân, thì VPBank có thế mạnh nhất về mở rộng tín dụng đối với DNNVV.
Với tổng thể nhiều biện pháp khác nhau, nên quy mô dư nợ cho vay DNNVV của hệ thống TCTD Việt Nam tăng khá cao trong những năm gần đây và có tốc độ tăng cao nhất so với tất cả các đối tượng khách hàng. Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng thêm khoảng 250.000 tỷ đồng đến 300.000 tỷ đồng/năm, với tốc độ tăng bình quân 14,17%/năm, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV của toàn ngành ngân hàng đạt trên 2,05 triệu tỷ đồng, tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn ngân hàng đối với nền kinh tế.
Nếu phân tích cơ cấu tín dụng theo các lĩnh vực khác nhau thì có thể thấy, vốn cho vay của các TCTD thực hiện theo đúng định hướng ưu tiên của Chính phủ và của NHNN, đó là hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động, thúc đẩy chu chuyển hàng hóa và dịch vụ trên thị trường xã hội. Tính đến hết năm 2022, dư nợ tín dụng DNNVV của các TCTD phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ, chiếm tới 56,29%; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 40,85% (NHNN Việt Nam, 2022).
Nếu phân tích về thị phần cho vay DNNVV theo các khối TCTD, thì các NHTM nhà nước đang cho vay DNNVV có tỷ trọng thị phần lớn nhất (chiếm 48,05%); tiếp theo là khối NHTM cổ phần cho vay chiếm 47,43%; khối ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, công ty tài chính và ngân hàng hợp tác xã tham gia cho vay 4,52% (NHNN Việt Nam, 2022).
Để tăng cường mở rộng rộng tín dụng an toàn, hiệu quả cho các DNNVV, các NHTM thường xuyên có các biện pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ phát triển DNNVV nói chung, tăng khả năng tiếp cận tín dụng nói riêng từ các góc nhìn của doanh nghiệp, ngân hàng, như: tư vấn về tiêu thụ sản phẩm, giảm mức độ hàng tồn kho, thu hồi nhanh tiền bán hàng, đa dạng kênh phân phối, quản lý hiệu quả dòng tiền. Bên cạnh đó, Hiệp hội DNNVV, NHNN các tỉnh, thành phố và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương tăng cường kết nối, đối thoại tháo gỡ khó khăn giữa các DNNVV với các NHTM trên địa bàn. Các cơ quan ở địa phương cũng có các biện pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, đi sâu, đi sát nắm bắt nguyện vọng, đề xuất của DNNVV, tạo cơ hội cho DNNVV có thêm nhiều thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay, các NHTM đang thực hiện cơ cấu lại nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, tiếp tục cho vay mới vốn đầu tư các dự án, thực hiện các hợp đồng kinh doanh đối với khách hàng nói chung, trong đó có các DNNVV. Các NHTM cũng đang điều chỉnh giảm lãi suất trên hợp đồng tín dụng hiện hành cho các DNNVV, giảm một số loại phí có liên quan, tư vấn quay vòng vốn và sử dụng vốn có hiệu quả.
Về phía ngành ngân hàng, trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các TCTD đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng, nên các khoản cho vay vẫn phải đáp ứng đủ các điều kiện cấp tín dụng.
DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, do đó các DNNVV phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh để được tiếp cận chính sách ưu tiên trần lãi suất theo quy định.
Một số hạn chế, bất cập
Thời gian qua, trước diễn biến lạm phát kinh tế thế giới và trong nước, việc điều hành chính sách tiền tệ cần đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, cùng với giá cả nguyên vật liệu sản xuất tăng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; việc tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/ NĐ-CP của Chính phủ còn gặp khó khăn.
Việc tiếp cận thông tin về các DNNVV cũng còn hạn chế do hiện nay các TCTD chủ yếu khai thác thông tin thông qua việc tìm hiểu trực tiếp doanh nghiệp và qua Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC), chưa khai thác được tối đa các thông tin từ các hiệp hội, ngành hàng, cơ quan thuế, cơ quan hải quan... Cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua các Quỹ tài chính nhà nước chưa hiệu quả.
Về phía doanh nghiệp, do là DNNVV có quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị còn hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi; số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác; thiếu tài sản bảo đảm; không có báo cáo tài chính được kiểm toán; báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ; chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định, nên ảnh hưởng tới việc xem xét cấp tín dụng của ngân hàng.
Bên cạnh đó, hiện đa số các DNNVV khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian qua, dù đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn.
DNNVV còn hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, nên các phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thường thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường, đặc biệt khi vừa qua nền kinh tế chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19. Đa phần các DNNVV chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác lập dự án kinh doanh, chỉ coi công tác lập dự án là thủ tục để huy động vốn.
Ngoài ra, vấn đề nổi lên là vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp của DNNVV, vướng mắc tài sản là hợp đồng thế chấp tại khu công nghiệp; tình trạng quy hoạch treo… dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn của doanh nghiệp.
Một số khuyến nghị
Để tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV; cũng như tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho DNNVV trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, ngành ngân hàng cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, NHNN cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DNNVV tiếp cận vốn; phối hợp với các bộ, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương.
Thứ ba, ngành ngân hàng cũng đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đối tượng thụ hưởng là DNNVV; chỉ đạo các TCTD tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
Đồng thời, ngành ngân hàng cần tiếp tục triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh doanh theo các nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ, trong đó đẩy mạnh triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ; đa dạng các hình thức triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của DNNVV.
Thứ tư, các TCTD nói chung, các NHTM nói riêng cần tiếp tục cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và thực hiện tốt công tác truyền thông để DNNVV nắm bắt, thực hiện đúng chủ trương, chính sách, các chương trình hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với DNNVV./.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thống kê (2017-2023), Số liệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội hàng tháng và các năm 2017-2022 và 3 tháng đầu năm 2023, truy cập tại địa chỉ: www.gso.gov.vn.
2. NHNN Việt Nam (2020-2022), Một số thông tin trong các báo cáo chuyên đề, bản cứng, ban hành tháng 12/2022, công bố trên www.sbv.gov.vn, mục: Tin tức, thông tin hoạt động ngân hàng, các tháng trong năm 2022.
3. NHTM (2020 - 2022), Báo cáo tài chính quý quý IV/2022, truy cập trang web các NHTM.
4. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (2017-2022), Thông tin hoạt động các NHTM hội viên hàng tháng, truy cập tại www.vnba.org.vn.