Hoàn thiện công tác thanh tra, giám sát ngân hàng tại Việt Nam

Nguyễn Văn Phong – Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính)

Trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội diễn biến phức tạp, xung đột quốc tế lan rộng, thiên tai địch họa trong nước gây hậu quả nghiêm trọng, tình trạng tội phạm kinh tế gia tăng đáng báo động, việc đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, làm cơ sở để ổn định thị trường tài chính – tiền tệ là yêu cầu cấp bách. Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng được xem là công cụ hữu hiệu trong việc thực thi chính sách vĩ mô về hoạt động an toàn ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước đảm nhận. Bài viết này khái quát thực trạng thanh tra, giám sát ngân hàng tại Việt Nam hiện nay, qua đó đưa ra các vấn đề còn tồn tại và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện công tác thanh tra, giám sát ngân hàng tại Việt Nam.

Khái quát về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng

Tổ chức tín dụng (TCTD) là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật TCTD năm 2024. TCTD bao gồm ngân hàng, TCTD phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. Ngân hàng là TCTD có thể thực hiện tất cả hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các TCTD năm 2024.

Các ngân hàng phải chấp hành hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát bởi các tổ chức:

- NHNN có thẩm quyền thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng theo Luật NHNN năm 2010.

- Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra TCTD, theo quy định của pháp luật về thanh tra.

- Bộ Tài chính có thẩm quyền thanh tra, giám sát về về hoạt động chứng khoán, bảo hiểm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con, công ty liên kết của TCTD theo quy định của Luật Chứng khoán 2019, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và quy định khác có liên quan.

Trong phạm vi bài báo này, tác giả trình bày về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng của NHNN Việt Nam. Theo đó, nội dung công tác thanh tra, giám sát ngân hàng như sau:

Thanh tra ngân hàng

Thanh tra ngân hàng là hoạt động thanh tra của NHNN đối với các đối tượng thanh tra ngân hàng trong việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và ngân hàng. Nội dung thanh tra ngân hàng bao gồm: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, việc thực hiện các quy định trong giấy phép do NHNN cấp; Xem xét, đánh giá mức độ rủi ro, năng lực quản trị rủi ro và tình hình tài chính của đối tượng thanh tra ngân hàng; Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng; Kiến nghị, yêu cầu đối tượng thanh tra ngân hàng có biện pháp hạn chế, giảm thiểu và xử lý rủi ro để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và phòng ngừa, ngăn chặn hành động dẫn đến vi phạm pháp luật; Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng.

Giám sát ngân hàng

Giám sát ngân hàng là hoạt động của NHNN trong việc thu thập, tổng hợp phân tích thông tin về đối tượng giám sát ngân hàng thông qua hệ thống thông tin, báo cáo nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời rủi ro gây mất an toàn hoạt động ngân hàng, vi phạm quy định an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nội dung khi tiến hành giám sát ngân hàng gồm: Thu thập, tổng hợp và xử lý tài liệu, thông tin, dữ liệu theo yêu cầu giám sát ngân hàng; Xem xét, theo dõi tình hình chấp hành các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra và khuyến nghị, cảnh báo về giám sát ngân hàng; Phân tích, đánh giá tình hình tài chính, hoạt động, quản trị, điều hành và mức độ rủi ro của TCTD, xếp hạng các TCTD hằng năm; Phát hiện, cảnh báo rủi ro gây mất an toàn hoạt động ngân hàng và nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; Kiến nghị, đề xuất biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý rủi ro, vi phạm pháp luật.

Kết quả đạt được trong thanh tra, giám sát ngân hàng tại Việt Nam

Căn cứ vào Báo cáo về công tác thanh tra, giám sát của NHNN gửi Thanh tra Chính phủ và Báo cáo Hội nghị tổng kết ngành Ngân hàng hàng năm, có thể tổng hợp một số kết quả đạt được trong hoạt động thanh tra, giám sát Ngân hàng như sau:

Thứ nhất, hành lang pháp lý về thanh tra, giám sát ngân hàng ở Việt Nam tương đối đồng bộ bao gồm: Luật NHNN số 46/2010/QH12 do Quốc hội ban hành và các quyết định, thông tư, nghị định về thanh tra, giám sát của Chính phủ và NHNN. Theo Báo cáo của Cục trong năm 2023, số văn bản (quản lý, chỉ đạo) về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng mới được ban hành mới là 1.655; số văn bản được sửa đổi, bổ sung là 14; số văn bản bãi bỏ là 15. Các quy định được thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu thực tiễn và đang tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, về cơ cấu tổ chức, bộ máy của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng đã được thiết lập, vận hành ổn định, có các đơn vị làm đầu mối theo dõi, nắm bắt, xử lý và chịu trách nhiệm theo quy trình đối với từng loại hình TCTD.

Thứ ba, về kết quả công tác thanh tra, giám sát:

- Công tác tranh tra ngân hàng được thực hiện sát sao với kế hoạch thanh tra và tình hình thực tế diễn biến trong nền kinh tế. Công tác thanh tra tiếp tục được đổi mới theo hướng thanh tra toàn diện pháp nhân, kết hợp với thanh tra chuyên đề, từng bước kết hợp và áp dụng phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro.

- Công tác giám sát tiếp tục được tăng cường nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo các rủi ro, sai phạm trong hoạt động của các TCTD. Nội dung giám sát không chỉ dừng lại ở việc giám sát tình hình tuân thủ, chấp hành các quy định về an toàn trong hoạt động mà còn chú trọng đến việc giám sát, đánh giá rủi ro trong hoạt động của các TCTD. Ngoài ra, NHNN tiếp tục tập trung nguồn lực để vận hành Hệ thống thông tin hỗ trợ hoạt động giám sát từ xa (Hệ thống Giám sát từ xa). Đến quý I/2024, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng I cập nhật được 85,02%, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II cập nhật được 78,95% và Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng III cập nhật được 95% tổng khối lượng hồ sơ phát sinh của đơn vị từ ngày 01/01/2021 đến 31/3/2024. Qua tổng hợp báo cáo của NHNN, 31 tỉnh, thành phố đã hoàn thành cập nhật toàn bộ 100% hồ sơ phát sinh lên hệ thống giám sát từ xa từ ngày 01/01/2021 đến 31/3/2024.

Một số hạn chế

- Về hệ thống pháp lý, hành lang pháp lý về hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng còn chưa đồng bộ, cụ thể : Các quy định thanh tra, giám sát chủ yếu tập trung vào thanh tra, giám sát tuân thủ, chưa đi sâu vào các công cụ quản trị rủi ro cho ngân hàng, TCTD; Quy định pháp lý bảo vệ công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn thiếu, đặc biệt là trong công tác xử lý TCTD yếu kém, gây áp lực rất lớn kèm rủi ro cho công chức thực hiện nhiệm vụ về công tác thanh tra, giám sát…

- Về chất lượng hoạt động thanh tra, giám sát chưa đạt được các mục tiêu đã đề ra. Cụ thể:

+ Công tác phòng ngừa và cảnh báo sớm rủi ro chưa thật sự hiệu quả. Trong thời gian qua, một số TCTD phát sinh vi phạm lớn nhưng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa kịp thời phát hiện để xử lý, ngăn chặn dẫn đến nhiều sai phạm trong hoạt động ngân hàng thời gian qua như: sai phạm tại ngân hàng SCB trong đại án Trương Mỹ Lan, sai phạm của VietABank trong hoạt động cho vay…; số lượng các vụ lừa đảo do cán bộ, nhân viên ngân hàng gây ra và tội phạm trong hoạt động ngân hàng gia tăng gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tổ chức, cá nhân và toàn nền kinh tế.

+ Phương pháp giám sát theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-NHNN bao gồm giám sát tuân thủ và giám sát rủi ro. Tuy nhiên, phương pháp này chưa đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc theo thông lệ quốc tế theo bộ 29 nguyên tắc thanh tra, giám sát hiệu quả của Ủy ban Basel. Do đó, hiệu quả của công tác giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra cũng như đòi hỏi của thực tiễn tương ứng với sự phát triển về số lượng, quy mô, loại hình và mức độ phức tạp của hệ thống các TCTD và các biến động bất thường của thị trường tài chính và nền kinh tế...

- Về nguồn nhân lực, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng thường xuyên trong tình trạng thiếu hụt về nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao trong các vụ việc có tính chất phức tạp. Biên chế của đơn vị thanh tra, giám sát thường xuyên bị thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Giải pháp hoàn thiện công tác thanh tra, giám sát ngân hàng tại Việt Nam

Nhằm hoàn thiện công tác thanh tra, giám sát ngân hàng tại Việt Nam cần định hướng triển khai hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, cần hoàn thiện theo hướng thanh tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường, đổi mới công tác giám sát, cảnh báo sớm đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, các TCTD có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, nguy cơ gây mất ổn định, an toàn hệ thống. Cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý về thanh tra, giám sát ngân hàng: NHNN, phối kết hợp với Quốc hội, các Bộ, Ban ngành có liên quan để tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục, nội dung, phương pháp thanh tra, giám sát ngân hàng theo định hướng đã đề ra. Đặc biệt, cần xem xét bổ sung quy định về cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ thanh tra, giám sát trước các rủi ro pháp lý trong quá trình xử lý TCTD yếu kém.

Thứ hai, NHNN nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát ngân hàng.

Đối với công tác thanh tra: Về tổ chức kế hoạch thanh tra, giám sát: Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan thanh tra, giám sát NHNN và thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc thực hiện thanh tra trong kế hoạch/thanh tra đột suất, đặc biệt là thanh tra pháp nhân. Tiếp tục thực hiện thanh tra chéo QTDND giữa các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố. Tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh rủi ro thường xuyên phát sinh tiêu cực và sai phạm.

Về tổ chức công tác giám sát ngân hàng, tiếp tục phát triển, hoàn thiện các công cụ và mô hình định lượng phục vụ công tác giám sát ngân hàng trên cơ sở rủi ro như mô hình đánh giá sức chịu đựng (stress test), mô hình đánh giá hiệu quả hoạt động ngân hàng, mô hình cấu trúc lượng hóa rủi ro… Hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu giám sát dựa trên rủi ro, thu hẹp khoảng cách chuẩn mực trong nước với chuẩn quốc tế (hoàn tất Basel II, tiến tới Basel III).

Thứ ba, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác thanh tra, giám sát ngân hàng. Trong ngắn, trung hạn, NHNN cần đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng và sửa chữa nhỏ hệ thống SG4, hệ thống giám sát từ xa. Trong dài hạn, cần xây dựng mới hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hoạt động giám sát một cách đồng bộ và tiệm cận hệ thống công nghệ thông tin giám sát ngân hàng (SupTech) của các quốc gia theo nghiên cứu của Ủy ban Basel.

Thứ tư, NHNN xây dựng kế hoạch tuyển dụng, bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng theo đúng nhu cầu thực tiễn, đảm bảo đủ về số lượng, trình độ chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực theo hướng tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo hướng dẫn nghiệp vụ đặc biệt là đối với những quy định mới, những nghiệp vụ mới.

Thứ năm, NHNN tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các TCTD để nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị của TCTD: (i) Tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật; tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; rà soát, tiết giảm các chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu; (ii) Tiếp tục giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2021-2025 và định hướng phát tiển ngân hàng đến năm 2030 của Chính phủ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Luật Ngân hàng Nhà nước Luật số 46/2010/QH12 ban hành ban hành ngày 16/06/2010;
  2. Ngân hàng Nhà nước, Một số báo cáo, tài liệu về hoạt động thanh tra, giám sát dạng thông cáo báo chí tại các Hội nghị sơ kết, tổng kết của NHNN định kỳ;
  3. Phan Hữu Việt (2022), Đánh giá hiệu lực thực thi chính sách an toàn hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Ngành năm 2022, Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam, Cơ quan thanh tra, giám sát;
  4. Tạ Thị Kim Dung (2021), “Hoạt động của hệ thống NHTM Việt Nam năm 2020: Thực trạng và một số khuyến nghị”, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2024