Hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp thông lệ quốc tế

Việt Dũng

Một trong những mục tiêu Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 là hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Để thực hiện những mục tiêu đề ra, ngành Thuế sẽ nghiên cứu, đề xuất các nội dung cải cách chính sách đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT); thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB); thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); thuế thu nhập cá nhân (TNDN); thuế tài nguyên; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế bảo vệ môi trường; các khoản phí, lệ phí và thu khác thuộc ngân sách nhà nước (NSNN).

Cụ thể, đối với thuế GTGT, mở rộng cơ sở thuế thông qua giảm nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%; tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; nghiên cứu tăng thuế suất thuế GTGT theo lộ trình; rà soát điều chỉnh ngưỡng doanh thu áp dụng phương pháp khấu trừ cho phù hợp với thực tế; nghiên cứu áp dụng thống nhất phương pháp tính thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với người nộp thuế có doanh thu dưới ngưỡng hoặc không đủ điều kiện áp dụng phương pháp khấu trừ.

Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến thuế GTGT đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu sẽ được hoàn thiện, đảm bảo phản ánh đúng bản chất và phù hợp thông lệ quốc tế. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT theo hướng đơn giản, minh bạch và đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với thuế TTĐB, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát điều chỉnh mức thuế TTĐB một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB.

Đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, tiếp tục thu gọn số lượng mức thuế suất để đơn giản biểu thuế nhập khẩu, phấn đấu đến năm 2025 số lượng mức thuế suất thuế nhập khẩu giảm từ 32 mức hiện nay xuống còn khoảng 25 mức vào năm 2025 và 20 mức vào năm 2030.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để thúc đẩy xuất khẩu, khuyến khích gia tăng giá trị nội địa, hạn chế xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô; có chính sách ưu đãi phù hợp để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ và các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ và các cam kết quốc tế. Nghiên cứu sửa đổi các quy định về hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nhập khẩu tại chỗ và các quy định liên quan đến khu phi thuế quan, đảm bảo đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan, hạn chế gian lận thương mại, trốn thuế.

Đối với thuế TNDN, rà soát để sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập quốc tế; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định trong trung và dài hạn; thực hiện ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đồng thời, chuyển trọng điểm chính sách thu hút đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư vào những ngành, nghề mũi nhọn và những địa bàn cần khuyến khích đầu tư. Mở rộng cơ sở thuế phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và thông lệ quốc tế; thực hiện các tiêu chuẩn phòng, chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu theo thông lệ quốc tế.

Đối với thuế TNDN, rà soát bổ sung đối tượng chịu thuế; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng điều chỉnh số lượng và các mức thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế phù hợp với bản chất của từng loại thu nhập, tạo điều kiện đơn giản trong quyết toán thuế TNDN cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, ngăn chặn các hành vi trốn, tránh thuế; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về miễn, giảm thuế phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn và thông lệ quốc tế.

Đối với thuế tài nguyên, nghiên cứu sửa đổi quy định, giá tính thuế tài nguyên, sản lượng tài nguyên tính thuế; sửa đổi khung thuế, mức thuế và miễn, giảm thuế tài nguyên theo hướng minh bạch, rõ ràng, đảm bảo chính sách thuế tài nguyên tiếp tục là công cụ hữu hiệu để góp phần quản lý, bảo vệ tài nguyên, khuyến khích sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, khuyến khích chế biến sâu, nâng cao giá trị tài nguyên.

Đối với các loại thuế liên quan đến tài sản (bao gồm cả thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp), tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 để góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Trên cơ sở đó, nghiên cứu hoàn thiện theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Đồng thời, xây dựng chính sách thuế theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ xác định rõ đối tượng chịu thuế tài sản, số thuế phải nộp, đồng bộ với quy định của pháp luật về đất đai và quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với thuế bảo vệ môi trường, nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường; nghiên cứu để điều chỉnh khung và mức thuế bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo chính sách thuế bảo vệ môi trường là một công cụ kinh tế quan trọng góp phần hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất và sử dụng hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.

Đối với phí và lệ phí và thu khác thuộc NSNN, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật phí và lệ phí theo hướng khai thác hiệu quả nguồn thu phí, lệ phí từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; thực hiện lộ trình tăng mức thu phí nhằm từng bước tính đủ chi phí trong mức thu phí; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công, khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa cung cấp dịch vụ công; tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng nguồn lực của xã hội và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời đảm bảo phù hợp với chủ trương tổ chức, sắp xếp lại bộ máy cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

Nghiên cứu xây dựng khoản thu hoặc thuế đối với các hoạt động, hình thức kinh doanh mới phù hợp với thực tế phát triển, đảm bảo quyền thu thuế, đánh thuế của Việt Nam phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn và theo thông lệ quốc tế. Rà soát, hoàn thiện chính sách về thu khác thuộc NSNN bảo đảm phù hợp với thực tế và đồng bộ với pháp luật chuyên ngành.

Phát biểu tại Hội thảo về kế hoạch hành động triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 vừa được Tổng cục Thuế tổ chức cuối tháng 5, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho biết, qua những cuộc khảo sát, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của ngành Thuế trong việc cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này đã được thể hiện rất rõ nét thông qua việc cơ quan Thuế thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại ở các cấp, qua đó kịp thời giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. Trong 2 năm vừa qua, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhưng ngành Thuế đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai nhanh, hiệu quả các nhóm chính sách giãn hoãn, gia hạn nộp thuế, qua đó đã giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh và có đóng góp lớn cho ngân sách.