Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030
Chiều ngày 23/5, Tổng cục Thuế tổ chức Hội thảo "Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030". Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà dự và chỉ đạo Hội thảo. Tham dự hội thảo còn có đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Tư vấn thuế Việt Nam.
Tham dự hội thảo về phía Bộ Tài chính có đại diện lãnh đạo Vụ Chính sách thuế, Vụ Ngân sách Nhà nước, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Kế hoạch - Tài chính, Cục Tin học và Thống kê tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Văn phòng Bộ Tài chính.
Về phía Tổng cục Thuế có dự tham dự của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, Ban lãnh đạo Tổng cục Thuế, đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội, Cục Thuế Quảng Ninh và Cục Thuế Hải Phòng.
Trình bày tóm tắt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và kế hoạch triển khai, bà Lê Thị Chinh - Phó Trưởng Ban Cải cách, hiện đại hoá (Tổng cục Thuế) cho biết, ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 508/QĐ-TTg ban hành Chiến lược cải cách hệ thống Thuế đến năm 2030. Từ nay đến năm 2030, hệ thống thuế được cải cách toàn diện cả về chính sách thuế và quản lý thuế.
Cụ thể, hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế. Về quy mô thu ngân sách từ thuế, phí, đến năm 2025, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước (NSNN) bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 13-14% GDP; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN đạt khoảng 85-86%. Các chỉ tiêu này vào năm 2030 sẽ là 16-17% GDP đối với tỷ lệ huy động vào NSNN, trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 14-15% GDP; 86-87% đối với tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN.
Để thực hiện những mục tiêu đề ra, ngành Thuế sẽ nghiên cứu, đề xuất các nội dung cải cách chính sách đối với thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế bảo vệ môi trường, các khoản phí, lệ phí và thu khác thuộc NSNN.
Chiến lược cũng đề ra mục tiêu hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế, trọng tâm là thể chế quản lý thuế, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin. Theo đó, đến năm 2025, mức độ hài lòng của người nộp thuế với sự phục vụ của cơ quan thuế đạt tối thiểu 90%, năm 2030 là 95%; tỷ lệ hỗ trợ người nộp thuế được thực hiện qua phương thức điện tử đạt tối thiểu 70%, năm 2030 là 90%; tỷ lệ hồ sơ đăng ký thuế được cơ quan thuế giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ nhận được đạt tối thiểu 80%, năm 2030 là 90%; tỷ lệ khai, nộp, hoàn, miễn, giảm thuế bằng phương thức điện tử của người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức đạt tối thiểu 98%, của cá nhân đạt tối thiểu 85%, năm 2030 tương ứng là 98% và 90%.
Song song với đó, ngành Thuế sẽ hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam, trọng tâm là thể chế quản lý, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin.
Ngay trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, để đạt được mục tiêu của cả giai đoạn chiến lược đến năm 2030, ngành Thuế tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tích hợp và đáp ứng yêu cầu về chỉ đạo điều hành tập trung của cơ quan thuế; đáp ứng 100% nhu cầu về thu thập, xử lý, lưu trữ, khai thác dữ liệu cho công tác quản lý thuế cung cấp dịch vụ điện tử cho người nộp thuế; 100% thông tin về khai thuế, nộp thuế điện tử được xử lý trong 24 giờ; 100% số tiền nộp thuế điện tử được hạch toán theo thời gian thực nộp; 100% người nộp thuế được cấp tài khoản tra cứu nghĩa vụ thuế và nộp thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động thông minh.
Hội thảo đã được nghe đại diện lãnh đạo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, đại diện VCCI cùng các đơn vị chia sẻ về những mục tiêu, giải pháp và kế hoạch thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống Thuế đến năm 2030 và kế hoạch triển khai tiếp theo.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh, các giải pháp và lộ trình triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 phải hướng tới hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN đã đề ra; Tập trung hoàn thiện nội dung và lộ trình chi tiết hàng năm trong các nhiệm vụ đảm bảo thực hiện mục tiêu tại Chiến lược...
Đồng thời, đảm bảo thực hiện được mục tiêu “Xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp; đồng thời trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số”.
Tiếp thu ý kiển chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn khẳng định, thời gian thực hiện chiến lược còn cả một chặng đường dài gần 10 năm tới, trong bối cảnh tình hình kinh tế, dịch bệnh và địa chính trị trên thế giới liên tục có nhiều biến động khó lường, tác động đến kinh tế trong nước và ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Thuế hàng năm, tác động không nhỏ tới việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra tại Chiến lược. Do đó, việc xây dựng kế hoạch hành động triển khai chiến lược phải hiệu quả, thiết thực, phù hợp thực tiễn mới có thể đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Chiến lược.
Tổng Cục trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Thuế cần quán triệt ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, ý kiến tham gia, góp ý của các Vụ, đơn vị tại Hội thảo để nghiên cứu, hoàn chỉnh kế hoạch hành động triển khai chiến lược đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; hoàn chỉnh Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 và các Đề án triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Ban Cải cách và hiện đại hóa tham mưu với Lãnh đạo Tổng cục phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Tài chính để trình Bộ ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai Chiến lược cấp Bộ. Đồng thời, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ của Tổng cục Thuế để tham mưu, chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chiến lược tại cấp Tổng cục Thuế và cấp Cục Thuế, đảm bảo việc tổ chức triển khai Chiến lược được thống nhất, xuyên suốt, có hệ thống.
Các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế căn cứ Chiến lược đã được phê duyệt, chức năng, nhiệm vụ, ý kiến tại Hội thảo tiếp tục tham gia, góp ý với Ban Cải cách và Hiện đại hóa về dự thảo kế hoạch hành động; Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025. Đồng thời, chủ động hoàn chỉnh 13 Đề án thành phần; chủ động xây dựng kế hoạch hành động tại đơn vị mình để triển khai thực hiện.
Đặc biệt cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra tại Chiến lược liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình để xây dựng kế hoạch, lộ trình 5 năm, hàng năm để thực hiện góp phần hoàn thành các mục tiêu Chiến lược đã đề ra.