Hoàn thiện pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là hành vi vi phạm quyền con người trong môi trường gia đình, phá vỡ những giá trị cốt lõi của gia đình làm ảnh hưởng xấu đến đời sống gia đình, cộng đồng và xã hội. Do đó, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc phòng, chống bạo lực gia đình để bảo vệ các quyền lợi của thành viên trong gia đình, tạo sự ổn định trong đời sống xã hội. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, chỉ ra những bất cập và kiến nghị hoàn thiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
1. Quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình
Trong thời gian qua, tình trạng bạo lực gia đình có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, thậm chí nhiều trường hợp xuất phát từ bạo lực gia đình nhưng đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng[1]. Hơn thế nữa, việc vừa mới trải qua 02 năm chống dịch COVID - 19 cũng đã làm cho cuộc sống có nhiểu xáo trộn, ảnh hưởng nhiều đến các mối quan hệ trong gia đình, tâm lý cũng như hành vi của nhiều người, dẫn tới nhiều vụ việc đáng tiếc về bạo lực gia đình đã diễn ra trên thực tế.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trong 06 tháng đầu năm 2021, tổng đài 1900 96 96 80 đã tiếp nhận đến hơn 1.300 cuộc gọi, tăng khoảng 140% so với năm 2020, trong đó có khoảng 83% các cuộc gọi liên quan đến bạo lực gia đình; số trường hợp được tham vấn về bạo lực gia đình đã tăng gần 60% so với năm 2020 và tăng hơn 230% so với năm 2019; trong thời gian đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Việt Nam, có tới 30% các cuộc đến tổng đài với mục đích yêu cầu giải cứu khẩn cấp do bị bạo lực gia đình của các phụ nữ sống ở khu vực miền Nam[2].
Ngoài ra, số liệu điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Cục thống kê cùng Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019 và công bố năm 2020 cho thấy: Có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng, cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực về thể xác hoặc bạo lực tình dục; 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an; bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP mỗi năm[3].
Phòng, chống bạo lực gia đình được quy định các văn bản pháp luật dưới đây:
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định một số vấn đề trong phòng, chống bạo lực gia đình như nguyên tắc của chế độ hôn nhân và gia đình “vợ chồng bình đẳng; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con”[4]; quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, tôn trọng nhau.
Luật Trẻ em năm 2016 xác định bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em”[5]; xác định những hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: bạo lực trẻ em hoặc có hành vi không cung cấp, che giấu hoặc ngăn cản việc cung cấp thông tin trẻ em bị bạo lực gia đình; kỳ thị, phân biệt đối xử [6].
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động chưa thành niên phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Quy định này bao đảm tính phòng ngừa tránh tình trạng người chưa thành niên chịu bạo lực dưới dạng ép buộc lao động và lạm dụng sức lao động để làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của họ.
Luật Bình đẳng giới năm 2006 khẳng định mục tiêu xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong giới tính, từ đó, tạo ra sự bình đẳng về giới[7]. Bên cạnh đó, Luật bình đẳng giới năm 2006 cũng còn có một số quy định khác mang tính phòng ngừa bạo lực gia đình qua việc quy định về sự bình đẳng giữa vợ và chồng trong gia đình; các con có quyền bình đẳng, không bị phân biệt về giới tính; quy định cả về trách nhiệm san sẻ các công việc chung giữa các thành viên trong gia đình[8].
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định chế tài đối với hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình với khung hình phạt từ 6 tháng đến 5 năm.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 là văn bản điều chỉnh trực tiếp và toàn diện nhất về phòng, chống bạo lực gia đình. Luật gồm 6 chương, 46 điều điều chỉnh khá toàn diện những vấn đề liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình từ định nghĩa, xác đinh nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình; trách nhiệm của các cá nhân cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình; xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; khiếu nại và tố cáo. Ngoài ra, ngày 19/6/2020 Quốc hội thông qua Nghị quyết 121/2020 về tiếp tục tăng cường hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Nghị quyết này đã đề cập đến việc phòng, chống bạo lực trẻ em trong môi trường gia đình.
Bên cạnh kết quả đạt được, quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập sau đây:
Thứ nhất, chưa bảo đảm được nguyên tắc phòng ngừa và kết hợp với chống lại bạo lực gia đình trong hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.
Quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình chưa có quy định về biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình; chưa quy định cụ thể về phương án bảo vệ thông tin cá nhân của người báo tin về tình trạng bạo lực gia đình để đảm bảo sự an toàn cho họ trước nguy cơ bị trả thù từ phía người th ực hiện hành vi bạo lực gia đình. Các quy định hiện hành mới chỉ dừng lại ở cách thức giải quyết các hậu quả nếu họ bị trả thù hoặc có thiệt hại về thể chất, tinh thần hoặc vật chất[9].
Thứ hai, chưa đáp ứng được nguyên tắc kịp thời bảo vệ, giúp đỡ nạn nhân của bạo lực gia đình.
Nguyên tắc kịp thời bảo vệ, giúp đỡ nạn nhân của bạo lực gia đình này đã được đặt ra, nhưng lại quy định khi bạo lực gia đình xảy ra, nạn nhân và người thực hiện hành vi bạo lực gia đình cần có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc. Về vấn đề này, ngay cả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 và Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)[10] cũng chưa giải quyết được vì không quy định rõ về người thực hiện hành vi bạo lực gia đình bắt buộc phải ở đâu để có thể ngăn chặn triệt để việc tiếp xúc trái với ý muốn của nạn nhân. Còn việc quy định rõ về khoảng cách giữa nạn nhân và người thực hiện hành vi bạo lực gia đình tối thiểu là 50m như trong dự thảo sửa đổi Luật hiện nay chưa hợp lý vì với khoảng cách này thực sự chưa đảm bảo an toàn cho nạn nhân của bạo lực gia đình và cũng gây khó khăn trong việc giám sát thực hiện quyết định cấm tiếp xúc, đặc biệt là ở nơi đông người như trong đám cưới, đám ma[11].
Đối với việc ra quyết định cấm tiếp xúc, Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định phải có đơn yêu cầu, dự thảo sửa đổi Luật quy định phải có yêu cầu dựa trên sự đồng thuận của nạn nhân, như vậy bản chất quy định này là như nhau bởi vì không phải nạn nhân nào cũng có thể hiểu đúng về bạo lực gia đình, thậm chí có những nạn nhân còn bị đe dọa làm cho sợ hãi nên sẵn sàng cam chịu, không bày tỏ sự đồng thuận.
Ngoài một số bất cập về mặt nguyên tắc đã nêu ở trên thì trong các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn những vấn đề cần được cân nhắc, sửa đổi sau đây:
Thứ nhất, khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực quy định khái niệm bạo lực gia đình “bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình ở Việt Nam”.
Như vậy, quy định về hành vi bạo lực gia đình hiện vẫn còn chung chung và rất rộng, do đó bất cứ hành vi nào là cố ý và gây ra hậu quả làm tổn hại về thể chất, tinh thần hoặc kinh tế với thành viên khác trong gia đình đều được coi là bạo lực gia đình. Nhưng tại khoản 1 Điều 2, bạo lực gia đình đã được thu hẹp lại ở Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 với chỉ 9 nhóm hành vi, còn tại Điều 4 của dự thảo sửa đổi Luật thì đã mở rộng hơn, nhưng cũng chỉ mới liệt kê được 14 nhóm hành vi.
Như vậy, với cách quy định hiện nay, có thể đã bỏ sót những hành vi khác của bạo lực gia đình nếu xảy ra thì không có căn cứ giải quyết như khi có sự việc xảy ra rất khó xác định đủ, chính xác hành vi bạo lực gia đình, hơn thế nữa còn có thể gây ra những cách hiểu khác nhau về các quy định này, ví dụ như: việc phân biệt giới tính của cha mẹ với các con còn khá phổ biến trong nhiều gia đình hiện nay do vẫn còn ảnh hưởng bởi tư tưởng trọng nam, khinh nữ, gây ra sự bất bình đẳng về giới và để lại hậu quả tiêu cực. Chính vì vậy, rất cần được quy định cụ thể chứ không nên để chơi vơi.
Thứ hai, trong Luật phòng, chống bạo lực gia đình các thuật ngữ: mâu thuẫn, tranh chấp quy định tại mục 2, từ Điều 12 đến Điều 15 của Luật vẫn còn chung chung, chưa được làm rõ. Vì thế, gây ra nhiều khó khăn trong việc hiểu và áp dụng đúng.
Ngoài ra, việc quy định về cách phân chia thẩm quyền hòa giải ở mục 2 cũng gây khó khăn trong việc xác định thẩm quyền và chưa đáp ứng được tính phòng ngừa bạo lực gia đình. Hơn nữa, quy định về việc trang bị kiến thức kỹ năng cho các thành viên tổ tư vấn và tư vấn viên còn chưa hợp lý, vì quy định chỉ trang bị kiến thức pháp luật cho tư vấn viên trong khi bất kỳ một sự việc bạo lực gia đình nào xảy ra thì thành viên tổ tư vấn là khâu đầu tiên tiếp cận để thực hiện hòa giải bước đầu thì lại không được trang bị các kiến thức pháp luật cần thiết, tạo ra các trở ngại cho tổ hòa giải trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Thứ ba, về xử lý vi phạm bạo lực gia đình, gồm có xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật và truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại nếu có; như vậy ở đây sẽ có những trường hợp bạo lực gia đình xảy ra và người có hành vi bạo lực bị phạt tiền, điều này sẽ gặp khó khăn trong việc xác định nguồn tiền để nộp phạt sẽ được lấy từ đâu. Nếu lấy từ quỹ chung của gia đình trong trường hợp người chồng thực hiện hành vi bạo lực với vợ, hoặc có gia đình bạo lực xảy ra nhưng khi bị phạt tiền lại lấy từ chính người bị bạo lực do một số gia đình người chồng vì nghiện rượu hoặc các chất kích thích khác nên không có khả năng làm ra tiền thì quy định này không đủ sức răn đe[12].
Thứ tư, quy định về biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với những trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình là người nghiện rượu đánh đập vợ con. Việc này khá phổ biến đối với một số dân tộc thiểu số ở những vùng núi, vùng sâu, xa. Trong dự thảo sửa đổi mới chỉ đề cập đến ở khoản 2 Điều 56, bắt buộc cai nghiện khi hành vi bạo lực tiếp tục diễn ra như vậy đã có thể xảy ra hậu quả đáng tiếc đối với nạn nhân bạo lực gia đình.
- Một số nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực gia đình hiện nay, điển hình như:
+Sự hạn chế trong các quy định pháp luật về Phòng, chống bạo lực gia đình.
Các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình còn quy định tản mạn trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, tạo ra nhiều khó khăn khi tiếp cận làm cho họ không hiểu hoặc chưa hiểu đúng dẫn đến các hành vi bạo lực gia đình.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực này, nhưng một số quy định vẫn còn thiếu, chưa cụ thể, đặc biệt là chưa quy định rõ chế tài đối với hành vi bạo lực dẫn đến tính phòng ngừa và răn đe chưa cao.
Các quy định của pháp luật về trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình còn gây ra những khó khăn trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan, tổ chức.
+Hạn chế trong nhận thức của các cá nhân, gia đình, cộng đồng về vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình.
Quan niệm của người dân về vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình còn bị coi nhẹ, tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ còn hiện hữu trong mỗi gia đình, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, những nơi còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Do vậy, họ coi hành vi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư của mỗi gia đình nên chưa ý thức đúng được trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc phát hiện, ngăn chặn và báo tin, tố giác các vụ việc bạo lực gia đình.
Sự hiểu biết pháp luật về quyền con người, cũng như về bình đẳng giới vẫn còn hạn chế, trong thực tế, nhiều vụ bạo lực gia đình khi bị phát hiện cho thấy người phụ nữ vì chưa hiểu đúng quyền của mình, về bạo lực gia đình nên thường tìm cách che đậy, lựa chọn cam chịu, không dám đấu tranh làm cho tình trạng bạo lực gia đình bị kéo dài, có những trường hợp để lại hậu quả nghiêm trọng.
Đối với trường hợp trẻ em bị bạo lực gia đình tuy có nhiều nguyên nhân dẫn đến, nhưng trong đó có phần nhận thức về quyền của trẻ em chưa đầy đủ, nên khi xảy ra bạo lực từ các thành viên trong gia đình thì những đối tượng này lại lo sợ, không biết cầu cứu ở đâu. Bạo lực từ gia đình khác với bạo lực từ bên ngoài ở mối quan hệ thân thiết, sự phụ thuộc của trẻ em với người bạo lực mình, nếu phản kháng lại thì không biết tìm ai để nương tựa cho nên hành vi bạo lực gia đình ở trẻ em thường diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí chỉ khi để lại hậu quả đáng tiếc thì mới được phát hiện[13].
Hoạt động tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình tuy đã được thực hiện nhưng chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến sự hiểu biết pháp luật, hiểu biết về quyền con người của nạn nhân chịu bạo lực gia đình còn bị hạn chế.
3. Một số gợi ý sửa đổi, hoàn thiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình
Trước thực trạng của bạo lực gia đình ở nước ta hiện nay, việc sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình là thực sự cấp thiết. Tuy nhiên, để luật đi vào đời sống, đủ sức mạnh bảo vệ quyền con người, Luật cần phải đáp ứng tiêu chí sau đây:
Để có thể giảm thiểu nguy cơ và ngăn chặn những hành vi bạo lực gia đình, cần phải xây dựng các quy định của pháp luật ưu tiên việc phòng ngừa bạo lực gia đình, vì khi làm tốt công tác phòng ngừa thì sẽ hạn chế tối đa bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, để đạt được điều này cần phải chú trọng vào việc quy định để nâng cao ý thức cho người dân trong phát hiện để kịp thời ngăn chặn bạo lực gia đình, thay vì chỉ quy định chung chung đó là quyền và nghĩa vụ như hiện nay, cần phải làm rõ chế tài trong các trường hợp biết mà im lặng, không hành động theo quy định của pháp luật. Đồng thời, luật cũng cần quy định rõ về cách thức bảo vệ người đã báo tin, tố giác bạo lực gia đình để tránh trường hợp họ bị trả thù, và giúp khuyến khích người khác tích cực tham gia vào hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.
Với quy định cấm tiếp xúc, nên quy định người thực hiện hành vi bạo lực gia đình không được tiếp xúc với nạn nhân trong thời gian thực hiện quyết định cấm tiếp xúc và loại bỏ quy định về khoảng cách 50m như hiện nay.
Bên cạnh đó, các biện pháp xử phạt hành chính cần phải tăng mức phạt đối với các hành vi bạo lực gia đình, quy định rõ nguồn tiền dùng sử dụng nộp phạt đối với hành vi bạo lực gia đình phải độc lập với lợi ích của nạn nhân và của các thành viên khác trong gia đình. Trường hợp không phân tách được nguồn tiền nộp phạt thì phải có biện pháp xử lý khác thay thế như là cưỡng chế lao động công ích.
Nên bổ sung chế tài tương xứng với các hành vi bạo lực tình dục, trên thực tế đây là hành vi ít bị phát giác do văn hóa của người Việt vẫn còn né tránh, nhưng lại rất cần thiết trong việc bảo vệ nạn nhân bị bạo lực tình dục.
Về vấn đề tư vấn, hòa giải, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nên quy định bổ sung: tổ tư vấn hòa giải được trang bị kiến thức pháp luật chứ không phải chỉ mình kỹ năng như hiện nay. Trên thực tế, ở công tác tư vấn, hòa giải, tổ tư vấn là những người có khả năng tiếp cận vụ việc bạo lực gia đình đầu tiên. Cho nên, cần phải nắm chắc được kiến thức pháp luật và có kỹ năng tư vấn hòa giải tốt thì công việc mới đạt hiệu quả.
Cũng nên sửa Luật bằng cách bỏ quy định tại khoản 1 Điều 35 của dự thảo sửa đổi Luật hiện nay, thay bằng chỉ cần có hành vi bạo lực gia đình nếu sự việc đủ điều kiện thì Ủy ban nhân dân hoặc Tòa án nhân dân ra quyết định cấm tiếp xúc thì sẽ ban hành quyết định cấm tiếp xúc chứ không cần phải có yêu cầu hay sự đồng thuận của nạn nhân nữa.