Điểm mới trong quy định niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán
Từ 1/6/2017, Thông tư số 29/2017/TT-BTC quy định về niêm yết chứng khoán trên sở Giao dịch chứng khoán, được Bộ tài chính ban hành ngày 12/04/2017 sẽ có hiệu lực thi hành. Thông tư được đánh giá là đã bổ sung nhiều quy định mới trong đánh giá, xem xét cấp phép cho doanh nghiệp niêm yết.
Theo đó, Thông tư số 29/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 202/2015/TT-BTC hướng dẫn về niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán.
Cụ thể, tại Thông tư đã có thêm nhiều điều kiện chặt chẽ hơn, hướng doanh nghiệp đến việc phải đảm bảo chất lượng tối thiểu khi đưa cổ phiếu lên sàn.
Về ý kiến kiểm toán đối với khoản mục vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đã góp phải là ý kiến chấp nhận toàn phần. Trường hợp ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính là chấp nhận có ngoại trừ, thì yếu tố ngoại trừ không phải là khoản mục vốn chủ sở hữu, trừ trường hợp ý kiến ngoại trừ về việc chưa bàn giao vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, và khoản mục trọng yếu khác ảnh hưởng đến điều kiện niêm yết như: tiền mặt, hàng tồn kho, tài sản cố định, các khoản phải thu, nợ phải trả;
Thông tư đã có sửa đổi về trường hợp tổ chức đăng ký niêm yết là công ty mẹ, tỷ lệ ROE được xác định trên cơ sở báo cáo tài chính hợp nhất, trong đó lợi nhuận sau thuế và vốn chủ sở hữu được xác định sau khi đã loại trừ lợi ích của cổ đông không kiểm soát. Trường hợp trong năm có hoạt động chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế là tổng lợi nhuận sau thuế của các giai đoạn trong năm liền trước năm đăng ký niêm yết được xác định tại báo cáo tài chính kiểm toán trong từng giai đoạn hoạt động.
Với trường hợp công ty đang niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh hợp nhất với công ty chưa niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm cả công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội), Thông tư 29 quy định công ty hợp nhất được đăng ký niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh khi đáp ứng các điều kiện quy định tại các điểm a, c, d, đ, e khoản 1 Điều 53 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP và có ROE đạt tối thiểu 5%.
Trường hợp các công ty bị hợp nhất đều chưa niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, công ty hợp nhất được đăng ký niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP.”
Đối với trường hợp buộc phải hủy niêm yết, Thông tư 29 quy định:
Sở giao dịch chứng khoán ban hành quyết định hủy niêm yết và công bố thông tin ra thị trường. Chứng khoán thuộc diện hủy niêm yết được tiếp tục giao dịch trong thời hạn tối đa ba mươi ngày kể từ ngày ra Quyết định hủy niêm yết, trừ trường hợp hủy niêm yết để đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom do không còn đáp ứng điều kiện niêm yết theo quy định tại các Điều 3, 4, 5, 6, 7, 8 Thông tư này và trường hợp hủy niêm yết theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 60 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP đã được sửa đổi tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 60/2015/NĐ-CP và điểm c, điểm g khoản 1 Điều 60 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP.”
Về chuyển niêm yết cổ phiếu, Thông tư đã quy định rõ: Tổ chức niêm yết thực hiện chuyển niêm yết cổ phiếu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội sang Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh hoặc ngược lại phải được Đại hội đồng cổ đông biểu quyết thông qua theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và phải đáp ứng điều kiện niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán dự kiến chuyển sang niêm yết.