Hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc từng nhấn mạnh: "Bộ Tài chính không chỉ quản lý về tài chính - ngân sách mà còn là Bộ ban hành chính sách". Bởi vậy, hoàn thiện thể chế, chính sách là một trong năm trụ cột trong thực hiện nhiệm vụ chính trị luôn được Bộ trưởng chỉ đạo toàn ngành Tài chính tập trung triển khai hiệu quả.
Nhiều chính sách "mở đường cho sự phát triển"
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, công tác hoàn thiện thể chế có vai trò tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ngăn chặn thất thoát lãng phí và tạo đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế. Các chính sách tài chính, ngoài đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thì vấn đề cốt yếu, trọng tâm là bảo đảm các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, bảo đảm sự an toàn và bền vững của nguồn lực tài chính quốc gia; bảo đảm cho tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, ngân sách bền vững, ổn định, giảm nợ công…
Trong những tháng đầu năm 2021, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền số lượng rất lớn các văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 16 nghị định, xem xét ban hành 6 dự thảo nghị định và 9 đề án khác, 50 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, miễn, giảm phí, lệ phí tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, có nhiều quy định được các chuyên gia đánh giá là “mở đường cho sự phát triển và giải phóng nguồn lực” như: Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; hay Nghị định số 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 và Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021...
Bộ Tài chính cũng đã thường xuyên rà soát, hệ thống hóa danh mục văn bản pháp luật; cập nhật thông tin về văn bản mới ban hành, đăng tải đầy đủ, kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách chế độ mới; hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho doanh nghiệp, người dân.
Có thể nói, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã được Lãnh đạo Bộ Tài chính quan tâm chỉ đạo sát sao; được Bộ Tài chính thực hiện chủ động, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, đảm bảo chất lượng. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã kịp thời đề xuất ban hành các văn bản pháp luật, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả các thiết chế thi hành pháp luật tài chính
Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính, ngân sách tiếp tục được Bộ Tài chính xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và chức năng quản lý nhà nước của Bộ nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII.
Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút và chủ động tiếp nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đổi mới và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, minh bạch. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả các thiết chế thi hành pháp luật tài chính, bảo đảm chấp hành pháp luật nghiêm minh.
Bộ Tài chính xác định tiếp tục hoàn thiện chính sách thu ngân sách nhà nước phù hợp với trình độ phát triển, mở cửa nền kinh tế; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, bảo đảm tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý.
Đồng thời, hoàn thiện thể chế về quản lý ngân sách nhà nước; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, đổi mới phân cấp ngân sách nhà nước bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền đi đôi với yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm, công khai, minh bạch.
Hoàn thiện thể chế chính sách về quản lý nợ công để thống nhất và đồng bộ công tác quản lý nợ công; quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là pháp luật tài chính đất đai, tài nguyên, định giá, xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa; cơ chế, chính sách nhằm phát triển đồng bộ, hiện đại, minh bạch và bền vững thị trường tài chính; hoàn thiện hệ thống Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành... cũng được Bộ Tài chính tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách của Bộ Tài chính còn tập trung rà soát hệ thống văn bản, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong bài viết mới đây nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính Việt Nam, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã đề cập đến công tác hoàn thiện thể chế tài chính - ngân sách nhà nước. Theo đó, để đảm bảo chính sách tài chính luôn đi trước một bước, góp phần khai thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, một trong những định hướng của Bộ Tài chính là "Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế tài chính - ngân sách nhà nước, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, phân bổ, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, cho phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu tài chính - ngân sách nhà nước đã đề ra. Tập trung nguồn lực xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia tạo ra đột phá lớn trong phát triển kinh tế."