Chính sách tài khoá tiếp sức người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVDI-19
Chính sách tài khoá có vai trò quan trọng trong ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo đời sống nhân dân. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 thời gian qua, các chính sách tài khoá đồng bộ, kịp thời được triển khai để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã phát huy ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Hàng loạt chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí được ban hành
Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách về gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ DN, người dân ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước.
Điển hình như: chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020; điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế để giảm nghĩa vụ thuế cho cá nhân; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho hầu hết các đối tượng là DN, hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19; giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng trả tiền thuê đất hàng năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng khẩu trang y tế, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước rửa tay sát trùng... để phục vụ việc phòng chống dịch bệnh. Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành thực hiện năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng.
Đến năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất các chính sách để tiếp tục hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021; giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng; tiếp tục giảm mức thu 30 loại phí, lệ phí đến hết năm 2021; thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19...
Để các chính sách nhanh chóng tới được những đối tượng cần hỗ trợ, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, cơ quan thuế, hải quan đã khẩn trương hướng dẫn qua nhiều hình thức đa dạng để người dân, DN thuộc đối tượng hỗ trợ nắm rõ và nhanh chóng thực hiện các thủ tục để được hưởng ưu đãi. Cùng với tuyên truyền, hỗ trợ, cơ quan thuế, hải quan đã tập trung giải quyết các đơn đề nghị được hưởng chính sách hỗ trợ của người dân, DN một cách nhanh nhất, chính xác nhất.
Có thể nói, các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế và các khoản thu ngân sách đã được ban hành đồng bộ, kịp thời, tập trung vào các đối tượng thực sự khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19. Công tác triển khai nhanh chóng, hiệu quả đã kịp thời đưa chính sách đi vào cuộc sống, thiết thực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, giúp các DN vượt qua khó khăn và phục hồi sản xuất khi có điều kiện.
Ưu tiên bố trí kinh phí cho phòng, chống dịch và hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn
Song song với các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, Bộ Tài chính đã ưu tiên bố trí chi ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch, đảm bảo đời sống cho người dân. Tính chung cả năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, ngân sách nhà nước đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân.
Trong đó, chi mua vắc xin, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế..., hỗ trợ các lực lượng chức năng tham gia phòng chống dịch, hỗ trợ người bị cách ly là 8,4 nghìn tỷ đồng; chi cho khoảng 13,2 triệu đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19 là 13,1 nghìn tỷ đồng.
Vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1376/QĐ-TTg ngày 01/8/2021 bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế số tiền 5.100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 để mua vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất thuốc phục vụ phòng, chống COVID-19.
Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Dự kiến, có trên 14,95 triệu người lao động được nhận hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp với tổng kinh phí ước tính trên 26 nghìn tỷ đồng.
Nhằm đảm bảo kinh phí mua, nhập khẩu, sử dụng vắc xin từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ quyết định sử dụng 1.237 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội bố trí 13,3 nghìn tỷ đồng để mua vắc xin phòng COVID-19 từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020.
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 26/5/2021 về việc thành lập Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19 để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cùng với nguồn ngân sách nhà nước đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống dịch, đẩy nhanh tiến độ mua, nhập khẩu vắc xin để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân. Đến nay, Quỹ đã huy động được tổng cộng hơn 8.600 tỷ đồng.
Các giải pháp hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đã giảm bớt khó khăn cho người lao động và người dân trước những "sóng gió" của đại dịch COVID-19. Hơn thế nữa, các chính sách hỗ trợ đã thể hiện sự đồng hành, hỗ trợ của Bộ Tài chính đối với người dân, DN, làm tăng thêm truyền thống tốt đẹp, yêu thương, đùm bọc của nhân dân ta trong hoàn cảnh khó khăn.
GS.,TS. Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân từng chia sẻ, ngay khi dịch bùng phát, các khoản chi từ ngân sách như phòng, chống dịch; tổ chức cách ly; cử lực lượng tham gia tuyến đầu… phát sinh ngoài tiền lệ. Chính phủ đã ngay lập tức đề xuất và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định ngay chế độ chi. Điều đó thể hiện sự kịp thời trong hành động của Quốc hội và Chính phủ.
Không chỉ vậy, trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, Chính phủ, Bộ Tài chính vẫn dành ra nhiều khoản chi; nhiều chính sách sách miễn, giảm, giãn các khoản thuộc nghĩa vụ phải nộp của người dân, DN; hỗ trợ các hộ kinh doanh mất nguồn thu, hỗ trợ người dân mất việc… Đây là động thái rất đáng trân trọng và đáp ứng được những nhu cầu cấp bách.