Hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính
2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Tình hình có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” và tình hình thực tiễn, ngành Tài chính đã chủ động, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách tài khoá, tổ chức triển khai quyết liệt để hoàn thành tốt các nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước đã đề ra, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân. Trong kết quả được ghi nhận đó, có những đóng góp quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tài chính.
Kết quả xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính trong năm 2024
Thực hiện các nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã chủ động nắm bắt diễn biến tình hình để đẩy mạnh công tác xây dựng chính sách, pháp luật nhằm sớm đưa các giải pháp tài chính vào cuộc sống. Qua đó, công tác xây dựng thể chế, chính sách đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, cụ thể:
Nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; hoàn thiện thể chế pháp luật trong các lĩnh vực: chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập, NSNN, quản lý tài sản công, quản lý thuế và dự trữ quốc gia tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua: (1) Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính; (2) Luật số 48/2024/QH15 thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); (3) Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN). Những dự án Luật này tập trung xử lý vướng mắc có tính chất cấp bách nhằm các mục tiêu chính sau:
Một là, tháo gỡ điểm nghẽn trong cơ chế chia sẻ, phân bổ, huy động nguồn lực NSNN, tài sản công nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước cho tăng trưởng kinh tế.
Hai là, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân và DN; đẩy mạnh phân cấp, phần quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Ba là, thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý thu, chống thất thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thuế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN thực hiện quyền được đóng thuế cho nhà nước. Bên cạnh đó, cũng đã tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, người dân, DN, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Bốn là, tạo môi trường đầu tư công khai, minh bạch, thuận lợi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, thu hút các nguồn lực của nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân, DN đầu tư vào nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng trung - dài hạn; Chủ động trong quan hệ đối ngoại với các quốc gia.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 và Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 16/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu, rà soát đối với các Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thuế tài nguyên; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Luật Quản lý thuế; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Kế toán; Luật Thực hành, tiết kiệm chống lãng phí. Trên cơ sở kết luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để lập đề nghị xây dựng các Luật và báo cáo cấp có thẩm quyền đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024. Tính đến ngày 31/12/2024, Bộ Tài chính đã hoàn thành 68/72 đề án nhiệm vụ được giao (đạt 95%), trong đó có 38 đề án, nhiệm vụ được giao bổ sung trong quá trình chỉ đạo, điều hành. Tính cả các đề án đã trình từ năm trước chuyển sang, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 25 Nghị định và 24 dự thảo Nghị định đang xem xét ban hành; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 quyết định và 03 dự thảo quyết định đang xem xét ban hành; đồng thời đã ban hành theo thẩm quyền 95 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - NSNN.
Nhìn chung, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực tài chính đã góp phần thể chế hóa, quy phạm hóa chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới và tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật tài chính; đồng thời, đưa hệ thống pháp luật về tài chính – ngân sách ngày càng được hoàn thiện, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội.
Xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực tài chính cũng đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) nói chung và hệ thống pháp luật về tài chính nói riêng; qua đó, tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đối phó linh hoạt với các thách thức do khủng hoảng và suy thoái kinh tế đặt ra. Đồng thời, từng bước tiếp cận được các thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập và góp phần hiện đại hóa quản lý tài chính, đảm bảo yêu cầu về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phương hướng, nhiệm vụ xây dựng pháp luật năm 2025
Bảng 1: Tình hình thu chi ngân sách nhà nước năm 2024 |
|
STT |
Ước cả năm |
Thu |
Thu cả năm ước đạt 2.025,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% (324,4 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023 |
Chi |
Tổng số chi ngân sách nhà nước đến ngày 31/12/2024 ước đạt khoảng 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán. Trong đó: + Chi đầu tư phát triển ước đạt 78,1% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân đạt 77,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 81,9% kế hoạch) + Chi thường xuyên ước đạt 94,5% dự toán |
Bội chi ngân sách nhà nước |
Ước khoảng 3,4% GDP, giảm 10 nghìn tỷ đồng so dự toán |
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của Bộ Tài chính
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc. Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, song khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn. Nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao khi quy mô kinh tế ngày càng lớn. Những khó khăn, thách thức, yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong cùng những vấn đề mới phát sinh khó lường chưa dự báo được tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng của Đất nước ta.
Trong bối cảnh đó, quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó, chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu. Đồng thời, phân tích kỹ lưỡng, đánh giá sát tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025), từ đó, có các giải pháp đột phá, phấn đấu cao nhất hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Chính phủ đặt mục tiêu cho năm 2025 là tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, pháp luật; phát triển hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế; nâng cao uy tín, vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, tại Chiến lược tài chính đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu tổng quát của giai đoạn này là xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia; Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 và Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 ngày 22/01/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Đặc biệt, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo hoàn thiện công tác thể chế trong thời gian tới như sau: “Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư. Đổi mới quy trình xây dựng tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ; lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ thể.”
Như vậy, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế tài chính trong giai đoạn tới là hết sức nặng nề, với yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi ngành Tài chính phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa hoàn thiện thể chế tài chính với một số trọng tâm như sau:
Thứ nhất, đối với pháp luật về thuế. Tiếp tục nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Quản lý thuế; Hoàn thiện hệ thống chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thực tiễn, các cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế tốt. Nghiên cứu xây dựng mức thuế suất hợp lý, bảo đảm tính công bằng, trung lập của hệ thống chính sách thuế. Tăng tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu. Rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế, loại bỏ các ưu đãi thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế, khoản thu. Thực hiện các giải pháp về thuế nhằm hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo cân đối tài chính - ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính dự kiến sẽ trình Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự án Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi).
Thứ hai, đối với pháp luật về tài chính, ngân sách. Trình cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, khuyến khích các địa phương sáng tạo, tăng thu, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tạo sự chủ động và tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong việc quyết định, sử dụng ngân sách; tăng quyền hạn và trách nhiệm trong công tác quản lý ngân sách ở các cấp, các đơn vị sử dụng ngân sách cùng với việc tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm tra, giám sát.
Thứ ba, đối với pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý có liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công; đặc biệt là pháp luật về tài chính đất đai, tài nguyên; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công chuyên ngành, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Thứ tư, đối với pháp luật về tài chính DN. Trình cấp có thẩm quyền thông qua dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DN nhà nước.
Thứ năm, đối với pháp luật về thị trường tài chính và dịch vụ tài chính. Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các nội dung sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập để đưa các quy định của luật đi vào cuộc sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, giám sát và hạn chế rủi ro trên thị trường, tăng cường tính răn đe, đảm bảo trật tự, an toàn và minh bạch của thị trường chứng khoán.
Trong năm 2025, Bộ Tài chính dự kiến sẽ trình Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời, hoàn thành có chất lượng chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và của Bộ Tài chính (dự kiến trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khoảng 24 đề án (09 nghị định, 03 quyết định và 12 đề án khác); ban hành theo thẩm quyền khoảng 75 thông tư (trong đó có 56 thông tư thuộc Chương trình chính thức và 19 thông tư thuộc Chương trình chuẩn bị).
Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 25/11/2024 của Hội nghị bất thường Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 06/12/2024 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực tiến hành rà soát, đề xuất phương án xử lý, tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nhất là các văn bản luật để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng như ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Trong thời gian tới, công tác hoàn thiện thể chế sẽ hết sức nặng nề với yêu cầu ngày càng cao, nhưng từ những kết quả và kinh nghiệm đã được tích lũy trong công tác xây dựng pháp luật, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành tài chính thì thể chế tài chính sẽ không ngừng được hoàn thiện để góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước và thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.