Hoạt động đầu tư 7 tháng đầu năm 2016
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Bảy ước tính đạt 23997 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 6180 tỷ đồng; vốn địa phương 17817 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 131,2 nghìn tỷ đồng, bằng 50,8% kế hoạch năm và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2015, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, bằng 48,5% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải đạt 11,1 nghìn tỷ đồng, bằng 62,1% và tăng 31,8%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3424 tỷ đồng, bằng 48,5% và tăng 23,9%; Bộ Y tế 1520 tỷ đồng, bằng 48,9% và tăng 24,9%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 1411 tỷ đồng, bằng 43,8% và tăng 47,6%; Bộ Xây dựng 534 tỷ đồng, bằng 57,5% và giảm 40,3%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 382 tỷ đồng, bằng 42,6% và tăng 7,5%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 283 tỷ đồng, bằng 41,8% và giảm 0,7%; Bộ Công Thương 241 tỷ đồng, bằng 51,9% và tăng 20,4%; Bộ Khoa học và Công nghệ 156 tỷ đồng, bằng 54% và giảm 9,7%; Bộ Thông tin và Truyền thông 63 tỷ đồng, bằng 46,2% và giảm 37,1%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 100,8 nghìn tỷ đồng, bằng 51,5% kế hoạch năm và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 71,6 nghìn tỷ đồng, bằng 49,8% và tăng 13,9%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 24,1 nghìn tỷ đồng, bằng 54,2% và tăng 5,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, bằng 68% và giảm 3,3%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 16,8 nghìn tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch năm và tăng 39,1% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 9039 tỷ đồng, bằng 51% và tăng 1,5%; Nghệ An 3042 tỷ đồng, bằng 52,7% và tăng 12,5%; Bình Dương 2890 tỷ đồng, bằng 44,9% và tăng 37%; Quảng Ninh 2611 tỷ đồng, bằng 40,8% và tăng 8,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu 2604 tỷ đồng, bằng 42,5% và tăng 6,7%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/7/2016 thu hút 1408 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8695,2 triệu USD, tăng 31,8% về số dự án và tăng 25,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời có 660 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 4245,2 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 12940,4 triệu USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng năm nay ước tính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 7 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép mới lớn nhất với 5626 triệu USD, chiếm 64,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986,2 triệu USD, chiếm 11,3%; các ngành còn lại đạt 2083 triệu USD, chiếm 24%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 7 tháng năm nay đạt 9121,8 triệu USD, chiếm 70,5% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 956,8 triệu USD, chiếm 7,4%; các ngành còn lại đạt 2861,8 triệu USD, chiếm 22,1%.
Cả nước có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 7 tháng năm nay, trong đó Hải Phòng có số vốn đăng ký lớn nhất với 1839 triệu USD, chiếm 21,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nội 950,1 triệu USD, chiếm 10,9%; Bình Dương 803,3 triệu USD, chiếm 9,2%; Đồng Nai 710,9 triệu USD, chiếm 8,2%; thành phố Hồ Chí Minh 641,4 triệu USD, chiếm 7,4%; Bắc Ninh 389,8 triệu USD, chiếm 4,5%; Tiền Giang 331,1 triệu USD, chiếm 3,8%.
Trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam 7 tháng năm nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 3267,4 triệu USD, chiếm 37,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Xin-ga-po 1115,3 triệu USD, chiếm 12,8%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 755,3 triệu USD, chiếm 8,7%; Đài Loan 584,5 triệu USD, chiếm 6,7%; Nhật Bản 543,8 triệu USD, chiếm 6,3%; Trung Quốc 393,3 triệu USD, chiếm 4,5%.