Hoạt động đầu tư trong và ngoài nước 5 tháng đầu năm 2017
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Năm ước tính đạt 23.049,7 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 5.145 tỷ đồng; vốn địa phương 17.904,7 tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 88,8 nghìn tỷ đồng, bằng 30,6% kế hoạch năm và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 19,5 nghìn tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch năm và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải đạt 11.355 tỷ đồng, bằng 36,3% và tăng 55,4%; Bộ Y tế 1.280 tỷ đồng, bằng 24,9% và tăng 23,4%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1.094,3 tỷ đồng, bằng 28,6% và giảm 34,4%; Bộ Xây dựng 186,5 tỷ đồng, bằng 38,6% và giảm 37,3%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 164,2 tỷ đồng, bằng 29,4% và giảm 69,4%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 145,5 tỷ đồng, bằng 25,1% và giảm 17,8%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 115,1 tỷ đồng, bằng 26,3% và giảm 50,2%; Bộ Công Thương 74 tỷ đồng, bằng 30,3% và giảm 44,2%; Bộ Khoa học và Công nghệ 25,1 tỷ đồng, bằng 27,4% và giảm 63,9%; Bộ Thông tin và Truyền thông 23,2 tỷ đồng, bằng 25,6% và giảm 41,4%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 69,3 nghìn tỷ đồng, bằng 31,1% kế hoạch năm và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 48,5 nghìn tỷ đồng, bằng 29,5% và tăng 4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 17,3 nghìn tỷ đồng, bằng 34,4% và tăng 12,1%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9% và tăng 8,1%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 10,9 nghìn tỷ đồng, bằng 33,6% kế hoạch năm và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 5.965 tỷ đồng, bằng 17,5% và tăng 2,5%; Nghệ An 2.392 tỷ đồng, bằng 37% và tăng 13,2%; Vĩnh Phúc 2.101 tỷ đồng, bằng 35% và tăng 30,1%; Bình Dương 1.832 tỷ đồng, bằng 25,6% và tăng 10,1%; Thanh Hóa 1.771 tỷ đồng, bằng 37% và tăng 5,4%; Bà Rịa - Vũng Tàu 1.702 tỷ đồng, bằng 32,3% và giảm 9,9%.
Trong tháng Năm các chủ đầu tư và đơn vị thi công đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án; vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước cao hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tình hình giải ngân và thực hiện nguồn vốn này trong 5 tháng đầu năm còn chậm. Các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, bảo đảm kế hoạch đề ra.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/5/2017 thu hút 939 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5.595,4 triệu USD, tăng 3,5% về số dự án và giảm 26,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 437 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4.742,9 triệu USD.
Trong 5 tháng đầu năm 2017 có 2.061 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1.792 triệu USD.
Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 5 tháng đầu năm đạt 12.130,3 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng ước tính đạt 6,2 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 5 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 2.863,4 triệu USD, chiếm 51,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành khai khoáng đạt 1.279 triệu USD, chiếm 22,8%; các ngành còn lại đạt 1.453 triệu USD, chiếm 26%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước và góp vốn, mua cổ phần thì tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 5 tháng đầu năm đạt 8.092,5 triệu USD, chiếm 66,7% tổng vốn đăng ký; ngành khai khoáng đạt 1.280,1 triệu USD, chiếm 10,6%; các ngành còn lại đạt 2.757,7 triệu USD, chiếm 22,7%.
Trong 5 tháng đầu năm, cả nước có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Kiên Giang có số vốn đăng ký lớn nhất với 1.304,7 triệu USD, chiếm 23,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bình Dương 919,2 triệu USD, chiếm 16,4%; TP. Hồ Chí Minh 341,7 triệu USD, chiếm 6,1%; Tây Ninh 331 triệu USD, chiếm 5,9%; Bắc Giang 305,7 triệu USD, chiếm 5,5%; Bình Phước 282,9 triệu USD, chiếm 5,1%; Thanh Hóa 248,3 triệu USD, chiếm 4,4%; Bắc Ninh 168,4 triệu USD, chiếm 3%; Đồng Nai 159,9 triệu USD, chiếm 2,9%; Hà Nội 139 triệu USD, chiếm 2,5%; Nghệ An 122,7 triệu USD, chiếm 2,2%; Bà Rịa - Vũng Tàu 117,2 triệu USD, chiếm 2,1%; Hải Dương 102,9 triệu USD, chiếm 1,8%.
Trong số 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng năm nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 1.538,6 triệu USD, chiếm 27,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1.259 triệu USD, chiếm 22,5%; Trung Quốc 756,6 triệu USD, chiếm 13,5%; Xin-ga-po 597,8 triệu USD, chiếm 10,7%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 322,4 triệu USD, chiếm 5,8%; CHLB Đức 321,7 triệu USD, chiếm 5,8%.