Hoạt động doanh nghiệp Việt Nam - nhìn lại giai đoạn 2008 – 2013
(Tài chính) Trong suốt một thời gian dài, từ năm 2000 đến 2007, kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, đặc biệt là sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại, thậm chí năm 2012-2013 được đánh giá là năm rất khó khăn đối với hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam. Theo báo cáo của Cục Quản lý và Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2013, đã có 60.737 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, tập trung nhiều ở các lĩnh vực dịch vụ.
Trong giai đoạn từ 2008 đến nay, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm liên tục. Cùng với tác động của khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước, “lần đầu tiên sau 10 năm, tổng nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp đã giảm so với năm trước. Tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu trong năm 2012 cũng giảm mạnh, chỉ còn 3,6%, so với mức 36,6% của năm 2011, thấp hơn cả mức 15,5% của năm 2009, năm chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới” .
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là do các chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã khiến việc tiếp cận các nguồn vốn trở nên khó khăn hơn đối với doanh nghiệp. Cùng với đó, quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, đã buộc các doanh nghiệp phải tập trung vào ngành kinh doanh chính, thoái vốn ở các hoạt động kinh doanh ngoài ngành. Sự sụt giảm mạnh vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đã làm cho tổng vốn của doanh nghiệp trong nền kinh tế sụt giảm.
Trong giai đoạn 2008-2013, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển dịch trong loại hình doanh nghiệp với sự tăng lên của các công ty trách nhiệm hữu hạn và các doanh nghiệp cổ phần (chiếm gần 80% trong tổng số doanh nghiệp) và sự sụt giảm các doanh nghiệp tư nhân (giảm từ 25,6% xuống còn 13,4%). Sự dịch chuyển này góp phần nâng cao hiệu quả cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam do việc phải áp dụng các hình thức quản trị công ty hiện đại trong các doanh nghiệp cổ phần và trách nhiệm hữu hạn so với mô hình quản trị của công ty tư nhân.
Xét theo loại hình sở hữu, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (không có vốn nhà nước hoặc vốn nhà nước dưới 50%) chiếm đến 96,6% trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động. Trong giai đoạn từ 2008 đến nay, năng suất lao động cũng như khả năng cạnh tranh của khu vực doanh này liên tục được cải thiện, góp phần vào tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Xét theo năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, các doanh nghiệp FDI luôn vượt trội so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Bên cạnh những lợi thế về vốn và công nghệ, các doanh nghiệp FDI còn có lợi thế về thông tin, thương hiệu và các mối quan hệ của công ty mẹ để dễ dàng tiếp cận và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tác động lan tỏa về năng lực quản trị doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn lao động của các doanh nghiệp FDI đến các doanh nghiệp nội địa trong thời gian qua đã góp phần đáng kể làm nâng cao khả năng cạnh tranh của toàn nền kinh tế.
Tuy vậy, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp nội địa vẫn còn rất thấp so với các doanh nghiệp FDI. Trong thời gian tới, nguồn lực từ FDI vẫn rất quan trọng đối với sự phát triển của toàn nền kinh tế nhưng cần lựa chọn thu hút những dự án có hiệu quả và có tác động lan tỏa cao.
Xét các chỉ số ROA (hiệu suất sinh lợi trên tổng tài sản), ROE (hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu) và ROS (hiệu suất sinh lợi trên doanh thu) thì các doanh nghiệp FDI luôn dẫn đầu so với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trong khi ROA của các doanh nghiệp ngoài nhà nước có sự cải thiện đáng kể sau khi chạm đáy vào năm 2010 thì ROA của các doanh nghiệp nhà nước lại liên tục giảm trong 2 năm 2011-2012. “Đây là dấu hiệu đáng báo động về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian gần đây”, theo đánh giá của VCCI.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thua lỗ ở hai khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI đang có xu hướng giảm đi kể trong giai đoạn 2011-2013, thì các doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ thua lỗ đang ngày càng tăng. Điều này cho thấy, những hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong những năm gần đây chưa thực sự hiệu quả và phải có những đột phá để tiến trình này mang lại hiệu quả tốt nhất.
Nhìn chung, bức tranh toàn cảnh về tình hình doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2008-2013 là một bức tranh nhiều màu sắc. Trong giai đoạn này, khi Việt Nam đã tham gia các hiệp định quốc tế, kinh tế trong nước phải chịu đầy đủ các tác động từ sự biến động kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi nhằm vươn lên, tiếp cận và hòa nhập với môi trường kinh doanh quốc tế. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã cho thấy khả năng thích nghi và sự tăng trưởng mạnh mẽ trong cả giai đoạn, đặc biệt là từ năm 2012 đến nay.
Từ chỗ là khối doanh nghiệp luôn đạt hiệu quả kinh doanh thấp nhất so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI thì hiện nay, khả năng sinh lời của khu vực này đã tiệm cận với hai khu vực còn lại. Trong khi đó, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được cải thiện. Doanh nghiệp FDI đã cho thấy năng lực vượt trội so với các doanh nghiệp nội địa trong giai đoạn này khi vẫn có hiệu quả hoạt động kinh doanh ổn định, duy trì và mở rộng sản xuất, tăng doanh số và thị phần.
_______________
VCCI, Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2013, Nhà xuất bản thông tin và truyền thông