Hoạt động kiểm toán tiếp tục được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp

Thùy Linh

Năm 2024, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cơ bản đã hoàn thành khối lượng lớn kế hoạch công tác với nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, đã có nhiều đổi mới để đáp ứng với tình hình mới; qua đó, góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2025 của Kiểm toán Nhà nước.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2025 của Kiểm toán Nhà nước.

Sáng 30/12, KTNN tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2025. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Chất lượng kiểm toán được đặt lên hàng đầu

Năm 2024, hoạt động kiểm toán tiếp tục được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng toàn diện bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp từ công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, tổ chức thực hiện kiểm toán đến kiểm tra tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Qua đó đã đạt được nhiều kết quả nổi bật góp phần quan trọng vào việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.

Kế hoạch kiểm toán năm 2024 của KTNN đã bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2024 được chủ động, có sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan, đảm bảo tuân thủ pháp luật, minh bạch, tránh chồng chéo, trùng lắp với cơ quan thanh tra, kiểm tra theo đúng tinh thần Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Tiếp tục phương châm “gọn nhưng chất lượng”, phương án tổ chức kiểm toán năm 2024 được xây dựng lồng ghép hợp lý trong các cuộc kiểm toán nhằm giảm bớt đầu mối triển khai, giảm số lượng đoàn kiểm toán và tinh giản các thủ tục hành chính, giảm chi phí trong hoạt động kiểm toán, góp phần hạn chế tần suất kiểm toán tại các địa phương; cân đối nhân sự các đoàn kiểm toán ngay từ đầu năm theo nguyên tắc 01 kiểm toán viên tham gia không quá 02 đoàn kiểm toán trong năm (trừ trường hợp đặc biệt)...

 

Tổng hợp kết quả kiểm toán đối với các báo cáo kiểm toán đã phát hành tính đến 15/12/2024, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 22.817 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 2.637 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 9.341 tỷ đồng; kiến nghị khác 10.839 tỷ đồng. Đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn đối với 125 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý.

Theo đó, kế hoạch kiểm toán năm 2024 thực hiện 121 nhiệm vụ, giảm 8 nhiệm vụ so với năm 2023, tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tại 34 bộ, cơ quan trung ương, đạt tỷ lệ 83% (34/41) số đầu mối; kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương tại 57 địa phương, đạt tỷ lệ 90% (57/63) số đầu mối, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động đạt tỷ lệ 26% tổng số nhiệm vụ kiểm toán (31/121), phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030.

Kế hoạch kiểm toán năm 2024 tiếp tục đổi mới theo hướng tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và chất lượng kiểm toán; bám sát Chiến lược phát triển KTNN, đẩy mạnh và quyết liệt thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước các cấp phục vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, kiểm toán các chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kế hoạch kiểm toán năm 2024 đồng thời tập trung kiểm toán một số dự án quan trọng quốc gia như: Dự án Sân bay Long Thành; Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô; Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1...

Ngoài nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, KTNN cũng đã tập trung nâng cao chất lượng lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán thông qua ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong khảo sát, thu thập, phân tích thông tin để đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán phù hợp với từng đơn vị kiểm toán.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả nổi bật, toàn diện của KTNN trong năm 2024. Theo đó, năm 2024, KTNN đã có nhiều đổi mới, để đáp ứng với tình hình mới. Qua đó, góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cung cấp nhiều thông tin cho Quốc hội trong lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Những kết quả nổi bật trên các mặt công tác là minh chứng cho sự trưởng thành của KTNN qua 30 năm xây dựng và phát triển.

Nhấn mạnh năm 2025, nhiệm vụ đặt ra đối với KTNN nhiều và đầy thách thức, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của KTNN tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, khắc phục những bất cập, hạn chế, tiếp tục có nhiều giải pháp, nhiều đổi mới để hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác đề ra.

Trước tình hình Đất nước đang có nhiều thay đổi, đột phá, mang tính cách mạng trên nhiều lĩnh vực như đổi mới về công tác xây dựng pháp luật; cách mạng về tinh gọn bộ máy; đổi mới về phân cấp, phân quyền trong quyết định phân bổ và sử dụng các nguồn lực của Đất nước; đẩy mạnh phòng, chống, xử lý sai phạm gây lãng phí; đột phá về huy động nguồn lực, chính sách tài khóa để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý KTNN cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng các yêu cầu phát triển này.

Trong đó, cần tập trung kiểm toán tính đúng đắn phù hợp, đầy đủ, kịp thời của việc ban hành các văn bản hướng dẫn các luật; việc tổ chức thực hiện pháp luật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến các cơ chế đặc thù, phân cấp, phân quyền trong phân bổ, sử dụng nguồn lực và thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; việc thực hiện phòng, chống lãng phí, chủ trương tinh gọn bộ máy. Tăng cường kiểm toán đánh giá cơ chế, chính sách của Nhà nước, đặc biệt các chính sách có ảnh hưởng rộng, lớn đến đời sống kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng ý kiến về dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước...

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị KTNN cần tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 để thực hiện nhiệm vụ năm 2025 bảo đảm tiến độ, chất lượng và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản hướng dẫn trong hoạt động kiểm toán để đảm bảo phù hợp với Chuẩn mực KTNN mới được sửa đổi, bổ sung; tăng cường giáo dục về đạo đức, văn hóa, ứng xử, trách nhiệm và lòng tự tôn nghề nghiệp cho đội ngũ kiểm toán viên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tin tưởng, KTNN sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025 và các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao.