Kiểm toán chất thải – Công cụ để bảo vệ môi trường

Minh Trang

Mặc dù đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhưng xu hướng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng. Một trong những công cụ để kiểm soát, giảm thiểu phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường trong các cơ sở sản xuất là kiểm toán chất thải.

Các cuộc kiểm toán môi trường mang lại hiệu quả, giá trị hữu ích cho các bên
Các cuộc kiểm toán môi trường mang lại hiệu quả, giá trị hữu ích cho các bên

Ý nghĩa, vai trò của kiểm toán chất thải

Theo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020, kiểm toán môi trường (KTMT) là việc xem xét, đánh giá có hệ thống, toàn diện hiệu quả quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Kiểm toán chất thải là một loại hình của kiểm toán môi trường. Kiểm toán chất thải được hiểu là quá trình kiểm tra sự tạo ra chất thải nhằm giảm nguồn, lượng chất thải phát sinh. Kiểm toán chất thải đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với doanh nghiệp, kiểm toán chất thải làm giảm chi phí, tăng hiệu quả trong quá trình sản xuất, tăng lợi nhuận, giảm lượng và loại chất thải, giảm rủi ro không tuân thủ quy định pháp luật. Đối với Nhà nước, kiểm toán chất thải làm tăng cường hiệu quả công tác quản lý môi trường tại các doanh nghiệp; có cơ sở cho việc xúc tiến cấp nhãn sinh thái hoặc các giải thưởng về môi trường khác.

Kiểm toán chất thải được thực hiện qua những quy trình cụ thể và mỗi nước sẽ có các quy định riêng nhưng tất cả đều dựa trên quy định cơ bản bao gồm các bước: Khảo sát quá trình, thu thập số liệu về đầu vào, đầu ra của các công đoạn sản xuất (nguyên liệu, năng lượng, nước và sản phẩm); Xác định loại hình, nguồn, khối lượng chất thải; Nghiên cứu tính toán cân bằng vật chất; Xác định các nguyên nhân gia tăng chất thải; Nghiên cứu, đề xuất và xác định hiệu quả kinh tế của các giải pháp giảm thiểu chất thải; Thực hiện các giải pháp giảm thiểu phát sinh chất thải.

Kiểm toán chất thải có thể do một nhóm kiểm toán độc lập, hoặc cũng có thể do chính bản thân doanh nghiệp thực hiện, với sự tham gia của một đơn vị quan trắc, phân tích môi trường. Các yếu tố cần thiết cho việc thực hiện thành công kiểm toán chất thải tại cơ sở công nghiệp bao gồm: Sự cam kết hợp tác, quyết tâm cải thiện ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp; Xác định quy mô, trọng tâm của kiểm toán; Đề xuất các giải pháp khả thi, đảm bảo tính kinh tế khi thực hiện.

Nếu thực hiện kiểm toán chất thải tốt thì không chỉ giảm thiểu việc phát sinh chất thải ra môi trường, giảm thiểu ô nhiễm mà còn tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, nước, giảm sự lãng phí tài nguyên, đem lại giá trị kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đặc biệt, thực hiện kiểm toán chất thải còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế biến đổi khí hậu hiện là vấn đề nóng trên thế giới.

Yêu cầu đặt ra đối với kiểm toán chất thải tại Việt Nam

Ở Việt Nam, các cuộc kiểm toán môi trường do Kiểm toán nhà nước (KTNN) thực hiện thời gian qua đã mang lại hiệu quả, giá trị hữu ích cho các bên; giúp các cấp điều chỉnh công tác quản lý, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường. Trong đó, kết quả kiểm toán việc quản lý chất thải là một trong những dấu ấn nổi bật trong KTMT của KTNN.

Qua kiểm toán, bên cạnh những kết quả tích cực, KTNN cũng chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý chất thải. Cụ thể, qua kết quả kiểm toán năm 2023 cho thấy, tại một số địa phương có tình trạng thu gom, vận chuyển xử lý rác y tế lây nhiễm không đúng mô hình được phê duyệt; chưa xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xử lý rác thải nguy hại nhưng chưa được cấp phép… Những tồn tại trong việc quản lý, xử lý rác thải cũng từng được KTNN chỉ ra qua kết quả kiểm toán năm 2022. Theo đó, tại nhiều địa phương được kiểm toán chưa thực hiện phân loại chất thải nguy hại từ chất thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định; thực hiện chôn lấp rác không đúng địa điểm quy hoạch...

KTNN cũng chỉ ra những bất cập liên quan đến công tác đấu thầu lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải như: Chưa thực hiện đúng các yêu cầu về đấu thầu, chỉ định thầu; phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu chưa phù hợp; một số địa phương có trường hợp tiếp nhận dự án đầu tư khi chưa đủ điều kiện về môi trường; một số doanh nghiệp, cơ sở y tế chưa thực hiện đánh giá tác động môi trường, chưa có đầy đủ hồ sơ môi trường, giấy phép môi trường...

Trong bối cảnh việc thu gom, xử lý rác thải vẫn là vấn đề nan giải, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác này cần tiếp tục được quan tâm, trong đó có vai trò kiểm toán của KTNN.