Hoạt động logistics giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2017 diễn ra ngày 15/12 tại Hà Nội, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, hoạt động logistics sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của mình.
Logistics góp phần vào tăng trưởng kinh tế
Diễn đàn logistics lần thứ 5 và được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt, khi Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Tại đây, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định sự phát triển logistics ở nước ta trong thời gian qua đã có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, mở rộng và phát triển thị trường quốc tế, nâng cao mức hưởng thụ của người tiêu dùng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước. Đồng thời, các cơ chế chính sách và thủ tục hành chính cũng được các Bộ, ngành quan tâm cải thiện tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 đã được các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp tích cực triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Bộ trưởng cũng không quên nhấn mạnh, logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, kéo dài từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết được như công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu; đặc biệt là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với doanh nghiệp các nước trong khu vực và thế giới…
"Chúng ta cần phải có những quyết tâm mới và biện pháp mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức cùng nhau thúc đẩy phát triển ngành logistics của Việt Nam lên một tầm cao mới trong khu vực và trên thế giới", Bộ trưởng nói.
WB sẽ giúp Việt Nam phát triển logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại
Trong khi đó, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng: “Hoạt động logistics và kết nối hiệu quả, tối ưu là yếu tố quan trọng đảm bảo năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Logistics hiệu quả càng đặc biệt đối với nên kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào khả năng tham gia vào chuổi giá trị toàn cầu và xuất khẩu như Việt Nam, điều này sẽ giúp tăng năng suất đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của mình”.
Ông Ousmane Dione cũng đưa ra một số đề xuất được xem là tối ưu để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam như tăng cường kết nối, tăng cường tạo thuận lợi thương mại có thể là một yếu tố quyết định.
Cũng theo ông Ousmane Dione, để thành công, một đòi hỏi quan trọng là phải có sự phối hợp, cộng tác liên ngành với doanh nghiệp. Để thực hiện thành công Chương trình hành động đa ngành rõ ràng cần sự cam kết của tất cả các cơ quan và một cơ chế phối hợp liên ngành có sự chỉ đạo sát sao của chính phủ. Phải theo dõi và đo lường được tiến độ cải cách cũng rất quan trọng. Những gì không thể đo được thì khó được cải thiện. Việc thu thập và duy trì dữ liệu về logistics và hiệu quả tạo thuận lợi cho thương mại là rất quan trọng để triển khai các cải cách và hoạt động thích hợp. Có được số liệu thống kê chính xác về logistics và vận tải sẽ làm tiền đề cho việc xây dựng chính sách chính xác hơn, trong khi thách thức đầu tiên của Việt Nam là chưa có cơ sở dữ liệu ban đầu của hoạt động vận tải và logistics.
"Ngân hàng Thế giới luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc tạo thuận lợi thương mại, phát triển logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại, coi đó là một nội dung trọng tâm xuyên suốt trong chiến lược phát triển và tăng trưởng của mình. Chúng tôi cũng sẵn sàng cung cấp các kết quả nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật toàn diện kết hợp với hỗ trợ tài chính trong thời gian nhiều năm nếu cần", Giám đốc quốc gia của WB khẳng định.