Để logistics trở thành ngành mũi nhọn
Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics - một trong những ngành có nhiều tiềm năng phát triển - là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Tiềm năng chờ “đánh thức”
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) cho rằng, logistics là ngành kinh tế quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Theo tính toán, tổng giá trị ngành logistics tương đương từ 21 - 25% GDP quốc gia, lớn hơn nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây được coi là ngành siêu lợi nhuận, nhưng nhiều năm qua bị bỏ ngỏ ở Việt Nam.
Do đó, đại biểu này kiến nghị Chính phủ xác định logistics là ngành mũi nhọn. Đồng thời, cần nhanh chóng xây dựng đội tàu viễn dương Việt Nam, giành lại thị phần vận tải biển đang nằm trong tay các công ty nước ngoài.
Ý kiến của vị đại biểu đến từ Hà Nội được đặc biệt quan tâm, bởi logistics được đánh giá là một trong những ngành rất tiềm năng trong bối cảnh hội nhập, đang mở ra cơ hội lớn cho xuất nhập khẩu hàng hóa và các ngành dịch vụ đi kèm. Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, trong đó có 1.300 doanh nghiệp hoạt động tích cực. 89% là doanh nghiệp 100% vốn trong nước, còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết: Dù có số lượng đông nhưng các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, mới chỉ thực hiện được một phần rất nhỏ trong chuỗi hoạt động của ngành logistics như: Dịch vụ giao nhận, đóng gói, hải quan; cho thuê kho bãi… hoặc chỉ là nhà thầu phụ cho các nhà đầu tư logistics nước ngoài.
Số lượng doanh nghiệp Việt có chuỗi dịch vụ khép kín như Công ty cổ phần Giao nhận kho vận ngoại thương Việt Nam (Vinatrans), Công ty cổ phần Kho vận miền Nam (Sotrans)… còn ít. Hiện, đa phần các dịch vụ tích hợp, mang tính liên vận quốc tế đều do các công ty logistics nước ngoài đảm trách.
Ngoài ra, vấn đề nan giải hiện nay là thực trạng thiếu đội ngũ nhân viên logistics chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản. Việt Nam hiện có khoảng 15 cơ sở đào tạo về chuyên ngành logistics hoặc gần chuyên ngành logistics ở cấp đại học, sau đại học và cơ sở dạy nghề về logistics nhưng lực lượng giảng viên còn thiếu và mỏng, kiến thức thực tế chưa nhiều. Đa phần các công ty logistics phải đảm nhiệm luôn vai trò đào tạo lại nguồn nhân lực thông qua thực tiễn công việc.
Đẩy mạnh liên kết
Góp phần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp logistics, liên tục trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với nhiều đơn vị nhằm triển khai mạnh mẽ các nội dung trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistic Việt Nam như đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin cho ngành logistics…
Ngoài ra, theo các chuyên gia, doanh nghiệp logistics nên đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong cuộc chạy đua với các doanh nghiệp nước ngoài. Ông Trần Thanh Hải cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics cũng cần liên kết với nhau mạnh hơn theo hướng doanh nghiệp logistics cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp xuất khẩu ưu tiên sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp nội để tạo điều kiện nâng cao năng lực, cùng phát triển.
Đồng ý kiến với ông Trần Thanh Hải, ông Mai Nhật Minh - Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ triển lãm và Logistics (ESL) - bày tỏ, doanh nghiệp logistics rất cần sự hỗ trợ để tạo sự liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Theo Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ logistics đạt 15 - 20%; tỷ trọng góp vào GDP 8 - 10%; tỷ lệ thuê ngoài 50 - 60%; chi phí logistics tương đương 16 - 20%...