Hoạt động thanh toán thẻ quốc tế của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Hoạt động thanh toán thẻ quốc tế của người dân Việt Nam gần đây đã tăng lên đáng kể. Điều này tác động ra sao tới nền kinh tế Việt Nam? Cơ quan điều hành cần phải làm gì để có thể kiểm soát được hoạt động này? Bài viết phân tích hoạt động thanh toán thẻ của các ngân hàng thương mại Việt, sau 10 năm gia nhập WTO.
Thẻ thanh toán quốc tế thường hiểu là thẻ ghi nợ - thanh toán quốc tế và thẻ tín dụng quốc tế. Hoạt động thanh toán thẻ quốc tế của ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam thuộc vào phương thức cung cấp dịch vụ thứ hai - tiêu dùng dịch vụ tại nước ngoài, với những cam kết cụ thể như sau:
Về cam kết nền (cam kết chung): Thẻ thanh toán quốc tế chịu ràng buộc bởi những cam kết của Việt Nam theo điều VI của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) và điểm 2 (a) của Phụ lục về các Dịch vụ tài chính.
Về cam kết riêng: Thẻ thanh toán quốc tế được quy định ở mục B(d) của Biểu cam kết dịch vụ Việt Nam 2006 trong lĩnh vực tài chính. Trong đó:
- Phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới: Việt Nam chưa cam kết với hoạt động thanh toán thẻ quốc tế, vẫn duy trì quyền được hạn chế với các dịch vụ thanh toán thẻ quốc tế cho các dịch vụ qua biên giới. Điểm cần chú ý là những cam kết này được áp dụng với nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Còn đối với các NHTM Việt Nam hoạt động ở nước ngoài thì lại phải căn cứ vào Biểu cam kết dịch vụ ngân hàng của nước sở tại.
- Phương thức tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài: Việt Nam không hạn chế. Có nghĩa là người cư trú Việt Nam có thể ra nước ngoài và sử dụng các loại thẻ quốc tế rút tiền, thanh toán mua bán hàng hóa ở nước ngoài… tại các địa điểm chấp nhận thẻ do các NHTM Việt Nam phát hành.
- Phương thức hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài: Việt Nam thực hiện mở cửa kèm theo các hạn chế ở giai đoạn 2007 – 2011 với những quy định về hình thức thành lập hiện diện thương mại, tỷ lệ vốn góp đối với NHTM liên doanh… Kể từ sau 2011 trở đi, các NHTM nước ngoài được phép thực hiện hoạt động phát hành, thanh toán thẻ quốc tế như các NHTM trong nước. Việt Nam cũng thực hiện nguyên tắc đối xử đầy đủ với các NHTM nước ngoài từ năm 2011.
Hoạt động thanh toán thẻ quốc tế của ngân hàng thương mại Việt Nam
Cùng với quá trình hội nhập, hoạt động thanh toán thẻ quốc tế tại các NHTM Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt.
Thứ hai, các NHTM tham gia thanh toán thẻ quốc tế tăng nhanh. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, cho tới nay có khoảng 40 NHTM cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ quốc tế, bao gồm cả NHTM trong nước, ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo thống kê doanh số thanh toán thẻ năm 2016, Vietcombank dẫn đầu với doanh số xấp xỉ 600 triệu USD; NHTM cổ phần quốc tế VIB đứng thứ hai với doanh số thanh toán bằng gần nửa của Vietcombank. Vị trí thứ ba thuộc về Oceanbank; Sacombank, Phương Nam bank, Techcombank có doanh số thanh toán xấp xỉ nhau; BIDV và HSBC chỉ đứng ở vị trí thứ 7 và 8, tương ứng doanh số thanh toán khoảng 130 triệu USD (Hình 2).
Tuy nhiên, có một số NHTM lại có tốc độ tăng về doanh số đáng kinh ngạc trong hai năm 2015 và 2016. Trong đó, Oceabank có tốc độ tăng lớn nhất với doanh số khởi điểm hơn 1 triệu USD (2015) lên 230,27 triệu vào năm 2016. Tiếp theo, là China bank và HSBC - 2 ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; NHTMCP Phương Nam, Sài Gòn, Quốc tế đều có mức tăng hơn 400% qua hai năm.
Thứ ba, đa dạng hóa loại tiền thanh toán. Ngoại tệ được sử dụng để thanh toán thẻ gắn với việc di chuyển của người Việt Nam ra nước ngoài cho mục đích du lịch, học tập, công tác ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là đồng USD, tiếp theo mới là EUR và JPY.
Thứ tư, điều kiện phát hành và thanh toán thẻ quốc tế ngày càng linh hoạt. Để so sánh điều kiện phát hành thẻ quốc tế, bài viết tập trung nghiên cứu vào một số NHTM có thế mạnh về doanh số thanh toán thẻ, cụ thể là Vietcombank, Oceanbank và VIB:
Điều kiện phát hành thẻ tín dụng quốc tế: Có thể thấy, cấp độ nới lỏng hạn mức tín dụng đang giảm dần xuống theo thứ tự từ Oceanbank, VIB, Vietcombank. Vì hạn mức của Oceanbank không ràng buộc nhiều mà được đánh giá theo ý chủ quan của chính ngân hàng và chủ thẻ, cụ thể là được chia ra làm 2 hạng thẻ cấp cho từng chủ thể khác nhau.
- Về điều kiện phát hành: Các yêu cầu của các ngân hàng đều có phần giống nhau, đó là: Chủ thẻ phải đủ từ 18 tuổi trở lên; Cá nhân là người Việt Nam hay người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam; Chủ thẻ chính có tài khoản thanh toán tại ngân hàng mở thẻ; Chủ thẻ phải có thu nhập cá nhân (có lương). Tuy nhiên, vẫn có phần nào khác biệt về điều kiện phát hành thẻ giữa các ngân hàng, bởi mỗi ngân hàng đều có quy tắc về điều kiện phát hành thẻ riêng, tạo nên sự nghiêm ngặt và ràng buộc cho mỗi chủ thẻ. Cụ thể:
Với Vietcombank, cá nhân đi làm hưởng lương hoặc có tài sản đảm bảo dưới dạng ký quỹ hoặc cầm cố tiền gửi tại ngân hàng; chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể hoặc nộp thuế khoán. Chủ thẻ có thể chỉ cần có hộ khẩu hoặc KT3 tại nơi đăng ký mở thẻ.
Với VIB, chủ thẻ cần có thu nhập sau thuế từ 5 triệu đồng. Với Oceanbank, chủ thể phát hành thẻ được chia ra làm thẻ có tài sản đảm bảo và thẻ tín chấp. Trong thẻ tín chấp, cá nhân phải có thu nhập tối thiểu từ 3 triệu đồng/tháng trở lên. Chủ thẻ nằm trong độ tuổi từ 22 - 55 tuổi đối với nữ và 22 - 60 tuổi đối với nam. Hợp đồng lao động có thời hạn hiệu lực còn lại tối thiểu 04 tháng.
- Về biểu phí sử dụng: Có 5 loại phí được đề cập phổ biến ở cả 3 ngân hàng:
Phí cấp lại Pin: Oceanbank có phí ưu đãi hơn 2 ngân hàng còn lại với mức phí là 20.000 đồng/lần/thẻ; Còn Vietcombank và VIB có phí là 30.000 đồng/lần/thẻ.
Phí thường niên: Các mức phí của Oceanbank cũng ưu đãi hơn so với VIB và Vietcombank.
Phí rút tiền: Oceanbank cũng thể hiện sự ưu đãi với mức phí là 2% số tiền giao dịch và số tiền tối thiểu là 30.000 đồng/giao dịch. Trong khi đó, con số này ở VIB và Vietcombank lên tới 4% và 50.000 đồng.
Phí thất lạc thẻ: Phí thất lạc thẻ được miễn phí tại Oceanbank, trong khi phí cấp lại thẻ ở Vietcombank, VIB là 200.000 đồng/lượt.
Phí chuyển đổi ngoại tệ: Vietcombank và Oceanbank có mức phí chuyển đổi ngoại tệ như nhau là 2,5% giá trị giao dịch; Còn VIB có mức phí chuyển đổi ngoại tệ lên tới 3% giá trị giao dịch.
Điều kiện phát hành thẻ ghi nợ quốc tế:
- Về hạn mức sử dụng thẻ: Cấp độ nới lỏng hạn mức tín dụng có xu hướng giảm dần theo thứ tự từ VIB, Vietcombank, Oceanbank, vì hạn mức của VIB không ràng buộc nhiều và được đánh giá theo ý chủ quan của chính ngân hàng và chủ thẻ.
- Về điều kiện phát hành: Các NHTM đều có yêu cầu tương đối giống nhau đó là: Chủ thẻ từ 18 tuổi trở lên; Cá nhân là người Việt Nam hay người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam; Chủ thẻ chính có tài khoản thanh toán tại ngân hàng mở thẻ. Với Vietcombank còn có điều kiện phát hành ràng buộc liên quan tới thẻ phụ là phải đủ trên 15 tuổi trở lên.
- Về biểu phí sử dụng bao gồm:
Phí phát hành: Vietcombank miễn phí phát hành thẻ, còn VIB và Oceanbank đề ra mức phí 100.000 đồng.
Phí cấp lại Pin: Mức phí này tăng dần ở 3 ngân hàng Vietcombank, Oceanbank, VIB, lần lượt: 10.000, 20.000 và 30.000 đồng.
Phí thường niên: Ở lĩnh vực này thì VIB lại cho chủ thẻ miễn phí sử dụng nhưng Oceanbank và Vietcombank đòi mức phí 200.000 đồng/năm.
Phí rút tiền: Phí rút tiền của Oceanbank cũng ưu đãi so với Vietcombank và VIB.
Những vấn đề đặt ra
Không thể phủ nhận những tiện ích mà thẻ quốc tế đem lại cho người dân khi đi du lịch, công tác, mua sắm quốc tế. Những tiện ích này cũng chính là yếu tố thúc đẩy, gia tăng việc sử dụng và thanh toán thẻ hiện nay. Sự đánh đổi giữa việc phải mang tiền mặt và mang thẻ thanh toán như là một phương tiện trong thanh toán quốc tế đã khiến chủ thẻ lựa chọn thẻ thanh toán. Việc tiêu dùng qua thẻ thanh toán quốc tế giúp người tiêu dùng theo dõi được hoạt động chi tiêu, mặc dù sẽ phải chịu một khoản phí giao dịch nhất định.
Quá trình mở cửa thị trường dịch vụ và sự phát triển trong ngành Giao thông Vận tải hiện nay cũng đã làm gia tăng việc tiêu dùng của người dân Việt Nam ra nước ngoài. Xu thế này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, khi nền kinh tế Việt Nam dần ổn định trở lại và tăng trưởng. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam đó là: Số tiền chi tiêu qua thẻ thanh toán quốc tế hơn 2 tỷ USD (năm 2016) và dự báo tiếp tục tăng liệu có tác động tới nền kinh tế Việt Nam. Dưới giác độ của dòng chu chuyển vốn quốc tế và quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, rõ ràng đây là dòng tiền chảy ra, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước (FDI) cả năm Việt Nam thu hút vào trong nước chỉ khoảng 15 tỷ USD.
Ở chừng mực nào đó, cơ quan điều hành mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể kiểm soát và cân đối cung cầu ngoại tệ, việc thanh toán thẻ quốc tế chưa trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu doanh số thanh toán thẻ tiếp tục tăng với tốc độ như hiện nay, có thể ở mức gấp đôi trong 5 năm tới, Ngân hàng Nhà nước buộc sẽ phải áp dụng những biện pháp mạnh để giám sát vĩ mô một cách thận trọng, góp phần kiềm chế dòng vốn ngoại tệ tiêu dùng nước ngoài cho những hàng hóa xa xỉ mà không tạo ra ngoại tệ trong nước…
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công Thương (2006), Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ Danh mục miễn trừ đối xử;
2. VCCI, Hiệp định GATS và Biểu cam kết dịch vụ;
3. WTO, General Agreement on Trade in Services ;
4. Các website: vib.com.vn, vcb.com.vn, oceanbank.vn.