Hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa trong thương mại
(Tài chính) Khi một cá nhân, tổ chức hay pháp nhân không thể thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa vì một lý do nào đó thì họ vẫn có thể thông qua một thương nhân có năng lực nhằm ủy thác việc mua bán này.
Uỷ thác mua bán hàng hoá theo quy định tại Luật Thương mại 2005 là hoạt động thương mại mà theo đó bên nhận uỷ thác – là thương nhân - thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thỏa thuận với bên uỷ thác và được nhận thù lao ủy thác thông qua hình thức hợp đồng bằng văn bản là chủ yếu.
Về bản chất, hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa có thể được xem là một giao dịch dân sự đặc thù liên quan đến việc mua bán hàng hóa.
Việc xác lập hợp đồng uỷ thác trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận nhằm đề cao tinh thần thiện chí hợp tác trong việc thực hiện cũng như bảo vệ quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Tuy nhiên, Luật Thương mại 2005 quy định: “Bên nhận uỷ thác có thể nhận uỷ thác mua bán hàng hoá của nhiều bên uỷ thác khác nhau”. Rõ ràng, quy định này đã trở thành rào cản cho các hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa, bên uỷ thác có thể mất ưu tiên khi bên nhận uỷ thác nhận uỷ thác từ một bên thứ ba khác để mua bán hàng hoá cùng chủng loại, dẫn đến khả năng vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc gây áp lực tăng phí uỷ thác…
Để phòng ngừa thiệt hại phát sinh, các bên khi soạn thảo hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa nên có điều khoản ràng buộc trách nhiệm của bên nhận ủy thác trong trường hợp bên này nhận ủy thác mua bán hàng hóa của nhiều bên ủy thác khác nhau đối với cùng một loại hàng hóa.
Luật Thương mại 2005 không có quy định chi tiết về những loại hàng hóa được phép ủy thác mua bán, điều này không có nghĩa là mọi hàng hóa cho dù được luật pháp quy định hợp pháp đều có thể được ủy thác mua bán.
Và vì lí do nào đó, hàng hóa được ủy thác mua nhưng không được tiếp nhận để bán. Việc này sẽ gây khó khăn cho người nhận ủy thác trong việc thanh lý hợp đồng cũng như các chi phí trong việc vận chuyển, việc không quy định cụ thể này dễ khiến người nhận ủy thác gặp khó khăn khi thực hiện việc ủy thác mua bán hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa xuất xứ từ nước ngoài.
Thêm vào đó, những hình thức ủy thác trong lĩnh vực khác như ủy thác đầu tư, ủy thác cho vay tín dụng,…khá phổ biến nhưng chưa được quy định cụ thể trong Luật Thương mại, việc ủy thác trong đầu tư hay trong những lĩnh vực khác không thể mượn hay dẫn chiếu hình thức ủy thác mua bán hàng hóa trong thương mại để dẫn chiếu khi các đối tượng ủy thác có tính chất khác nhau.