Hoạt động xếp hạng tín nhiệm Việt Nam: Vai trò và tiềm năng phát triển

Nguyễn Thị Tố Trang - Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính

Nghiên cứu này đánh giá vai trò của hoạt động tín nhiệm đối với thị trường tài chính nói chung và các chủ thể tham gia thị trường tài chính, thị trường vốn nói riêng. Tác giả đánh giá tình hình phát triển của dịch vụ xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014 về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, đồng thời, xem xét và phân tích tiềm năng phát triển của hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam. Từ đó, các giải pháp được đề xuất để hạn chế bất cập, phát huy những tác động tích cực, góp phần thúc đẩy hoạt động xếp hạng tín nhiệm phát triển minh bạch, độc lập, chất lượng và hiệu quả.

Vai trò của hoạt động xếp hạng tín nhiệm

Theo Viện Tài chính doanh nghiệp (Corporate Finance Institute), xếp hạng tín nhiệm là ý kiến của tổ chức xếp hạng tín nhiệm về khả năng và sự sẵn lòng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính của một chủ thể (chính phủ, doanh nghiệp hoặc cá nhân) trong một khoảng thời gian đã xác định.

Xếp hạng tín nhiệm cũng biểu thị khả năng con nợ sẽ vỡ nợ; là đại diện cho rủi ro tín dụng do một công cụ nợ mang lại. Trong bài viết đăng trên trang Investopedia, Julia Kagan cho rằng, xếp hạng tín nhiệm là sự đánh giá độc lập về khả năng trả nợ của một công ty hoặc chính phủ, theo các điều khoản chung hoặc liên quan đến một nghĩa vụ tài chính cụ thể.

Mặc dù, có nhiều cách định nghĩa khác nhau về hoạt động xếp hạng tín nhiệm, nhưng xét về bản chất xếp hạng tín nhiệm là việc đánh giá khả năng trả nợ của người đi vay hoặc đối với một khoản nợ hay nghĩa vụ tài chính cụ thể. Xếp hạng tín nhiệm có thể áp dụng đối với bất kỳ tổ chức nào có kế hoạch phát hành trái phiếu hay sử dụng những công cụ nợ khác nhau để huy động vốn.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, hoạt động xếp hạng tín nhiệm đã chứng minh tầm quan trọng đối với không chỉ người đi vay, người cho vay, nhà đầu tư mà còn với những chủ thể khác trên thị trường tài chính như các tổ chức trung gian tài chính, các cơ quan quản lý nhà nước. Một trong những vai trò quan trọng của xếp hạng tín nhiệm là góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động cả về cung và cầu đầu tư trên thị trường tài chính.

Xếp hạng tín nhiệm vừa là động lực thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp và tổ chức phát hành công cụ nợ gia tăng hiệu quả hoạt động, cải thiện các chỉ số và tình hình tài chính, vừa giúp nhà đầu tư nhận thức tốt hơn khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm cũng như những rủi ro có liên quan để có định hướng đầu tư phù hợp.

Hình 1: Khối lượng phát hành và dư nợ so với GDP của trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2015-2022 (Tỷ đồng, % GDP). Nguồn: Bộ Tài chính, 2022-2023.
Hình 1: Khối lượng phát hành và dư nợ so với GDP của trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2015-2022 (Tỷ đồng, % GDP). Nguồn: Bộ Tài chính, 2022-2023.

 

Xét về tổng quan, hoạt động xếp hạng tín nhiệm giúp minh bạch thông tin, cung cấp các phân tích, đánh giá có chiều sâu về rủi ro của các chủ thể phát hành công cụ nợ, giảm thiểu sự rủi ro cho nhà đầu tư khi không tiếp cận được đầy đủ, kịp thời thông tin của tổ chức phát hành.

Theo đó, hoạt động xếp hạng tín nhiệm sẽ là một trong những công cụ hữu hiệu (cùng với hoạt động kiểm toán độc lập) giúp các hoạt động trên thị trường tài chính diễn ra minh bạch, công khai, thúc đẩy thị trường vốn phát triển bền vững hơn, góp phần khơi thông các dòng vốn quan trọng của nền kinh tế.

Từ góc nhìn của các doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm, kết quả xếp hạng tín nhiệm góp phần hỗ trợ các chủ thể này đa dạng hóa đối tượng nhà đầu tư, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp đến các chủ thể tham gia thị trường vốn. Đồng thời, thông qua kết quả xếp hạng, các nhà quản trị doanh nghiệp có thể nhìn thấy được bức tranh khái quát về năng lực và sức khỏe tài chính của tổ chức mình, qua đó có những điều chỉnh hợp lý trong quá trình tái cơ cấu và sử dụng các nguồn vốn, tăng cường tuân thủ các quy định pháp lý, nâng cao tính minh bạch cũng như cải thiện tình hình tài chính để củng cố hồ sơ tín dụng, đạt được mức tín nhiệm ngày càng cao hơn.

Đối với các nhà đầu tư và người cho vay, kết quả xếp hạng tín nhiệm giúp nhóm đối tượng này có nhận thức tốt hơn về khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ cũng như những rủi ro liên quan của doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm, từ đó có định hướng, cân nhắc về quyết định đầu tư.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, kết quả xếp hạng tín nhiệm là kênh thông tin, chỉ số tham khảo giúp các tổ chức này nắm bắt được năng lực và sức khỏe của doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành, nghề thuộc phạm vi quản lý, nắm bắt tình hình thị trường, từ đó có chính sách quản lý, giám sát, điều hành phù hợp đối với từng giai đoạn phát triển của thị trường, của nền kinh tế.

Tại thị trường tài chính của các nước phát triển trên thế giới, văn hóa xếp hạng tín nhiệm đã được hình thành trong thời gian dài. Về bản chất, kết quả xếp hạng tín nhiệm không phải là một lời khuyên mua hoặc bán đối với một công cụ nợ hoặc lời khuyên đầu tư vào một tổ chức phát hành cụ thể, tuy nhiên xếp hạng tín nhiệm được xem là thước đo, là thông tin đáng tin cậy các nhà đầu tư và chủ thể tham gia thị trường tài chính tham khảo, cân nhắc trong quá trình ra quyết định.

Tình hình phát triển của hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam

Ngày 26/9/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, qua đó tạo khung khổ pháp lý quan trọng, là cơ sở cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước. Nghị định số 88/2014/NĐ-CP quy định về điều kiện, tiêu chuẩn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; phạm vi hoạt động, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

Từ khi Nghị định số 88/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, cấp phép đối với 04 doanh nghiệp. Năm 2017, Công ty Cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Rating là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam đáp ứng các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. 03 năm sau đó, Công ty Cổ phần FiinRatings (trước đây là Công ty Cổ phần FiinGroup) là doanh nghiệp thứ hai được cấp phép hoạt động dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Tháng 9/2023, Công ty Cổ phần xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) là tổ chức thứ ba được cấp giấy phép và đến tháng 4/2024, Công ty Cổ phần xếp hạng tín nhiệm S&I (S&I Ratings) cũng đã chính thức đứng vào hàng ngũ các doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm triển khai các hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, sau gần 10 năm kể từ khi Nghị định số 88/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, thị trường xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, nhận thức của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường tài chính, thị trường vốn, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân về xếp hạng tín nhiệm còn hạn chế. Số lượng xếp hạng tín nhiệm lần đầu được các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm trong nước thực hiện giai đoạn từ năm 2018 đến hết năm 2023 là 60 xếp hạng tín nhiệm, đây là số liệu hết sức khiêm tốn so với quy mô thị trường vốn, thị trường tài chính của Việt Nam trong giai đoạn này.

Trước thực tế đó, để tạo lập thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm và hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, cần tiếp tục giáo dục và nâng cao nhận thức của thị trường thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp, bao gồm các hoạt động thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

Tiềm năng phát triển của hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam

Hiện nay, Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn (Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP) quy định về các trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải xếp hạng tín nhiệm và lộ trình thực hiện quy định này. Khuôn khổ pháp lý đồng bộ cùng với sự tăng trưởng của thị trường vốn và thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua là những điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

Theo Báo cáo thường niên thị trường trái phiếu Việt Nam năm 2021, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2021 đạt 637.073 tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm 2020, chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt 605.935 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020. Tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng trong năm 2021 đạt 31.138 tỷ đồng, tăng khoảng 7 lần so với năm 2017.

Tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành năm 2022 đạt 337.132 tỷ đồng. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng năm 2022 là 19.964 tỷ đồng, giảm 35,2% so với năm 2021, chiếm khoảng 5,6% tổng giá trị phát hành. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2022 khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 12,6% GDP, giảm 4,6 điểm phần trăm so với năm 2021 (Bộ Tài chính, 2023).

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, thị trường trái phiếu tính đến cuối tháng 9/2023 có quy mô đạt khoảng 35,77% GDP năm 2022, trong đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 12,6% GDP. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm 2023 có tín hiệu tăng trưởng trở lại, tính đến hết tháng 10/2023, thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có 173 đợt phát hành thành công với giá trị phát hành đạt 184.796,5 tỷ đồng, tuy nhiên, so với số liệu cùng kỳ năm 2022, giá trị phát hành thành công giảm 43,87%.

Tốc độ tăng trưởng và phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường vốn cho thấy dư địa phát triển của lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam còn rất lớn. Sức hấp dẫn, tiềm năng phát triển của lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam được thể hiện thông qua sự quan tâm của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới đối với hoạt động của các doanh nghiệp xếp hạng trong nước, cụ thể: Moody’s Singapore Pte Ltd đã tham gia góp vốn thành lập Công ty Cổ phần xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam, S&P Global Ratings là đối tác hợp tác chiến lược với Công ty Cổ phần FiinRatings, Fitch Learning là đối tác hợp tác chiến lược đào tạo dài hạn của Công ty Cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Ratings, Japan Credit Rating Agency, Ltd (JCR) có cam kết hợp tác kỹ thuật đối với Công ty Cổ phần xếp hạng tín nhiệm S&I.

Giải pháp phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm Việt Nam

Nhằm nâng cao nhận thức và tạo lập thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, thời gian qua, Bộ Tài chính, các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm và các hiệp hội đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, hội thảo, hội nghị giới thiệu, đào tạo về khung khổ pháp lý, các tiêu chuẩn, điều kiện để gia nhập thị trường, quy trình, chuẩn mực đạo đức trong quá trình tổ chức hoạt động xếp hạng tín nhiệm.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Hợp tác đối tác công - tư, Phát triển khu vực tư nhân và đổi mới doanh nghiệp nhà nước” do Chính phủ Australia và Canada đồng tài trợ ủy thác qua Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho Chính phủ Việt Nam đã triển khai hoạt động hỗ trợ đào tạo các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm Việt Nam nâng cao năng lực, đồng thời hỗ trợ một phần chi phí đối với các tổ chức thực hiện xếp hạng tín nhiệm đầu tiên từ các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm trong nước.

Để đảm bảo tính minh bạch, độc lập của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp này, cần duy trì và tiếp tục tăng cường các biện pháp theo dõi, giám sát từ phía các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần rà soát, đánh giá tình hình thực thi quy định pháp lý trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm, kịp thời nhận diện những khó khăn, bất cập (nếu có) trong từng giai đoạn phát triển của hoạt động xếp hạng tín nhiệm gắn với mỗi thời kỳ tăng trưởng của thị trường tài chính và nền kinh tế của đất nước, từ đó, có định hướng điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, tạo điều kiện phát triển thị trường tài chính minh bạch, lành mạnh và môi trường thuận lợi để hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam có điều kiện phát triển.

Tốc độ tăng trưởng và phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường vốn cho thấy dư địa phát triển của lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam còn rất lớn. Sức hấp dẫn, tiềm năng phát triển của lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam được thể hiện thông qua sự quan tâm của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới đối với hoạt động của các doanh nghiệp xếp hạng trong nước

Bên cạnh đó, hoạt động xếp hạng tín nhiệm chỉ có thể phát huy vai trò tích cực đối với các chủ thể tham gia thị trường tài chính khi kết quả xếp hạng tín nhiệm là sản phẩm của quá trình phân tích, đánh giá độc lập của đội ngũ chuyên gia có trình độ, kinh nghiệm, sử dụng phương pháp xếp hạng tín nhiệm khoa học, thống nhất dựa trên nguồn thông tin dữ liệu đầy đủ, đa chiều. Theo đó, để đảm bảo tính độc lập, minh bạch và chất lượng của hoạt động xếp hạng tín nhiệm, mỗi doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm cần tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động xếp hạng tín nhiệm, các quy trình, quy chế nội bộ; duy trì và vận hành có hiệu quả hệ thống kiểm soát nội bộ để ngăn ngừa những xung đột lợi ích có khả năng xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

Doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm cũng cần duy trì, tăng cường nguồn lực nội bộ (nguồn nhân lực chất lượng, hạ tầng công nghệ, hệ thống thông tin, dữ liệu…) cần thiết cho quá trình xếp hạng tín nhiệm. Việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cấp phép tại Việt Nam có quan hệ hợp tác hoặc quan hệ đầu tư đối với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín toàn cầu là một yếu tố góp phần nâng cao năng lực và chuyên nghiệp hóa dịch vụ xếp hạng của các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

Về phía nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường tài chính sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm, cần nhận thức rõ xếp hạng tín nhiệm là thông tin tham khảo, đánh giá về mức độ rủi ro, sức khỏe tài chính của một tổ chức, đánh giá rủi ro tín dụng của một công cụ nợ, mà không phải là một lời khuyên mua hoặc bán đối với một công cụ nợ hoặc lời khuyên đầu tư vào một doanh nghiệp, một tổ chức phát hành cụ thể. Từ đó, nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường cân nhắc và tối đa hóa hiệu quả sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm trong quá trình ra quyết định.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2019), Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14;
  2. Chính phủ (2014), Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014 quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm;
  3. Chính phủ (2018), Nghị định số 151/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính;
  4. Chính phủ (2020), Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
  5. Chính phủ (2020), Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán;
  6. Chính phủ (2022), Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
  7. Chính phủ (2023), Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
  8. CFI, Xếp hạng tín nhiệm, https://corporatefinanceinstitute.com/resources/fixed-income/credit-rating/;
  9. Julia Kagan, (cập nhật ngày 09/3/2024), “Xếp hạng tín nhiệm: Khái niệm và vai trò đối với nhà đầu tư, (truy cập ngày 20/3/2024); https://www.investopedia.com/terms/c/creditrating.asp;
  10. Trang thông tin điện tử Công ty Cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Ratings, https://saigonratings.com/saigon-ratings-va-fitch-learning-hop-tac-chien-luoc-dao-tao-lau-dai/;
  11. Trang thông tin điện tử Công ty Cổ phần FiinRatings, https://fiinratings.vn/Partner?lang=vi-vn;
  12. Trang thông tin điện tử Công ty Cổ phần xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam, https://visrating.com/vi/thong-tin-doanh-nghiep/.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 7/2024