Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3
Nằm trong khuôn khổ hợp tác tài chính khu vực ASEAN+3, vào ngày 04/5, tại thủ đô Manila, Phi-líp-pin, diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 21. Đồng chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Tài chính Xinh-ga-po và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương và đại diện các nước trong khu vực ASEAN+3, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Phó Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN +3(AMRO) và Tổng Thư ký ASEAN. Về phía Việt Nam có đại diện Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tham dự Hội nghị.
Triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu và khu vực
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc cùng đại diện các tổ chức quốc tế chia sẻ quan điểm về tình hình kinh tế tài chính, triển vọng kinh tế vĩ mô của khu vực và toàn cầu cũng như các giải pháp để giảm thiểu tác động của những rủi ro, nhằm ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn, rà soát tiến độ triển khai các sáng kiến hợp tác tài chính của khu vực gồm: Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), Sáng kiến Phát triển thị trường trái phiếu Châu Á (ABMI) và Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN +3(AMRO).
Khu vực ASEAN+3 đã góp phần vào việc thúc đẩy kinh tế toàn cầu hướng tới sự tăng trưởng đồng đều và bền vững của thương mại toàn cầu. Nhu cầu nội địa ổn định, tăng trưởng xuất khẩu và lạm phát ổn định đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực, theo đó tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN+3 dự báo sẽ duy trì ở mức 5,4% vào năm 2018 và 5,2% vào năm 2019. Đồng thời, Hội nghị cho rằng cần lưu ý tới các rủi ro từ chính sách bảo hộ thương mại và chính sách điều chỉnh lãi suất nhanh hơn dự kiến. Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW ASEAN+3 cam kết thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, bao gồm kết hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp với điều kiện của từng quốc gia, nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, cân bằng và toàn diện.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Trung ương đã tiến hành rà soát các hoạt động của sáng kiến Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) và cam kết tăng cường hơn nữa cơ chế này với vai trò là công cụ an toàn tài chính khu vực và hỗ trợ các nước thành viên trong việc giải quyết khó khăn thanh khoản ngắn hạn.
Tăng cường Hợp tác Tài chính trong khu vực
Hội nghị ghi nhận tiến độ triển khai của Sáng kiến Thị trường Trái phiếu Châu Á (ABMI) trong việc phát triển thị trường trái phiếu khu vực. Trong khuôn khổ Sáng kiến, Hội nghị ghi nhận việc phê duyệt Chiến lược kinh doanh trung hạn của Quỹ Bảo lãnh tín dụng và đầu tư (CGIF) và Đề xuất tăng vốn từ 700 triệu đô la Mỹ lên 1,2 tỷ đô la Mỹ. Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc cũng đánh giá cao tiến độ thực hiện và kết quả đạt được của các nhóm công tác ABMI trong việc cải thiện môi trường đầu tư, phát triển các công cụ đầu tư mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng cho thị trường trái phiếu cũng như triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật để phát triển thị trường trái phiếu trong nước của các nền kinh tế thành viên. Hội nghị hoan nghênh sự tham gia của Mông Cổ vào Diễn đàn thị trường trái phiếu ASEAN+3 (ABMF) theo các nguyên tắc chung về việc mở rộng thành viên bên ngoài ASEAN+3 tham gia với tư cách quan sát viên.
Hội nghị đánh giá cao các nỗ lực của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) với tư cách là một tổ chức quốc tế và thông qua các chính sách hoạt động của AMRO như chính sách xuất bản và chính sách truyền thông. Hội nghị cũng ghi nhận những nỗ lực của AMRO trong việc tăng cường quan hệ đối tác với các tổ chức tài chính toàn cầu như ký kết Biên bản ghi nhớ (MOUs) giữa AMRO và IMF, AMRO và Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) và hoan nghênh AMRO trở thành Quan sát viên thường trực của Liên hợp quốc.