Tự do hóa dịch vụ tài chính trong ASEAN
Tự do hoá thị trường dịch vụ tài chính đưa đến những tác động tích cực đối với các nước trên thế giới như: Loại bỏ dần các rào cản có tính chất bảo hộ giữa các quốc gia, mở cửa thị trường nội địa cho các công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài vào hoạt động, từ đó tạo dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng nhằm giảm giá thành sử dụng dịch vụ và tạo điều kiện thu hút nguồn đầu tư nước ngoài.
Tự do hóa dịch vụ tài chính có vai trò quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các nước ASEAN. Đặc biệt trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được hình thành với mục tiêu của ASEAN là hình thành một thị trường chung và cơ sở sản xuất đơn nhất, có sức cạnh tranh cao, phát triển kinh tế đồng đều, hội nhập đầy đủ vào kinh tế toàn cầu.
Tự do hóa dịch vụ tài chính trong khu vực ASEAN hướng tới mục tiêu gỡ bỏ dần hạn chế áp dụng đối với các tổ chức tài chính ASEAN bao gồm các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty đầu tư… trong việc cung cấp dịch vụ tài chính tại các nước trong khu vực.
Tự do hóa dịch vụ tài chính ASEAN nằm trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về Thương mại dịch vụ (AFAS) được ký kết năm 1992 và AFAS sẽ được nâng cấp thành Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA) hiện đang đàm phán đến Gói cam kết dịch vụ thứ 10. Đàm phán tự do hóa dịch vụ tài chính ASEAN đi theo lộ trình riêng, đến nay đã trải qua 7 vòng đàm phán.
Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam cùng với các nước ASEAN đã ký kết Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ 7 về dịch vụ tài chính ASEAN vào ngày 23/6/2016. Ngày 6/2/2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 06/NQ - CP phê duyệt Nghị định thư. Nghị định thư là một bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu tự do hóa dịch vụ tài chính mà Lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua tại Tuyên bố chung Bali II. Mục tiêu của việc ký kết Nghị định thư là thúc đẩy mức độ tự do hóa dịch vụ của khu vực lên một cấp độ cao hơn.
Vai trò thị trường dịch vụ tài chính tại các nước ASEAN
Với tổng GDP của các nước ASEAN đạt 2.431.969 tỷ USD (2015), tốc độ tăng trưởng trên 5% mỗi năm, dân số bình quân trên 634 triệu người, ASEAN được đánh giá là khu vực đầy tiềm năng cho phát triển thị trường dịch vụ tài chính.
Trong giai đoạn từ năm 20102015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dịch vụ tài chính của các nước ASEAN tăng đều qua các năm từ 17,4 triệu USD (2010); 21,6 triệu USD (2011); 25,4 triệu USD (2013); 28,2 triệu USD (2014) lên đến 29,1 triệu USD (2015).
Quy mô thị trường xuất nhập khẩu dịch vụ tài chính các nước ASEAN so với tổng GDP được minh họa tại Hình 1 dưới đây, theo xu hướng tăng từ 0,9% (2010) lên 1,1 % (2014) và chiếm 1,2% (2015). Điều này cho thấy vai trò nhất định của dịch vụ tài chính đối với tăng trưởng kinh tế tại các nước trong khu vực và để bắt kịp được với tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu, ASEAN cần nỗ lực thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thị trường tài chính.
Quy mô thị trường bảo hiểm
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, thị trường bảo hiểm ASEAN vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định. Theo báo cáo giám sát bảo hiểm ASEAN 2015, doanh thu phí bảo hiểm khu vực ASEAN tăng từ 81,2 tỷ USD năm 2014 lên 87,9 tỷ USD năm 2015 (tăng 8,1%) trong đó Singapore dẫn đầu khu vực với tổng doanh thu phí đạt 24,2 tỷ USD, tiếp theo đó là Thái Lan (24,2 tỷ USD) và Indonesia (12,9 tỷ USD).
Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm và mật độ tiêu dùng bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cho thấy sự gia tăng đáng kể ở hầu hết các nước ASEAN, trong đó nổi bật là Lào (tỷ lệ tiêu dùng bảo hiểm đạt gần 200%) và Việt Nam (69%), tuy nhiên lĩnh vực phi nhân thọ không có cải thiện đáng kể. Trong lĩnh vực phi nhân thọ, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu phí toàn ngành (76%) ở hầu hết các nước ASEAN, ngoại trừ Singapore là nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ, tiếp theo đó là các nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm hàng hải.
Mặc dù số lượng đại lý bảo hiểm toàn khu vực giảm so với năm 2014 nhưng doanh thu phí bảo hiểm mang lại từ đại lý bảo hiểm lại tăng cao hơn so với năm 2014 trong cả hai lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Theo dự báo, trong năm 2017, mặc dù bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn nhưng ngành bảo hiểm khu vực ASEAN vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ thậm chí bùng nổ bởi sự tăng cường của tiến trình tự do hóa và hội nhập bảo hiểm khu vực.
Năm 2015, có tổng số 509 công ty bảo hiểm trong khu vực ASEAN (năm 2014 là 483 công ty), trong đó các công ty bảo hiểm phi nhân thọ vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất (63%), theo sau là các công ty bảo hiểm nhân thọ (22%), tái bảo hiểm chuyên nghiệp (9%), bảo hiểm hỗn hợp (5%), sở hữu nhà nước về bảo hiểm (1%). 49,6% các công ty bảo hiểm trong khu vực là thuộc sở hữu nội địa, 45,1% số công ty thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ công tỷ sở hữu nhà nước chỉ chiếm 1,2%.
Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ASEAN năm 2015 giảm 2,5% đạt mức 388,13 tỷ USD so với 403 tỷ USD năm 2014, trong đó thị trường bảo hiểm nhân thọ chiếm 83% tổng tài sản toàn thị trường. Tổng tài sản thị trường bảo hiểm phi nhân thọ chiếm 17%.
Tự do hóa thị trường bảo hiểm dự kiến mang lại nhiều tiềm năng cho lĩnh vực bảo hiểm với thị phần rộng mở. Theo cam kết về tự do hóa dịch vụ tài chính trong ASEAN, dịch vụ bảo hiểm vận tải đường biển, đường bộ, đường hàng không (MAT) đã được các nước ASEAN không hạn chế cung cấp qua biên giới. Sự phát triển của vận tải đường biển, đường bộ, đường hàng không trong nội khối ASEAN sẽ là tiền đề để phát triển thêm các sản phẩm bảo hiểm mới cho thị trường.
Quy mô thị trường chứng khoán
Tự do hóa thị trường chứng khoán sẽ giúp ASEAN mở rộng, kết nối thị trường giữa các nước nội khối để tiến đến một thị trường chứng khoán chung của khu vực, phát triển chuyên nghiệp hơn, vốn hóa chiếm tỷ trọng GDP cao hơn để trở thành kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế.
Giá trị vốn hóa thị trường là thước đo quy mô của một doanh nghiệp, là tổng giá trị thị trường của doanh nghiệp, được xác định bằng số tiền bỏ ra để mua lại toàn bộ doanh nghiệp này trong điều kiện hiện tại. Quy mô và tốc độ tăng của giá trị vốn hoá thị trường là thước đo quan trọng, đánh giá thành công hay thất bại của một công ty niêm yết.
Xét quy mô thị trường chứng khoán khu vực ASEAN hiện nay trong sự tương quan so sánh với các nước Châu Á như Hồng Công (tỷ lệ vốn hóa là 912%), Đài Loan (138%), tỷ lệ vốn hóa thị trường so với GDP của các nước ASEAN đang ở mức thấp hơn. Tỷ lệ vốn hóa thị trường so với GDP của Singapore là 204%, cao nhất so với các nước Đông Nam Á, theo sau là Thái Lan là 95%, Malaysia chiếm 124% và Phillipines là 75% (Hình 2).
Lĩnh vực ngân hàng
Theo báo cáo hội nhập ASEAN năm 2015, nhìn chung, hiện thị trường tài chính các nước ASEAN chủ yếu do các ngân hàng chi phối. Vì vậy, ngành ngân hàng được xem là lĩnh vực quan trọng trong tiến trình tự do hóa dịch vụ tài chính của ASEAN. Trong khuôn khổ hội nhập tài chính ASEAN (ASEAN Financial Integration Framework), Thống đốc ngân hàng trung ương của các quốc gia thành viên ASEAN đã đưa ra Khuôn khổ hội nhập ngân hàng ASEAN (ABIF) vào tháng 12 năm 2014.
Khuôn khổ này sẽ phân loại những ngân hàng đã đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định là “Ngân hàng ASEAN đủ tiêu chuẩn” và cho phép các ngân hàng này có thể tiếp cận sâu rộng thị trường các nước ASEAN khác; với mục tiêu tiến đến áp dụng những nguyên tắc tiếp cận, đối xử bình đẳng và một môi trường công bằng trong ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, tự do hóa đồng nghĩa với sự tham gia của các định chế tài chính, các tập đoàn tài chính lớn vào thị trường sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh cho thị trường tài chính trong nước. Không chỉ Việt Nam, các nước đang phát triển khác trong ASEAN khá lo ngại về việc mở cửa thị trường tài chính bởi khoảng cách giữa các tổ chức tài chính trong nước với các nước phát triển khá lớn.
Phạm vi cam kết và tiếp cận thị trường tại Gói cam kết dịch vụ tài chính thứ 7 trong ASEAN
Cam kết trong lĩnh vực dịch vụ tài chính bao gồm 4 phương thức (cung cấp qua biên giới, tiêu dùng nước ngoài, hiện diện thương mại, hiện diện thể nhân) và trên 2 khía cạnh hạn chế: Đối xử quốc gia và Tiếp cận thị trường. Kết quả đàm phán thì mức độ cam kết có thể là “không cam kết – unbound” hoặc “không hạn chế - none”.
Không cam kết – Unbound có nghĩa là không cam kết về thời gian cũng như mức độ tự do hóa. Không hạn chế - None có nghĩa là đã đưa ra cam kết với các nước thành viên và sẽ tuân thủ theo những gì cam kết. Mở cửa thị trường tài chính trong nước cho sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài phải đạt mức độ ít nhất ngang bằng với mức cam kết và phù hợp với lộ trình cam kết.
So sánh tương quan về cam kết giữa các nước được đánh giá theo các điểm nổi bật của từng phân ngành ở từng quốc gia và dựa trên 3 phương thức là cung cấp qua biên giới, hiện diện thương mại và di chuyển thể nhân.
Phương thức cung cấp qua biên giới
Dịch vụ ngân hàng
So sánh cam kết về dịch vụ ngân hàng của các nước ASEAN tại Gói cam kết thứ 7, các phân ngành dịch vụ cho thấy tương quan về mức độ mở cửa của các nước thành viên còn tương đối hạn chế. Hiện nay một số nước như Phillipines, Singapore, Thái Lan, Malaysia có quy định tương đối chặt đối với cung cấp dịch vụ ngân hàng qua biên giới, theo đó, đòi hỏi phía nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ ngân hàng qua biên giới phải thành lập hiện diện thương mại tại nước sở tại.
Đối với dịch vụ nhận tiền gửi và các khoản phải trả khác từ công chúng, Brunei, Malaysia quy định không được phép thu hút, quảng cáo và nhận tiền gửi. Singapore chưa cam kết về dịch vụ này. Campuchia không hạn chế cung cấp, ngoại trừ các khoản tiền gửi từ công chúng phải được tái đầu tư tại Campuchia. Myanmar chỉ cho phép cung cấp với điều kiện phải có sự chấp thuận của Ngân hàng trung ương Myanmar và theo Luật Đầu tư nước ngoài của Myanmar, Luật Doanh nghiệp Myanmar và các văn bản luật trong nước hiện hành.
Về dịch vụ cho vay dưới tất cả hình thức, bao gồm, tín dụng tiêu dùng, tín dụng cầm cố thế chấp, bao thanh toán và tài trợ giao dịch thương mại, Brunei, Singapore chưa cam kết, Campuchia và Lào không hạn chế. Malaysia quy định dịch vụ tài chính liên quan đến cho vay tất cả các loại tiền tệ đối người cư trú vượt quá 25 triệu RM phải được thực hiện cùng NHTM hoặc ngân hàng đầu tư ở Malaysia.
Về dịch vụ thuê mua tài chính, Brunei và Lào chưa cam kết, Campuchia không hạn chế. Malaysia quy định cung cấp dịch vụ thuê mua tài chính cho người cư trú với tất cả hình thức tiền tệ phải được thực hiện cùng với công ty thuê mua hoặc ngân hàng đầu tư ở Malaysia.
Đối với dịch vụ thanh toán và chuyển tiền bao gồm, thẻ tín dụng, thẻ thanh toán và thẻ nợ, hối phiếu ngân hàng, Brunei, Campuchia chưa cam kết, Lào không hạn chế.
Về dịch vụ bảo lãnh và cam kết, Brunei và Campuchia chưa cam kết. Malaysia không hạn chế trừ các ngân hàng thành lập tại Malaysia được ưu tiên lựa chọn.
Việt Nam chưa cam kết đối với các loại hình dịch vụ ngoại trừ dịch vụ cung cấp thông tin tài chính và xử lý dữ liệu tài chính cũng như các phần mềm liên quan khác của các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính khác.
Dịch vụ chứng khoán
Các nước ASEAN đều có quy định chặt chẽ theo nội luật và chưa cam kết cung cấp qua biên giới đối với loại hình dịch vụ này, ngoại trừ Việt Nam không hạn chế cung cấp qua biên giới đối với các dịch vụ chuyển thông tin, dịch vụ tư vấn và dịch vụ phụ trợ. Tuy nhiên, Việt Nam chưa cam kết đối với giao dịch qua tài khoản (kể cả cá nhân và tài khoản khách hàng), chưa cam kết đối với quản lý tài sản, quản lý quỹ.
Dịch vụ bảo hiểm
Nhìn chung, các nước đều chưa cho phép cung cấp qua biên giới; ngoại trừ Thái Lan cam kết cung cấp (dịch vụ bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ ) qua biên giới đối với dịch vụ bảo hiểm nhân thọ, Việt Nam không hạn chế đối với dịch vụ bảo hiểm cung cấp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và Lào không hạn chế đối với cả 3 phương thức cung cấp qua biên giới, tiêu dùng nước ngoài và hiện diện thương mại về dịch vụ bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.
Riêng cam kết về bảo hiểm MAT (tàu thuyền, hàng không thương mại, hàng không dân dụng, vận chuyển hàng hoá và các nghĩa vụ phát sinh từ đó, hàng hoá quá cảnh quốc tế), hiện tại các nước ASEAN đã cam kết mở cửa cung cấp qua biên giới ngoại trừ Singapore và Indonesia.
Đối với dịch vụ tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm, các nước không hạn chế đối với cung cấp qua biên giới trong đó có Campuchia, Lào, Thái Lan, Singapore. Việt Nam chưa cho phép cung cấp dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới.
Riêng với Malaysia, đối với dịch vụ tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm), quy định về cung cấp qua biên giới và tiêu dùng ở nước ngoài, được phép cung cấp dịch vụ tái bảo hiểm và nhượng tái cho các tổ chức ASEAN với điều kiện các tổ chức trong nước không thể cung cấp.
Đối với dịch vụ môi giới dịch vụ trung gian bảo hiểm - môi giới bảo hiểm (không bao gồm đại lý), các nước chưa mở cửa cung cấp qua biên giới ngoại trừ Việt Nam.
Hiện diện thương mại
Dịch vụ ngân hàng
Về quy định pháp lý đối với thành lập hiện diện thương mại, tại Gói cam kết thứ 7, một số nước có quy định cụ thể hơn như Brunei, Lào, Campuchia, Myanmar. Theo đó, việc thành lập phải có cấp phép của ngân hàng trung ương. Riêng Singapore, Thái Lan, Việt Nam không cam kết mở thêm dịch vụ ngân hàng so với Gói cam kết thứ 5 và Gói cam kết thứ 6.
Quy định cụ thể về cho phép thành lập công ty và chi nhánh
Tại Brunei, hiện diện thương mại được chấp nhận với hình thức công ty thành lập trong nước hoặc chi nhánh nước ngoài và theo loại giấy phép do Cơ quan quản lý tiền tệ Brunei (AMBD) cấp.
Việt Nam quy định các tổ chức tín dụng nước ngoài chỉ được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới các hình thức sau:
Đối với các ngân hàng thương mại nước ngoài: Được phép thành lập dưới các hình thức bao gồm văn phòng đại diện, chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài, ngân hàng thương mại liên doanh trong đó phần vốn góp của bên nước ngoài không vượt quá 50% vốn điều lệ của ngân hàng liên doanh, công ty cho thuê tài chính liên doanh, công ty cho thuê tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài, công ty tài chính liên doanh và công ty tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài; được phép thành lập ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với công ty tài chính nước ngoài: Được phép thành lập dưới các hình thức văn phòng đại diện, công ty tài chính liên doanh, công ty tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài, công ty cho thuê tài chính liên doanh và công ty cho thuê tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Tại Gói cam kết thứ 7, Việt Nam dỡ bỏ hạn chế quyền của một chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ các thể nhân Việt Nam mà ngân hàng không có quan hệ tín dụng theo các mức vốn mà ngân hàng mẹ cấp chi nhánh.
Chỉ cho phép thành lập chi nhánh hoặc công ty con
Indonesia chỉ cam kết cho phép thành lập 2 chi nhánh phụ trợ và 2 văn phòng phụ trợ đối với một chi nhánh của ngân hàng nước ngoài.
Tại Malaysia, hiện diện thương mại bị hạn chế trong phạm vi thành lập chi nhánh hoặc công ty con ở Malaysia. Riêng đối với dịch vụ thuê mua tài chính, NHTM phải thành lập một đơn vị riêng để cung cấp dịch vụ thuê mua tài chính và tỷ lệ nắm giữ cổ phần của bên nước ngoài trong một cam kết thứ không quá 49%.
Hiện diện thương mại giới hạn đối với việc tham gia vốn của ngân hàng nước ngoài do Malaysia sở hữu và các NHTM, ngân hàng đầu tư bị kiểm soát với tổng cổ phần nước ngoài trong một ngân hàng thương mại hoặc một ngân hàng đầu tư không vượt quá 30%.
Tại Philippines, quy định về thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nới lỏng hơn tại Gói cam kết thứ 7 so với các Gói cam kết thứ 5,6 đã cam kết.
Ngân hàng nước ngoài được kinh doanh tại Philippines, được phép mở 5 chi nhánh và có sự chấp thuận của cơ quan Giám sát tiền tệ Philippines (Monetary Board); được phép nắm giữ tối đa sáu mươi phần trăm (60%) cổ phiếu biểu quyết của một ngân hàng trong nước hiện tại; đầu tư tối đa sáu mươi phần trăm (60%) cổ phiếu biểu quyết của một công ty con mới của ngân hàng thành lập trong nước. Cá nhân không được nắm giữ vượt quá bốn mươi phần trăm (40%) trên tổng số cổ phần trong một ngân hàng thành lập trong nước.
Ngoài ra, trong ngành ngân hàng, cơ quan Giám sát tiền tệ yêu cầu bảy mươi phần trăm (70%) các nguồn tài nguyên, tài sản của hệ thống ngân hàng Philippines phải do ngân hàng trong nước nắm giữ và các ngân hàng này đa số thuộc sở hữu của người Philippines.
Dịch vụ chứng khoán
Các nước ASEAN hiện nay chỉ cho phép nhà nước ngoài cung cấp dịch vụ chứng khoán được phép thành lập hiện diện thương mại dưới hình thức văn phòng đại diện hoặc liên doanh; ngoại trừ Việt Nam cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thành lập công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, cho phép thành lập văn phòng đại diện và liên doanh với tỷ lệ góp vốn không quá 49%.
Dịch vụ bảo hiểm
Lào, Myanmar không hạn chế về thành lập hiện diện thương mại tại nước sở tại. Việt Nam cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thành lập công ty bảo hiểm có 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam không cho phép thành lập chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam trừ chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ.
Tại Gói cam kết thứ 7, nhóm các nước hạn chế về hiện diện thương mại, bao gồm Singapore, Philllipines, Thái Lan có quy định nới lỏng hơn về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể:
Philippines cam kết mở hơn tại Gói cam kết thứ 7 đối với dịch vụ bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm. Cụ thể nhà đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh dịch vụ này tại Philippines phải thành lập hiện diện thương mại tại Philippines với điều kiện: Mua lại tối đa tám mươi phần trăm (80%) cổ phiếu biểu quyết của một công ty bảo hiểm trong nước hiện có; hoặc là Đầu tư tối đa tám mươi phần trăm (80%) các cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty bảo hiểm mới thành lập trong nước.
Singapore không hạn chế thành lập hiện diện thương mại đối với dịch vụ bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm tại Gói cam kết thứ 7, ngoại trừ công ty bảo hiểm phải thành lập các chi nhánh hoặc công ty con. Bên nước ngoài chỉ được nắm giữ tối đa 49% trong tổng vốn góp của các công ty bảo hiểm thành lập trong nước miễn là việc nắm giữ không tạo ra cổ đông nước ngoài lớn nhất, và công ty bảo hiểm hiểm phải thành lập chi nhánh và công ty con.
Tại Thái Lan, về dịch vụ bảo hiểm nhân thọ, Gói cam kết thứ 7 quy định mở hơn về tỷ lệ cổ phần đóng của người có quốc tịch Thái Lan không vượt quá 75% của tổng vốn. Trong một công ty, ít nhất ¾ giám đốc phải là người Thái. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Giám sát Bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính Thái Lan có quyền cho phép người không có quốc tịch Thái Lan nắm giữ vốn cổ phần với tỷ lệ 49% trên tổng số vốn góp trong cùng một công ty với người Thái.
Trường hợp việc thành lập một công ty bảo hiểm gây thiệt hại cho các nhà bảo hiểm hoặc người dân, hoặc để tăng cường tính ổn định của kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng Bộ Tài chính có quyền yêu cầu tỷ lệ vốn góp của người có quốc tịch Thái Lan nhiều hơn 75%. Bên cạnh đó, Gói cam kết thứ 5 và cam kết thứ 6, quy định hạn chế hơn đối với tỷ lệ góp vốn, tối đa 25 % của vốn cổ phần đã đăng ký.
Đối với dịch vụ môi giới và dịch vụ môi giới và đại lý bảo hiểm, tại Gói cam kết thứ 7, Thái Lan quy định phần vốn góp của bên nước ngoài không vượt quá 49%. Gói cam kết thứ 5 quy định phần vốn góp của bên nước ngoài không quá 25%.
Malaysia chỉ cho phép kinh doanh dịch vụ bảo hiểm thông qua hình thức công ty Bảo hiểm gốc. Kinh doanh bảo hiểm đầu tư liên kết và sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mới do các công ty Bảo hiểm gốc cung cấp phải được chấp thuận. Công ty bảo hiểm nước ngoài phải thành lập trong nước phù hợp với Đạo luật dịch vụ tài chính Malaysia.
Tại Brunei, hiện diện thương mại do cơ quan Giám sát tiền tệ Brunei chấp thuận với hình thức công ty thành lập trong nước hoặc chi nhánh nước ngoài.
Về di chuyển thể nhân
Các nước đều chưa cam kết đối với phương thức di chuyển thể nhân tại cả ba lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
Để thúc đẩy hội nhập sâu hơn, các nước ASEAN đã ký kết và triển khai Hiệp định công nhận lẫn nhau (MRA) đối với một số chuyên ngành dịch vụ và sẽ tiếp tục mở rộng đàm phán các MRA mới trong tương lai nhằm tạo thuận lợi cho sự di chuyển của người lao động có tay nghề. Các MRA được ký kết sẽ công nhận bằng cấp, trình độ của lao động có kỹ năng trong ASEAN ở 8 lĩnh vực, trong đó có một số lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Động thái này sẽ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của thể nhân trong thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư như tạo thuận lợi cấp visa, cấp phép lao động ASEAN, hài hòa hóa các quy định liên quan đến năng lực, chuyên môn, từ đó tạo ra sự tự do lưu chuyển cho các lao động kỹ năng trong ASEAN.
Hoàn thiện chính sách là ưu tiên hàng đầu trong quá trình tự do hóa thị trường dịch vụ tài chính
Tự do hóa dịch vụ tài chính mang lại những cơ hội cũng như thách thức đối với các nước ASEAN. Một mặt, tự do hóa giúp gỡ bỏ các rào cản để thúc đẩy lưu chuyển các luồng vốn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thương mại dịch vụ và tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, việc mở cửa thị trường dịch vụ tài chính cũng tạo ra những thách thức đối với các nước khi phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, chưa có kinh nghiệm hoạt động, trình độ quản lý yếu kém, hạn chế về công nghệ tài chính ngân hàng nên khó có thể cạnh tranh với các nước phát triển.
Do đó, để thực hiện lộ trình tự do hóa dịch vụ tài chính và đạt trình độ phát triển sánh ngang với các quốc gia tiên tiến trên thế giới, ASEAN cần phải không ngừng nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính, đi cùng với kiện toàn hệ thống pháp luật mỗi quốc gia để đạt được sự thống nhất cao về khung pháp lý khu vực; từ đó tạo sự kết nối giữa các nước vì sự khác biệt về quy định pháp luật làm tăng chi phí các dịch vụ xuyên biên giới, đồng thời chi phí phải bỏ ra để tuân thủ các quy định khác nhau cũng sẽ tăng lên và có thể gây cản trở đến khả năng hội nhập thị trường nội khối ASEAN.
Đối với Việt Nam, bên cạnh những cơ hội mang lại cho thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam, tự do hóa dịch vụ tài chính cũng mang lại những thách thức nhất định và Việt Nam cần hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý để có những thay đổi về mặt thể chế chính sách phù hợp với chính sách tự do hóa của khu vực.
Đối với ngành bảo hiểm, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về cả phía cơ quan quản lý và doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, Bộ Tài chính đang trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tạo hành lang pháp lý minh bạch, vững chắc cho thị trường phát triển bình đẳng, bền vững, đảm bảo không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cùng với đó, cơ chế chính sách sẽ được xây dựng theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính, tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản phẩm bảo hiểm mới, kênh phân phối mới, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các công nghệ hiện đại để tiếp cận rộng hơn tới mọi đối tượng khách hàng.
Đối với thị trường chứng khoán, hiện Bộ Tài chính đang tiến hành hoàn thiện cấu trúc thị trường chứng khoán và hoàn thiện thể chế. Đối với tái cấu trúc thị trường, tập trung tái cơ cấu 04 trụ cột chính, bao gồm tái cấu trúc cơ sở hàng hóa, tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư, tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tái cấu trúc hệ thống tổ chức thị trường chứng khoán.
Về hoàn thiện thể chế, tiếp tục nghiên cứu để sửa Luật Chứng khoán, đặc biệt là các quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng, niêm yết, giao dịch, mô hình tổ chức kinh doanh chứng khoán, chứng khoán hóa, tổ chức tự quản, quỹ đầu tư.
Đồng thời, xây dựng và triển khai hoạt động công bố thông tin cho các công ty đại chúng theo chuẩn mực quốc tế; nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường; tăng cường năng lực quản lý, giám sát thị trường cũng là những chính sách cần thiết để thực hiện.
Ngoài ra, để đạt được mục tiêu tiến tới thị trường chứng khoán chung của khu vực và chiếm tỷ trọng vốn hóa cao, cần có sự kết nối, hợp tác chặt chẽ giữa thị trường chứng khoán các nước ASEAN thông qua sự thống nhất về khung pháp lý giữa các quốc gia để xóa bỏ dần các rào cản.
Đối với thị trường ngân hàng, với chức năng là nơi cung cấp vốn cho nền kinh tế, thị trường ngân hàng khu vực hiện đang được các nước ASEAN chú trọng cải cách, trong đó trọng tâm là cải cách hệ thống ngân hàng các quốc gia, giảm rủi ro hệ thống và nợ xấu, xây dựng sự liên kết chặt chẽ giữa thị trường ngân hàng và thị trường vốn.