Hội nghị lần thứ 4 Nhóm Tư vấn khu vực châu Á của Uỷ ban Ổn định Tài chính

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài chính

(Tài chính) Ngày 28/3/2013 tại Kuala Lumpur, Thủ đô của Malaysia đã diễn ra cuộc họp lần thứ 4 Nhóm Tư vấn Khu vực Châu Á của Uỷ ban Ổn định Tài chính (FSB) dưới sự đồng chủ trì của hai nước Hàn Quốc (thành viên G20) và Malaysia (không phải thành viên G20). Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính và Cơ quan Giám sát Tài chính của 13/16 nền kinh tế thành viên của Nhóm cùng các đại diện đến từ FSB.

Hội nghị lần thứ 4 Nhóm Tư vấn khu vực châu Á của Uỷ ban Ổn định Tài chính
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Trong năm 2011, sáu nhóm tư vấn khu vực của FSB đã được thành lập tại các khu vực khác nhau trên toàn cầu theo lời kêu gọi của lãnh đạo G20 tại Hội nghị Thượng đỉnh Toronto (tháng 6/2010) nhằm tập hợp các Cơ quan Giám sát Tài chính của các nền kinh tế thành viên và không thành viên G20 để trao đổi quan điểm về các vấn đề dễ bị tổn thương tác động đến hệ thống tài chính và các sáng kiến thúc đẩy ổn định tài chính. Với tư cách là thành viên của Nhóm, ông Nguyễn Bá Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế đã đại diện Bộ Tài chính Việt Nam tham dự Hội nghị.

Tại hội nghị, các thành viên của Nhóm bắt đầu bằng việc xem xét các ưu tiên chính sách và kế hoạch hành động của FSB, thảo luận các vấn đề dễ bị tổn thương và sự ổn định của tài chính khu vực. Đặc biệt, Hội nghị đã trao đổi kỹ về tác động của tăng trưởng tín dụng kéo dài, rủi ro kéo theo về giá tài sản và các giải pháp chính sách. Các đại biểu cũng đã có phiên thảo luận về tác động thị trường và tài trợ nảy sinh từ sự đảo ngược của các dòng luôn chuyển vốn.

Hội nghị cũng xem xét tác động của khuôn khổ dành cho các định chế tài chính quan trọng về mặt hệ thống (SIFIs) và cơ cấu của hệ thống cấp vốn phi ngân hàng ở Châu Á. Tại phiên họp cuối cùng, Hội nghị đã trao đổi về tác động của các vấn đề quy chế và những cải cách nảy sinh từ khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như ý nghĩa của những cải cách này đối với khu vực.

Về việc này, các đại biểu đã tập trung vào cải cách trong các khu vực: (1) yêu cầu thanh khoản theo Basel III sửa đổi, (2) quản trị rủi ro trong các định chế tài chính và các phát kiến của FSB trong báo cáo đánh giá tổng hợp sâu về quản trị mới được xuất bản, và 3/phương pháp luận đánh giá việc thực hiện các thuộc tính cơ bản của cơ chế quyết định hiệu quả đối với các định chế tài chính do FSB xây dựng và tình hình thực hiện tại khu vực.

Về hoạt động của Nhóm, Hội nghị đã thảo luận các nội dung liên quan đến quy trình hoạt động bao gồm các quy đinh về triệu tập cuộc họp, số lượng đại biểu, cơ chế lựa chọn thành viên chủ trì, thiết lập bộ phận thư ký, thành lập các nhóm công tác, gia tăng thành viên và cơ chế ra quyết định của Nhóm.

Tại Hội nghị, đại diện của Bộ Tài chính Việt Nam đã tham gia tất cả các phiên họp, bày tỏ sự ủng hộ của Việt Nam đối với các tiến triển trong hoạt động gần đây của Nhóm. Nội dung Hội nghị rất phong phú, các tài liệu đều được chuẩn bị kỹ, có nhiều bài trình bày đưa ra các phân tích sâu về các vấn đề tài chính đang được quan tâm ở từng nền kinh tế thành viên cũng như đối với cả khu vực.

Đặc biệt, Việt Nam quan tâm đến các báo cáo nghiên cứu sơ bộ về các định chế tài chính quan trọng về mặt hệ thống (SIFIs) và cơ cấu của hệ thống cấp vốn phi ngân hàng ở Châu Á cũng như các kiến nghị về giải pháp chính sách. Đại diện của FSB đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam vào Nhóm Tư vấn Khu vực Châu Á và bày tỏ sự quan tâm đến những chính sách kinh tế tài chính gần đây của Chính phủ Việt Nam. FSB mong muốn Việt Nam có bài tham luận chính thức tại cuộc họp lần sau.