Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 17

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Trong hai ngày 27 và 28/11/2013 tại Thượng Hải, Trung Quốc đã diễn ra Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 (AFDCM+3) lần thứ 17.

Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 17
Các đại biểu tham dự hội nghị. Nguồn: mof.gov.vn

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Tài chính, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước trong khu vực ASEAN+3; đại diện Văn phòng Giám sát kinh tế vĩ mô (AMRO), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, đoàn đại biểu Bộ Tài chính Việt Nam do Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Nguyễn Bá Toàn dẫn đầu đã tham dự Hội nghị.

Dưới sự đồng chủ tọa của Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc và Thứ trưởng Tài chính Brunei, hội nghị đã tập trung thảo luận về tình hình kinh tế, tài chính thế giới và khu vực, kiểm điểm việc triển khai thực hiện các sáng kiến hợp tác tài chính trong khu vực ASEAN+3 như Sáng kiến Phát triển thị trường trái phiếu Châu Á (ABMI), Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), Nhóm Nghiên cứu ASEAN+3 và các giải pháp chính sách nhằm đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hợp tác tài chính khu vực trong thời gian tới.

Đánh giá tình hình phát triển kinh tế tài chính khu vực

Trong phiên họp này, Hội nghị đã nghe báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô và tình hình hội nhập khu vực do đại diện của ADB, IMF và AMRO trình bày.

Theo IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 tuy có một số thay đổi tích cực nhưng còn thấp, dự đoán chỉ đạt 2,9% thấp hơn 0,2% so với dự báo trước đó. Kinh tế khu vực Eurozone giảm 0,4% và dự báo tăng trưởng trở lại vào năm 2014. Kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,6% năm 2013 và 2,6% năm 2014. IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Nhật Bản là 2,0% và 1,2% năm 2013, 2014. Tăng trưởng của Trung Quốc là 7,6% năm 2013 và giảm xuống 7,3% năm 2014.

Cùng với sự phục hồi chậm chạp của các nền kinh tế và sự suy giảm của kinh tế khu vực Eurozone, tăng trưởng của khu vực Châu Á và các nền kinh tế mới nổi - vốn được coi là đầu tàu cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu - cũng tăng trưởng chậm lại bởi các thách thức thay đổi cấu trúc kinh tế và mô hình tăng trưởng.

Theo ADB, tăng trưởng kinh tế khu vực Châu Á năm 2013 sẽ ở mức 5-6% và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài khóa và tiền tệ do những bất ổn từ thị trường tài chính khu vực và quốc tế. Mức tăng trưởng “chậm hơn kỳ vọng” ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia hoặc Nhật Bản sẽ gây ảnh hưởng lớn tới các nền kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, ADB nhận định khá tích cực khi cho rằng kinh tế các nước trong khu vực ASEAN+3 vẫn phát triển tốt, đặc biệt là Việt Nam (vừa giữ được các nhân tố căn bản của nền kinh tế, vùa tăng cường được các hoạt động kinh tế).

Số liệu của ADB cho thấy, kể từ khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, giao dịch thương mại trong khu vực tăng 55%, đầu tư FDI tăng 51% và mặc dù thị trường cổ phiếu giảm 25% nhưng dòng vốn trái phiếu xuyên biên giới tăng 12% phần lớn nhờ các nỗ lực của sáng kiến Phát triển Thị trường Trái phiếu (ABMI). Nhìn chung ADB cho rằng tiến trình hội nhập kinh tế khu vực vẫn tiến triển dù chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới và có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế khu vực.

Kết quả khả quan từ đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai

Các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 vui mừng ghi nhận những kết quả đạt được trong Đa phương hoá Sáng kiến Chiềng Mai và hy vọng các nước sớm hoàn tất ký kết Thỏa Thuận đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) sửa đổi bổ sung để thêm chức năng phòng ngừa khủng hoảng nhằm tăng cường mạng lưới an ninh tài chính như là một cơ chế tự vệ và củng cố niềm tin của thị trường đối với kinh tế khu vực.

Hội nghị cũng thông qua cấu trúc của bản Hướng dẫn hoạt động sửa đổi, kế hoạch hành động và các cơ chế tiên quyết phù hợp với Thỏa thuận CMIM sửa đổi và hoan nghênh kết quả ban đầu đáng khích lệ của cơ chế thử nghiệm vận hành CMIM trong trường hợp khẩn cấp. Hội nghị ghi nhận tiến độ thảo luận đối với ba đề xuất nghiên cứu của Trung Quốc và Hàn Quốc trong khuôn khổ CMIM về “Đóng góp CMIM bằng đồng nội tệ”, “Luân chuyển vốn và các biện pháp chính sách” và “Thúc đẩy hợp tác giữa CMIM và IMF”.

Các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc đánh giá cao nỗ lực của các nước thành viên đã tích cực triển khai thủ tục phê duyệt trong nước đối với Hiệp định nâng vị trí pháp lý của AMRO thành một tổ chức quốc tế và hy đề nghị các nước sớm hoàn tất thủ tục phê duyệt để Hiệp định AMRO được ký kết trong thời gian sớm nhất.

Hội nghị cũng thông qua chương trình hoạt động và ngân sách năm 2014 của AMRO, đồng thời ghi nhận các chỉ số đánh giá chính sách tài khóa và tiền tệ của các nước trong khu vực của AMRO dựa trên ma trận giám sát kinh tế vĩ mô (ERPD Matrix).

Phát triển sâu rộng thị trường trái phiếu Châu Á

Về nội dung phát triển thị trường trái phiếu, các nước trong khu vực tiếp tục cam kết thực hiện những nỗ lực của mình nhằm phát triển sâu rộng và có hiệu quả các thị trường trái phiếu nội địa. Ở cấp độ khu vực, sau hai năm hoạt động, Quỹ Bảo lãnh Tín dụng và Đầu tư CGIF tới nay đã tiến hành thành công cấp bảo lãnh tín dụng cho giao dịch phát hành trái phiếu tương đương 100 triệu USD với lãi suất 3,55% kỳ hạn 03 năm tại Thái Lan của Tập đoàn Noble, Hồng Kông và dự kiến phát hành bảo lãnh (52 triệu USD) cho Công ty Inđônêsia phát hành trái phiếu nội tệ đồng Rupia.

 Trong thời gian tới, các nước sẽ tiếp tục tiến hành các nghiên cứu về các công cụ tài chính mới, huy động vốn cho các dự án tài trợ cơ sở hạ tầng và tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau để phát triển các thị trường trái phiếu nội địa. Thông tin thường xuyên về tình hình phát triển thị trường trái phiếu của từng nước thành viên được cập nhật thường xuyên trên trang web Asian Bond Online là kênh thông tin trực tuyến tiếp cận với các nhà đầu tư có tổ chức trong khu vực.

Các Thứ trưởng và Phó Thống đốc cũng ghi nhận báo cáo và các khuyến nghị chính sách của Diễn đàn Phát triển thị trường trái phiếu (ABMF), nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công tư qua cơ chế gặp gỡ giữa các thành viên thị trường và các nhà hoạch định chính sách. Hội nghị cũng hoan nghênh báo cáo đánh giá khả thi thành lập Trung gian Thanh toán bù trừ khu vực (RSI) và quy trình liên quan việc thành lập RSI dựa trên sự tham gia tự nguyện của các nước thành viên.

Các kết quả từ chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ JAFTA (Nhật Bản) với hai đơn vị tư vấn là Việt Nghiên cứu Nomura và Viện Nghiên cứu Daiwa dành cho các nước Indonesia, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam, đã góp phần thu hẹp sự chênh lệch phát triển giữa các thị trường trái phiếu trong khu vực. 

Hội nghị đánh giá cao nỗ lực và ghi nhận những kết quả nghiên cứu của Nhóm Nghiên cứu đối với các chủ đề năm 2013/2014 gồm (i) Khuyến nghị chính sách để mở rộng thị trường chứng khoán hóa tại các nước ASEAN+3 do Viện Nghiên cứu Nhật Bản và Philippine chủ trì; và (ii) Báo cáo phân tích SWOT về Cơ sở hạ tầng thị trường vốn trong các nước ASEAN+3 và các khuyến nghị chính sách do Viện nghiên cứu Tài chính Hàn Quốc và Indonesia chủ trì.

Chú trọng ưu tiên trong tương lai của quá trình hợp tác tài chính ASEAN+3

Hội nghị hoan nghênh tiến độ nghiên cứu giai đoạn II đối với 03 lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác tài chính ASEAN+3: (i) Tài trợ cơ sở hạ tầng, cụ thể là thúc đẩy hợp tác công tư PPP trong phát triển cơ sở hạ tầng, (ii) Bảo hiểm rủi ro thảm họa, và (iii) Sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại nội khối. Đây là những lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng trưởng bền vững của kinh tế khu vực.

Hội nghị AFDCM+3 lần thứ 17 đã thành công tốt đẹp. Hội nghị lần tới năm 2014 sẽ được tổ chức tại Myanmar, do Nhật Bản và Myanmar đồng chủ trì.