Hội nghị thường niên Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền 2016 bị hủy bỏ do lo ngại khủng bố
Theo kế hoạch, từ ngày 23 - 28/7/2016 tại TP. Dhaka, Bangladesh sẽ diễn ra Hội nghị thường niên Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) lần thứ 19. Song, do lo ngại những cuộc tấn công khủng bố có dấu hiệu gia tăng tại Dhaka trong thời gian gần đây, nên Hội nghị APG bị hủy bỏ, theo trang mạng the Dailystar.net ngày 12/7.
Trong một công bố của APG cho hay, từ ngày 23-28/7/2016, tại Dhaka sẽ diễn ra Hội nghị thường niên APG lần thứ 19. Tất cả công tác chuẩn bị đã được hoàn tất, song cuộc tấn công Gulshan vừa qua đã khiến kế hoạch về hội nghị này phải thay đổi và lùi thời gian tổ chức Hội nghị vào tháng 9/2016 tại Mỹ.
Hội nghị thường niên APG lần thứ 19 sẽ được tổ chức tại Mỹ vào tháng 9 tới. Đây là lần đầu tiên Hội nghị thường niên APG bị hủy bỏ trong lịch sử gần 20 năm thành lập.
“Hội nghị thường niên APG 2016 đã bị hủy bỏ sau khi hầu hết các quốc gia thành viên của tổ chức này lo ngại về vấn đề an ninh ở Bangladesh”, The Daily Star cho biết.
Điều đáng nói, việc hủy bỏ một hội nghị quan trọng này không chỉ làm tổn hại đến hình ảnh của đất nước Bangladesh, mà còn gây thiệt hại đáng kể về thu nhập của các khách sạn tại Dhaka, nơi hàng trăm đại biểu nước ngoài đặt phòng nghỉ.
Theo một quan chức, APG 2016 có khoảng 350 khách mời đến từ 49 quốc gia đã xác nhận tham dự Hội nghị, công tác đặt phòng khách sạn đã được hoàn tất. Hơn nữa, địa điểm diễn ra Hội nghị đã được ban tổ chức đặt trước.
Hội nghị thường niên APG 2016 cung cấp thông tin hữu ích cho khu vực kinh tế tư nhân để đưa ra những cảnh báo về phòng chống rửa tiền quốc tế.
APG là một tổ chức hợp tác quốc tế độc lập được thành lập vào năm 1997. Tổ chức này có 41 quốc gia thành viên và một số nhà quan sát quốc tế và khu vực, bao gồm cả Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế và Đơn vị tình báo tài chính Egmont (Nhóm Egmont).
APG có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thực thi có hiệu quả các tiêu chuẩn quốc tế về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, đặc biệt là các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền./.