Nhận diện nguy cơ rửa tiền qua các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

PV.

Trong những năm gần đây thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển mạnh mẽ, với số lượng khách hàng VIP cùng các hợp đồng “khủng” ngày càng tăng. Đối với những hợp đồng lớn cũng chứa đựng nhiều rủi ro và quan ngại trong công tác phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố trong lĩnh vực bảo hiểm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, năm 2015, phí bảo hiểm bình quân hợp đồng khai thác mới của bảo hiểm nhân thọ ước đạt 9,62 triệu/hợp đồng, tăng 12,42% so với cùng kỳ năm 2014. Phí bảo hiểm bình quân của một hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp là 9,60 triệu đồng/hợp đồng, một hợp đồng liên kết đầu tư là 12,53 triệu đồng, hợp đồng tử kỳ là 1,18 triệu đồng.

Trong những năm gần đây, thị trường bảo hiểm nhân thọ chứng kiến sự bùng nổ của những hợp đồng bảo hiểm có mệnh giá bảo vệ từ 5 tỷ đồng, 7 tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng và đến nay, sự phát triển của phân khúc khách hàng này đã không còn là điều quá ngạc nhiên với các công ty bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm dường như đang đón nhận một lượng khách hàng có nhu cầu bảo vệ lớn hơn rất nhiều. Theo một số chuyên gia trong ngành bảo hiểm, số lượng khách hàng VIP của các công ty bảo hiểm sẽ được mở rộng nhanh chóng và khách hàng VIP sẽ tạo thành một phân khúc thị trường rõ ràng mà các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tập trung hướng đến.

Những tín hiệu lạc quan trên thị trường bảo hiểm nhân thọ cũng đặt ra những thách thức lớn đối với công tác phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm. Bởi lẽ, việc phát triển phân khúc khách hàng có nhu cầu bảo vệ với mệnh giá “khủng” đi kèm các điều kiện dịch vụ chăm sóc đặc biệt… cũng được các công ty bảo hiểm nhân thọ khá cân nhắc. Có nhiều lý do để các công ty bảo hiểm cần phải rất cẩn trọng khi quyết định ký những hợp đồng như vậy. Ngoài nguyên tắc cơ bản, mệnh giá cao đương nhiên rủi ro cũng rất cao, thì những hợp đồng lớn như vậy theo quy định các công ty bảo hiểm cũng phải tái bảo hiểm. Như vậy, phần giữ lại thực tế cũng không cao, trong khi chi phí dịch vụ cho những khách hàng như vậy khá lớn.

Đặc biệt là, những hợp đồng bảo hiểm mệnh giá rất cao khi mới xuất hiện ở thị trường Việt Nam cũng có những nghi ngại về vấn đề rửa tiền. Tại hội nghị tập huấn về phòng chống rửa tiền do một ngân hàng thương mại tổ chức trước đó, đã có những cảnh báo, tội phạm rửa tiền thường nhắm vào hệ thống tài chính – ngân hàng để biến số tiền có nguồn gốc bất minh thành tiền sạch.

Theo đánh giá của tổ chức Ernst&Young, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể bị lợi dụng làm phương tiện rửa tiền thường nằm trong các trường hợp: tiền phí bảo hiểm được đem đi đầu tư; các đơn bảo hiểm nhân thọ với một mức phí duy nhất có bản chất lưu giữ giá trị tiền mặt; bảo hiểm niên kim cố định hoặc thay đổi; hay đơn bảo hiểm chuyển nhượng được và có thể dùng để thế chấp ngân hàng…

Đồng thời, các công ty bảo hiểm cũng có thể nghi ngờ một số loại dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ đã bị hoạt động rửa tiền lợi dụng nếu phát hiện việc đòi bồi thường số tiền khổng lồ hoặc cho những vụ được dàn dựng. Chẳng hạn, cố ý gây ra hỏa hoạn hay các cách khác để đòi bồi thường nhằm thu hồi một phần số tiền bất hợp pháp đã đầu tư; việc hủy hợp đồng bảo hiểm để lấy lại phí bảo hiểm bằng séc của công ty bảo hiểm hoặc như việc trả quá số tiền phí bảo hiểm, sau đó yêu cầu trả lại số tiền đóng quá… là những dấu hiệu đáng ngờ.

Hiện nay, hoạt động rửa tiền qua các hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đang có nguy cơ cao. Các cơ quan chức năng cũng từng nhận định, dù số hợp đồng bảo hiểm có dấu hiệu rửa tiền bị phát hiện còn rất ít, nhưng nguy cơ rửa tiền qua các hợp đồng bảo hiểm là không nhỏ.

Dù vậy, đây cũng không phải là yếu tố khiến các công ty bảo hiểm nhân thọ lo ngại, bởi việc kiểm soát “đầu vào” trước khi cấp đơn bảo hiểm được các công ty bảo hiểm thực hiện khá nguyên tắc. Bởi với những hợp đồng chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi bị hủy, cũng thường bị đưa vào diện nghi vấn rửa tiền. Tuy nhiên, khả năng này cũng rất thấp, thông thường, khách hàng hủy hợp đồng là do bị tăng phí bảo hiểm sau khi có kết quả về khám sức khỏe.

Hơn nữa, ngoài quy định riêng rất nghiêm ngặt của từng công ty bảo hiểm, các cơ quan chức năng cũng có những quy định bắt buộc phải thực hiện đối với những hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn, có số phí bảo hiểm đóng cao ở một mức nhất định là phải báo cáo lên Cục Phòng chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước để thẩm định kiểm tra.

“Thực tế, ngoài việc kiểm soát vấn đề rửa tiền, điều khiến các công ty bảo hiểm lo ngại còn là vấn đề trục lợi bảo hiểm với những hợp đồng có mệnh giá lớn và hiệu quả thực tế mà những hợp đồng này mang lại”, một chuyên gia trong ngành chia sẻ.