Hội nghị trực tuyến ngành Tài chính quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII

PV.

Sáng ngày 6/1/2017, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến ngành Tài chính quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) “ Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đến toàn thể cán bộ, đảng viên tại 63 điểm cầu trên toàn quốc.

Hội nghị trực tuyến ngành Tài chính quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII    - Ảnh 1

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến ngành Tài chính quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII).

Hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) để các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ngành Tài chính nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung cơ bản của Nghị quyết; nắm vững những quan điểm chỉ đạo, những công việc cần triển khai trong tổ chức thực hiện; Tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động; Đề cao trách nhiệm, gương mẫu, tự giác thực hiện, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết có hiệu quả. 

Tại Hội nghị, thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trình bày 5 nội dung lớn của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đó là: Vì sao Ban Chấp hành Trung ương phải tiếp tục ban hành Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Mục đích, yêu cầu, phạm vi của Nghị quyết; Những nội dung cơ bản của Nghị quyết; Dự báo một số khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết; Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính. 

Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là đòi hỏi khách quan và nhiệm vụ thường xuyên để củng cố, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền; Vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng luôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta. 

Đồng chí Đinh Tiến Dũng đánh giá, tình hình kinh tế trong nước tuy đạt được một số kết quả tích cực như ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng khá, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá, lãi suất ổn định, xóa đói, giảm nghèo đạt được những bước tiến nhất định, nhưng vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Hiện nay yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước ta hết sức khó khăn và nặng nề, đòi hỏi Đảng phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu nhiều hơn nữa.

Hội nghị trực tuyến ngành Tài chính quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII    - Ảnh 2

Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là đòi hỏi khách quan và nhiệm vụ thường xuyên để củng cố, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng.

Nhằm quán triệt sâu sắc những nội dung đổi mới của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng bộ Bộ Tài chính xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với ngành Tài chính đó là:

Thứ nhất: Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 04-NQ/TW theo kế hoạch hàng năm tại tất cả các cấp ủy đảng, các tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, đối với toàn thể đảng viên, công chức, viên chức và người lao động của ngành Tài chính.

Thứ hai: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn thể các tổ chức đảng thuộc ngành Tài chính về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ ba: Tích cự rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp với Nghị quyết Trung ương 04-NQ/TW về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ; các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế “xin, cho”, “duyệt-cấp”, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, tài chính, thuế, hải quan...

Thứ tư: Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế và thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế theo Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Thứ năm: Đẩy mạnh thực hiện các quy định về đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Cụ thể, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5/9/20116 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính các cấp; Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 7/11/2016 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính khi thi hành công vụ.

Thứ sáu: Phát huy vai trò của Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội; Xây dựng quy định về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.