Hội nhập AEC: Muốn chơi phải "dựa hơi" ông lớn
(Taichinh) - Với độ mở của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cùng việc tham gia các hiệp định thương mại, DN Việt Nam được xem là có nhiều lợi thế nhất trong khu vực để tận dụng các cơ hội. Tuy nhiên, với đa phần là DN nhỏ và vừa, sức cạnh tranh yếu, các chuyên gia cho rằng DN cần có chiến lược liên kết với DN ngoại và linh hoạt trong việc chuyển hoá thách thức.
Bán lẻ không những là một trong những ngành chịu sức ép và cạnh tranh nhiều nhất khi cuối năm nay, những rào cản về mở cửa thị trường chính thức bị gỡ bỏ theo AEC. Thực trạng này được chỉ ra tại Hội thảo Cộng đồng Kinh tế Asean: Cơ hội và thách thức đối với DN Việt Nam do BIDV tổ chức ngày 10/6.
Là một trong những DN hàng đầu trong ngành phân phối, bán lẻ Việt Nam, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, đã bày tỏ nỗi lo lắng khi "không thể hình dung nổi điều gì sẽ xảy ra", thị trường bán lẻ Việt Nam sau năm 2015 sẽ ra sao, nếu những rào cản về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) cho các nhà đầu tư ngoại bị gỡ bỏ. Thị trường sẽ có sự tham gia nhiều hơn của các DN ngoại, trong khi sức cạnh tranh của khối DN bán lẻ trong nước, dù đã vươn lên, cũng không "thấm vào đâu" so với các ông lớn nước ngoài.
Lo ngại nhiều sức ép
Nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam là hệ thống SaigonCo.op – chủ sở hữu chuỗi siêu thị Co.opMart có số vốn khoảng hơn 1.000 tỷ đồng (khoảng 50 triệu USD), trong khi lợi nhuận một quý của Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Wallmart đã là 5 tỷ USD. Rõ ràng DN Việt Nam không thể cạnh tranh với nước ngoài bởi sự "chênh lệch" quá lớn.
Nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon cho biết đến năm 2020 sẽ xây dựng ít nhất 10 đại siêu thị, với số vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD cho mỗi siêu thị và lợi nhuận khoảng 1%.
Ông Đoàn tính toán, đối với các DN Việt Nam, việc thực hiện kế hoạch này sẽ khó khả thi khi mà vốn vay trung và dài hạn hiện nay ở mức trung bình 8 – 10%, rất khó để có thể huy động được 2 tỷ USD để xây dựng các chuỗi siêu thị như DN FDI.
Do đó, có không ít DN bán lẻ đã phải "loay hoay" tìm cách hợp tác với các ông lớn ngoại như Fivimart, Citimart liên doanh với Aeon, Nguyễn Kim bán cổ phần cho Central group…
Cán cân thương mại Việt Nam - ASEAN
Tuy nhiên, điều mà vị Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái lo lắng không phải chỉ riêng của ngành phân phối, mà đằng sau câu chuyện cạnh tranh của DN bán lẻ, chính là "số phận" của hàng loạt các ngành liên quan như sản xuất, hàng tiêu dùng, bao bì, vận chuyển…
Ông Đoàn e ngại rằng, cùng với sự thâm nhập mạnh mẽ của các nhà bán lẻ nước ngoài vào thị trường, các sản phẩm hàng hoá của Việt Nam sẽ không còn chỗ đứng trên các quầy kệ siêu thị.
Đại diện DN này chỉ ra thực tế là để lên được kệ siêu thị, không ít DN sản xuất đã phải chịu cảnh "o ép", với hàng loạt các yêu cầu từ nhà phân phối như hỗ trợ trưng bày, vốn, đổi hàng, lưu kho, khuyến mãi…
Dẫn chứng, mặc dù là thương hiệu lớn thứ hai trong ngành may mặc, song May Nhà Bè cũng phải chịu cảnh sống "leo lắt" khi nhà bán lẻ đặt ra quá nhiều yêu cầu khiến cho DN này không thể có lãi khi bán hàng trong siêu thị. Ông Jeffrey, Giám đốc Deloitte Singapore, cũng cho rằng khi thị trường rộng mở sẽ mở ra nhiều cơ hội cho DN, song đi kèm với đó là các thách thức. Bởi hiện nay, nhận thức của DN Việt Nam về AEC nói riêng và DN trong ASEAN nói chung còn rất hạn chế, khi chỉ có 40% DN Việt Nam và hơn 60% DN ASEAN hiểu về AEC.
Đây là thách thức lớn đặt ra khi những lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam sẽ không còn phát huy tác dụng và Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, khi nguồn nhân lực chất lượng cao và năng suất đang ở mức thấp trong khu vực. Bày tỏ nỗi lo ngại về năng suất, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức rất thấp, gần như thấp nhất trong khu vực, ông Cấn Văn Lực, Hàm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng đây là "nút thắt" khiến cho DN Việt Nam chưa tận dụng tốt cơ hội mà thị trường ASEAN mang lại.
Tác động tới nhiều ngành
Ông Lực dẫn chứng, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa các nước trong khối chiếm khoảng 24% trong quan hệ thương mại, song kim ngạch xuất ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước ASEAN chỉ chiếm khoảng 15%. Đáng chú ý, tăng trưởng XK giữa các nước trong khối đạt mức 14% nhưng giữa Việt Nam với ASEAN chỉ đạt mức tăng khoảng 3%.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, khi thị trường AEC hình thành thì hoạt động trong nội khối chỉ chiếm 20 – 25% quan hệ thương mại và đầu tư.
Trong khi Việt Nam là nước có quan hệ hội nhập sâu rộng nhất trong khối ASEAN, khi ký kết hiệp định thương mại tự do với nhiều nước lớn như EU, Mỹ, Liên minh Hải Quan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Do vậy, khi AEC hình thành Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất khi tận dụng độ mở của AEC để đón bắt các cơ hội thị trường.
Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng khi AEC chính thức được hình thành vào cuối năm nay, thị trường sẽ rộng mở và tác động đến nhiều ngành.
Những ngành có sự bảo hộ lớn của Nhà nước sẽ chịu sức ép lớn như ngành thép, ô tô, chăn nuôi… Song với những ngành có độ mở cao như dệt may, da giày, thuỷ sản, trồng trọt, thủ công mỹ nghệ…; các ngành phục vụ nhu cầu tiêu dùng như du lịch, tiêu dùng nhanh…; các ngành tiềm năng như nông nghiệp, logistics, hạ tầng cảng biển, sân bay, đường xá…; ngành kinh tế mới gắn với công nghệ như dược phẩm, thương mại điện tử, kinh doanh xanh… cũng sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ khi hội nhập sâu rộng.
Các dòng thuế quan sẽ dần được gỡ bỏ, nhưng để tận dụng được các cơ hội thì DN cần phải đáp ứng các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật, tỷ giá, quyền sở hữu trí tuệ, mạng phân phối.
Theo các chuyên gia và DN, trong bối cảnh phần lớn các DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, với sức cạnh tranh hạn chế, hội nhập sâu rộng cùng sự thâm nhập mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là sức ép lớn cho DN. Do đó để tồn tại, bên cạnh việc DN tự nâng cao năng lực cạnh tranh, thì cần phải có chiến lược kinh doanh linh hoạt, chủ động liên doanh, liên kết với DN nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và năng lực quản lý, vận hành.
Bên cạnh đó, các chính sách của Nhà nước cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển của DN, tháo gỡ khó khăn về thị trường; hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh qua các chính sách thuế, lãi suất, vốn; giải quyết vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, vấn nạn hàng giả, hàng nhái…
Ông Lê Triệu Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)