Hội nhập với tâm thế chủ động

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Ngoài những đòi hỏi sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách, chính bản thân các doanh nghiệp cũng cần tạo cho mình tâm thế chủ động để cải thiện và ứng phó với sức ép cạnh tranh, tận dụng tối đa các cơ hội và thách thức đặt ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ hội mới cho các doanh nghiệp

Với những thành tựu đã đạt được về kinh tế trong thời gian qua, có thể nói AEC là bước phát triển cao mới của liên kết kinh tế giữa các nước Đông Nam Á. Tính đến tháng 4.2015, tỷ lệ thực thi AEC của ASEAN là 90,5% với những kết quả đáng ghi nhận về tự do hóa thương mại và tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực: 99,2% số dòng thuế của các nước ASEAN-6 và 90,85% số dòng thuế của các nước CLMV đã được xóa bỏ thuế nhập khẩu; các nước đã phê chuẩn để tiến hành thực thi Hiệp định Hải quan ASEAN mới đã được ký kết năm 2012 nhằm thay thế cho Hiệp định ký năm 2007; cơ chế hải quan một cửa ASEAN và hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN, tiến tới ký kết Nghị định thư về khung pháp lý thực thi Cơ chế hải quan một cửa ASEAN vào nửa đầu năm 2015… Các kết quả này góp phần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý trong ASEAN.

AEC mở ra cho các doanh nghiệp cơ hội phát triển thị trường rộng lớn với hơn 600 triệu dân, khuyến khích sự năng động của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh cởi mở, thuận lợi và minh bạch hơn. AEC cũng là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp tăng cường kết nối sức mạnh kinh doanh. Cùng với đó, thách thức cơ bản mà các doanh nghiệp phải đối mặt là khả năng nắm bắt cơ hội kinh doanh và đầu tư trong tình hình mới với áp lực cạnh tranh lớn hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đổi mới, điều chỉnh hoạt động kinh doanh, cơ cấu doanh nghiệp, phương thức kinh doanh truyền thống.

Lợi thế được hưởng ưu đãi khi gia nhập AEC

Do chênh lệch về trình độ phát triển, Việt Nam cùng Campuchia, Lào, Myanma được hưởng một số đãi ngộ từ ASEAN để hỗ trợ việc thực thi AEC. Đó là ưu đãi về lộ trình mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực dài hơn so với 6 nước thành viên cũ của ASEAN, cụ thể là Việt Nam được linh hoạt bảo lưu 7% số dòng thuế đến năm 2018 và không phải đàm phán với các nước ASEAN khác.

Theo đó, từ năm 2018 trở đi, 7% số dòng thuế nêu trên sẽ được cắt giảm xuống 0% (trừ mặt hàng xăng dầu có lộ trình riêng), những ngành hàng chịu tác động lớn nhất từ việc xóa bỏ thuế quan là ô tô, động cơ phụ tùng ô tô, xe máy, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, bánh kẹo, thức ăn gia súc, sản phẩm nhựa, phôi thép, lốp ô tô, máy điều hòa, máy làm lạnh, vô tuyến, tàu thuyền. Bên cạnh đó, Việt Nam còn được hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực và cải thiện thể chế.

Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thế thấy rõ những lợi ích tiềm tàng cho tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội khi một thị trường tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, tài chính và lao động kỹ năng giữa các nước ASEAN được thiết lập. Nếu tận dụng được tối đa những hỗ trợ này, 2015 có thể sẽ là một năm tạo đột phá cho kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Doanh nghiệp Việt cần có tâm thế chủ động

Theo Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Trịnh Minh Anh, hiện nay các doanh nghiệp ở một số nước như Thái Lan, Malaysia đã đi tắt đón đầu và đang tận dụng rất tốt các cơ hội của AEC. Vì thế, để cải thiện và ứng phó với sức ép cạnh tranh sắp tới, doang nghiệp Việt Nam phải luôn học hỏi và giữ tâm thế chủ động trong mọi tình huống.

Trước hết là chủ động chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm bằng cách xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như kê khai nguồn gốc, xuất xứ, kiểm soát chất lượng, chứng nhận sản phẩm… Bên cạnh đó cần chủ động nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp… để giữ vững thị phần trong nước đồng thời tìm kiếm các thị trường mới để đầu tư phát triển. Quan trọng nhất là cần chủ động tiếp cần nguồn thông tin để tận dụng tốt việc lưu thông hàng hóa từ việc cắt giảm thuế quan trong ASEAN, chủ động tìm hiểu các thị trường trong khu vực ASEAN.

Ở góc độ cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Chính phủ cũng cần rà soát, bổ sung và xây dựng các chính sách pháp luật phù hợp để hoàn thiện khung pháp lý trong nước trên cơ sở hài hòa với các cam kết khu vực về thực thi AEC. Chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư nhằm nâng cao sức cạnh tranh, chủ động tận dụng các cơ hội khi hình thành thị trường chung ASEAN…

Hội nhập vừa là cơ hội, vừa là thách thức và có không ít rủi ro. Song với sự vào cuộc của cả Chính phủ, bộ máy nhà nước và với tâm thế chủ động của doanh nghiệp, hội nhập AEC sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam nói chung và của từng doanh nghiệp nói riêng.