Hội nhập, kết nối và phát triển bền vững thị trường vốn ASEAN

Bài đăng trên Đặc san Kinh tế - Tài chính Việt Nam 2020

Những năm gần đây, phát triển bền vững đã trở thành một trong những nội dung ưu tiên trong chương trình nghị sự của các diễn đàn khu vực. Nhận thức được tầm quan trọng của thị trường vốn trong việc tài trợ cho các mục tiêu phát triển bền vững, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán các nước ASEAN đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác tài chính bền vững khu vực, trong đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam là một thành viên tích cực tham gia vào quá trình phát triển và quảng bá các sáng kiến.

Năm 2020 đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực hợp tác phát triển bền vững thị trường vốn khu vực.
Năm 2020 đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực hợp tác phát triển bền vững thị trường vốn khu vực.

Nỗ lực hợp tác phát triển bền vững thị trường vốn khu vực

Với sự ủng hộ của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN, Cơ quan Quản lý thị trường chứng khoán ASEAN (ACMF) được thành lập từ năm 2004, nhằm phát triển thị trường vốn khu vực hội nhập và gắn kết. Thành phần của ACMF bao gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán của 10 nước ASEAN. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam tham gia ACMF từ những ngày đầu thành lập ACMF và hiện đang giữ vai trò Chủ tịch ACMF năm 2020.

Sáng kiến phát triển bền vững đầu tiên được ACMF phát triển là Tiêu chuẩn Trái phiếu xanh ASEAN vào tháng 11/2017. Tiếp đó, Tiêu chuẩn trái phiếu xã hội ASEAN và Tiêu chuẩn trái phiếu phát triển bền vững ASEAN cũng được ACMF đưa ra vào tháng 10/2018, qua đó tạo thành bộ tiêu chuẩn hoàn thiện về phát triển bền vững cho trái phiếu.

Nhằm thúc đẩy đầu tư vào các sản phẩm trái phiếu phát hành theo các Tiêu chuẩn trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu phát triển bền vững ASEAN, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam và ACMF đã tổ chức nhiều chương trình quảng bá tới cộng đồng nhà đầu tư quốc tế tại Nhật Bản năm 2018 và Vương quốc Anh đầu năm 2020.

Số liệu thống kê đến cuối tháng 9/2020 cho thấy, toàn khu vực đã thực hiện 129 đợt phát hành trái phiếu trên toàn khu vực dựa trên các bộ chuẩn mực về phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội, trái phiếu phát triển bền vững (nguồn: https://www.theacmf.org/). Các đợt phát hành trái phiếu trên đã đóng góp đáng kể trong việc cấp vốn cho các mục tiêu phát triển bền vững của khu vực.

Năm 2020 đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực hợp tác phát triển bền vững thị trường vốn khu vực. Trên cơ sở phản hồi tích cực của thị trường đối với các bộ Tiêu chuẩn về trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu phát triển bền vững, ACMF đã đưa ra sáng kiến xây dựng Lộ trình Phát triển bền vững thị trường vốn ASEAN và được thông qua tại Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 5 vào tháng 4/2019 tại Thái Lan.

Trên cơ sở tham vấn các thành viên thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam và các thành viên ACMF đã nghiên cứu và đề xuất các khuyến nghị hành động để chính thức thông qua Lộ trình Phát triển bền vững thị trường vốn ASEAN tại Hội nghị Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN lần thứ 32 tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam vào tháng 3/2020.

Lộ trình Phát triển bền vững thị trường vốn ASEAN

Với cách tiếp cận tổng thể, các quốc gia thành viên ASEAN đã xây dựng Lộ trình phát triển bền vững thị trường vốn ASEAN với định hướng chiến lược cụ thể là xây dựng lớp tài sản bền vững trong ASEAN nhằm hỗ trợ chương trình nghị sự phát triển bền vững của khu vực trong 5 năm tới.

Lộ trình bao gồm 4 nhóm ưu tiên chính và 15 hành động, sáng kiến về thị trường vốn khuyến nghị ACMF và các thành viên thực hiện. Bốn nhóm ưu tiên chính bao gồm:

Thứ nhất, ACMF tập trung tăng cường các nền tảng cho tài chính bền vững: Thị trường vốn bền vững cần được thiết lập trên nền tảng vững chắc, xây dựng dựa trên những thông tin công bố, định nghĩa và tiêu chuẩn chung. Những nền tảng này sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, nhất quán trong việc tiết lộ thông tin; đồng thời, giảm các chi phí tuân thủ và thẩm định, cũng như rủi ro hệ thống trên thị trường vốn và hỗ trợ các nhà đầu tư đưa ra các quyết định đầu tư sáng suốt.

Thứ hai, thúc đẩy phát triển các sản phẩm và tạo khả năng tiếp cận tới các khu vực chưa được phục vụ: Các đối tượng chưa được phục vụ, cụ thể là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và trung bình sẽ hưởng lợi từ việc mở rộng các sản phẩm tài chính bền vững.

ACMF đưa ra 5 khuyến nghị hành động đối với nhóm ưu tiên này, bao gồm: Xây dựng Tiêu chuẩn Quỹ Phát triển bền vững và đầu tư có trách nhiệm để xác định, giảm thiểu rủi ro đầu tư và nắm bắt cơ hội từ các xu hướng đầu tư có trách nhiệm; Cải thiện tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm tài chính bền vững; Xây dựng các chỉ số Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để các công ty quản lý quỹ và chủ sở hữu tài sản đánh giá chiến lược ESG và hiệu quả hoạt động của các công ty; Sử dụng công nghệ số để tạo thuận lợi cho việc đầu tư xuyên biên giới vào các sản phẩm tài chính phát triển bền vững; Các cơ chế khuyến khích như ưu đãi thuế, trợ cấp đối với phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu phát triển bền vững.

Thứ ba, nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực: Theo kết quả khảo sát của Ủy ban Thị trường mới nổi và tăng trưởng của Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO), sự hiểu biết và nhận thức chưa đầy đủ về các vấn đề tài chính bền vững của các cơ quan quản lý và thành viên thị trường là trở ngại lớn đối với phát triển thị trường tài chính bền vững.

Theo đó, ACMF sẽ ưu tiên các nỗ lực phổ biến kiến thức cho các tổ chức phát hành sản phẩm tài chính bền vững tiềm năng, tiếp đó là nâng cao nhận thức cho các nhà đầu tư tổ chức và công chúng đầu tư. Để thực hiện ưu tiên này, ACMF đưa ra 3 khuyến nghị, bao gồm: Tăng cường năng lực kỹ thuật; Thúc đẩy chuyển giao kiến thức; Tăng cường nhận thức của công chúng.

Thứ tư, tăng cường mối liên kết giữa các phân khúc khác nhau của hệ sinh thái tài chính bền vững ASEAN: Để đạt được các mục tiêu đã xác định trong các nhóm ưu tiên 1, 2 và 3, ACMF xác định nhóm ưu tiên cuối cùng là tập trung vào việc tăng cường mối liên kết giữa các phân khúc khác nhau của hệ sinh thái tài chính bền vững ASEAN, từ đó làm giảm chi phí tìm kiếm các cơ hội đầu tư bền vững, xây dựng đối tác giáo dục và hài hòa với các nỗ lực của khu vực công hướng tới các mục tiêu chung.

Tiếp tục phát triển các sáng kiến, hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2025

Bên cạnh các nội dung trên, ACMF cũng triển khai các sáng kiến khác hỗ trợ cho mục tiêu phát triển bền vững của thị trường vốn trong khu vực. Trong đó, sáng kiến Thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN thu hút được sự quan tâm của các công ty niêm yết trong khu vực. Sáng kiến được đưa ra vào năm 2011 trong nỗ lực thúc đẩy quản trị công ty tốt, cũng như tăng cường quảng bá thị trường vốn ASEAN tới cộng đồng đầu tư quốc tế.

Thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN lần thứ 6 đã được thực hiện năm 2019 theo số liệu năm 2018 của Top 100 công ty niêm yết của các nước tham gia gồm: Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, riêng Việt Nam có 82 công ty niêm yết tham gia đánh giá. Theo kết quả công bố vào tháng 10/2020, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam đã lọt vào danh sách Top các công ty niêm yết ASEAN có thực hành quản trị công ty tốt nhất, với điểm đánh giá từ 97,5 điểm trở lên.

Hoạt động của ACMF tập trung vào các sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân, với mục tiêu tăng cường sự kết nối giữa các thị trường vốn trong khu vực, quảng bá thị trường vốn ASEAN nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư vào thị trường vốn khu vực, bao gồm cả đầu tư nội khối và đầu tư từ khu vực bên ngoài. Trên cơ sở Tầm nhìn cộng đồng chung ASEAN, ACMF đã định ra Tầm nhìn ACMF đến năm 2025 là trở thành “thị trường vốn ASEAN liên kết, phát triển toàn diện và bền bỉ”.

Tầm nhìn ACMF đến năm 2025 được thực hiện trong 10 năm với 2 giai đoạn cụ thể, qua đó xác định các mục tiêu chiến lược và ưu tiên một cách cụ thể; đồng thời, duy trì tính linh hoạt để đánh giá lại các ưu tiên của ACMF trên cơ sở thực tiễn tình hình phát triển và nhu cầu của thị trường.

Nhằm đánh giá, tổng kết 5 năm (2016-2020) thực hiện Kế hoạch hành động, ACMF đang tiến hành đánh giá lại các kết quả đạt được để hiện thực hóa Tầm nhìn ACMF đến năm 2025 xây dựng thị trường vốn ASEAN liên kết, phát triển bao trùm và bền bỉ. Trên cơ sở đó, ACMF xây dựng Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025.

Kế thừa các thành tựu đã đạt được trong giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch Hành động 2021-2025 đặt mục tiêu tiếp tục phát triển các sáng kiến hiện tại của ACMF trên cơ sở gắn chặt với các khuyến nghị hành động đã được đưa ra trong Lộ trình phát triển bền vững thị trường vốn ASEAN, cũng như tình hình phát triển thực tế và phản hồi của thị trường.

Trên thực tế, việc tham gia các sáng kiến ACMF không bắt buộc mà trên cơ sở tự nguyện tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng của các nước thành viên. Điều này do thị trường vốn các nước có khoảng cách phát triển nhất định.

Với vai trò là nước Chủ tịch ACMF 2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam nỗ lực tham gia và điều phối quá trình xây dựng Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025, nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy sự tham gia rộng rãi và đầy đủ của các nước thành viên trong các sáng kiến chung. 

Kế hoạch hành động 2021-2025 được thông qua sẽ là "kim chỉ nam" cho các hoạt động của ACMF trong 5 năm tới, với mục tiêu hoàn thành Tầm nhìn ACMF đến năm 2025.