Hội nhập không đe dọa sản xuất trong nước
(Tài chính) Cho đến nay thị trường bán lẻ của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm 97% tổng lượng hàng hóa giao dịch trên thị trường, nước ngoài chỉ có 3%.
Cơ hội và thách thức trước các FTA
Trước thắc mắc của người dân khi chưa hiểu rõ khái niệm và nội dung của thương mại tự do, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, khái niệm thương mại tự do bao gồm thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Khái niệm này gồm nhiều hình thức, phổ biến là các nước tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hoặc các nước tham gia kí kết với nhau theo hình thức liên minh thuế quan, liên minh kinh tế, liên minh tiền tệ và các hiệp định thương mại tự do, song phương và đa phương.
Bộ trưởng cho biết thêm, các nước khi đã tham gia ký kết trong khuôn khổ của Tổ chức thương mại thế giới hay liên minh thuế quan, thì việc giao thương hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và tự do di chuyển và lao động là nội dung cơ bản của hiệp định thương mại tự do.
Về nội dung của một hiệp định thương mại tự do, trước đây theo mô hình cũ chủ yếu là giao thương hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, chỉ gồm một số lĩnh vực hạn chế, như giảm thuế xuất nhập khẩu, hay lộ trình đưa hàng hóa dịch vụ vào một nước.
Hiện nay "hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bao gồm cả 3 lĩnh vực hàng hóa thương mại dịch vụ đầu tư, gồm cả lĩnh vực phi truyền thống, sở hữu trí tuệ, môi trường, và Việt Nam đã đang tham gia kí kết và đang đàm phán một số Hiệp định thương mại thế hệ mới bao gồm đầy đủ tất cả nội dung này", người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết.
Theo Bộ trưởng, bên cạnh cơ hội đem lại thì những trở ngại, thách thức sẽ phải đối mặt khi ký kết những hiệp định này cũng không phải là ít.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, khi Chính phủ quyết định đàm phán hiệp định thương mại tự do với một đối tác, đã tính tới lợi thế và kế hoạch lộ trình để bảo vệ sản xuất trong nước, phù hợp vừa hội nhập và bảo vệ thị trường trong nước.
Khi Việt Nam thực hiện được như vậy, việc băn khoăn đến những việc cạnh tranh gay gắt, thậm chí đe dọa sản xuất trong nước là không có cơ sở nếu chúng ta thực hiện nghiêm thúc các thỏa thuận đã ký.
Công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ trong năm 2015 này và những năm tiếp theo, khi một loạt hiệp định thương mại tự do có hiệu lực thì công tác truyền thông là quan trọng, việc cung cấp thông tin, trao đổi tại hội thảo, hay hình thức phối hợp phổ biến pháp luật với Bộ Tư pháp nhằm giúp người dân có điều kiện tiếp cận thông tin về Hiệp định thương mại tự do, từ đó khai thác, tận dung ưu thế do hiệp định tự do mang lại, có điều kiện phòng ngừa ứng phó phù hợp.
Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần có trách nhiệm lớn cần thường xuyên phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, tiếp cận với người dân để kịp thời phản ánh và trao đổi với các đối tác khi những cam kết đã ký phát sinh, cần kịp thời sửa đổi.
Ngoài ra bản thân người sản xuất (doanh nghiệp và người dân) cần chủ động tìm hiểu nắm bắt những nội dung mà Chính phủ đã ký kết, để ứng phó kịp thời, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dung tối đa những thời gian bảo hộ mà chúng ta đạt được trong việc đàm phán ký kết các hiệp định.
Cộng đồng ASEAN là cơ hội cho cho doanh nghiệp trong nước củng cố thị trường
Nói đến khái niệm cộng đồng kinh tế ASEAN, Bộ trưởng Hoàng thông tin, nội dung chính của cộng đồng ASEAN đến ngày 31/12/2015 sẽ hoàn thành cam kết về kinh tế thương mại, đầu tư, đưa ASEAN thống nhất về thị trường hàng hóa đầu tư, tính tới lao động của nước này có cơ hội làm việc ở các nước khác.
Cho đến nay Việt Nam đã chủ động và hết sức có trách nhiệm, chúng ta cùng các nước ASEAN hoàn tất lộ trình thuế, hệ thống cơ chế hải quan 1 cửa, đang chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực nhằm thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập.
Khi sắp tới cộng đồng ASEAN được thành lập và hàng ngàn mặt hàng được giảm thuế, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định, đây là biện pháp để khuyến khích đầu tư trong nước, tạo cơ hội doanh nghiệp trong nước bán buôn, bán lẻ củng cố thị trường, đưa hàng Việt vào các cơ sở này.
Do đó, cho đến nay thị trường bán lẻ của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm 97% tổng lượng hàng hóa giao dịch trên thị trường, nước ngoài chỉ có 3%. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài chỉ có một số thương hiệu, khi họ quyết định mở thêm cơ sở bán lẻ, bán buôn phải được sự nhất trí đồng thuận của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương.