Hơn 1,6 triệu tỷ đồng cho vay lĩnh vực bất động sản
Dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2020, tín dụng đối với lĩnh vực BĐS tăng 1,23% so với cuối năm 2019, chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hiện dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản (BĐS) tăng cao hơn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng chung nhưng tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng.
Dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2020, tín dụng đối với lĩnh vực BĐS tăng 1,23% so với cuối năm 2019, chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng.
Trong đó, tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với mục đích kinh doanh BĐS trong tổng dư nợ lĩnh vực BĐS ngày càng giảm (31/12/2017 là 45,63%; 31/12/2018 là 35,49% và 31/12/2019 là 32,95%). Dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ tín dụng BĐS.
Theo tính toán, tổng dư nợ tín dụng với toàn nền kinh tế là 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương tín dụng đối với riêng lĩnh vực BĐS vào khoảng 1,6 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, những năm gần đây Ngân hàng Nhà nước đã tách bạch dư nợ lĩnh vực BĐS thành hai cấu phần chính: cho vay đầu tư và kinh doanh bất động sản, cho vay phục vụ nhu cầu về nhà ở.
Theo đó hai cấu hình này sẽ gắn với hai nhóm chủ thể khác nhau, mức độ rủi ro khác nhau, dòng tiền trả nợ khác nhau…, nên cơ chế cho vay hiện nay quy định các mức hệ số rủi ro tín dụng khác nhau (cho vay đầu tư và kinh doanh BĐS cao hơn, phục vụ nhu cầu nhà ở thấp hơn).
Tỷ trọng của hai cấu phần này cũng khác nhau, cho vay phục vụ nhu cầu nhà ở, gắn với khách hàng cá nhân chiếm tỷ trọng lớn hơn, mà ở đây có phần giao thoa với tín dụng tiêu dùng…
Ngoài ra, BĐS cũng là một trong những lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước duy trì định hướng kiểm soát chặt chẽ tín dụng cùng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro chứng khoán,... tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tiêu dùng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng cường làm việc trực tiếp với một số tổ chức tín dụng có tỷ trọng cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có cấp tín dụng tiêu dùng ở mức cao hoặc có xu hướng tăng nhanh.
Đồng thời, từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách quy định về cho vay tiêu dùng và cho vay phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản để bảo đảm quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng này.