Cuộc đua thị phần thời hậu Covid-19

Theo Nguyên Vũ/thoibaonganhang.vn

Cơ hội vẫn chia đều cho tất cả các ngân hàng không phân biệt là lớn hay nhỏ. Vấn đề là các ngân hàng có tận dụng lợi thế, nắm bắt được thời cơ bằng chiến lược kinh doanh phù hợp hay không.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Sự bùng nổ đại dịch đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế và ngân hàng Việt Nam. Công ty chứng khoán MB nhận định, diễn biến giá dầu và ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực đến dư nợ cho vay của các ngân hàng Việt Nam. Mặc dù hệ thống ngân hàng hiện nay được đánh giá đã kiên cường hơn trong việc chống chọi với cơn hoảng loạn so với trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhưng giới chuyên môn cho rằng khả năng, chống chịu không đồng đều, có ngân hàng chống chịu tốt, có ngân hàng phải đối mặt khó khăn dẫn tới sự phân hoá trong hoạt động ngân hàng.

Theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, vì ngân hàng và DN là mối quan hệ cộng sinh, nên khi DN có sự phân hoá lớn sau đại dịch thì ngân hàng cũng vậy. Ngân hàng nào có được thị phần khách hàng tốt sẽ vẫn duy trì được vị thế, còn nếu khách hàng bị suy yếu thì ngân hàng cũng không tránh khỏi những tác động. Do vậy, thời gian tới theo TS. Hiếu sẽ có sự phân hoá trong hệ thống ngân hàng. Muốn duy trì được vị thế, buộc các ngân hàng phải tăng vốn để tăng năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh.

Có một thực tế hiện nay nhóm ngân hàng lớn “Big 4” gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank vốn luôn có lợi thế nhất định trong cuộc đua tranh thị phần, thì nay một vài thành viên trong số này đang đối mặt với việc thu hẹp thị phần vì chưa tăng được vốn. Trong nhiều năm qua nhóm này chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ. Điều này khiến tốc độ tăng vốn điều lệ của nhóm luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản khiến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng bị suy giảm, hiện thấp hơn nhiều so với mức bình quân của hệ thống các TCTD trong nước.

Trong đó, Agribank là một trong những ngân hàng đang thiếu hụt vốn trầm trọng. Theo số liệu cập nhật tại báo cáo gửi đến Quốc hội đến 31/3/2020, CAR của ngân hàng cũng chỉ đạt 9,2%, sát ngưỡng tối thiểu theo quy định (9%) tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Tuy nhiên, nếu tính theo chuẩn mực vốn Basel II (Thông tư 41/2016/TT-NHNN), thì CAR của ngân hàng chỉ đạt 6,9%, có nguy cơ rơi về 6,1% vào năm 2021 nếu không được tiếp vốn, như vậy cách xa so với yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định.

Năm 2020, Agribank thiếu hụt vốn tự có 12.500 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công tối đa 9.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn cấp 2, thì ngân hàng vẫn còn thiếu 3.500 tỷ đồng mới đạt CAR mức tối thiểu. Nếu không được cấp đủ 3.500 tỷ đồng, Agribank sẽ phải giảm dư nợ cho vay xuống còn 4,5-5%. Như vậy, ngân hàng này sẽ phải giảm dư nợ cho vay nền kinh tế 60.000 tỷ đồng. Đặc biệt, vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do Agribank cung ứng đến 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn.

Với VietinBank, hệ số CAR vào cuối năm 2019 tính theo Thông tư 36 chỉ ở mức 9,25%. Và nếu tính theo Thông tư 41, con số này sẽ bị giảm đi rất nhiều. Như vậy, sự hỗ trợ vốn của VietinBank với nền kinh tế cũng suy giảm nếu không được tăng vốn. Trong kịch bản xấu nhất, tín dụng cả năm của VietinBank chỉ tăng 4%. CAR của Vietcombank và BIDV cũng không quá dư giả nên vẫn đang nỗ lực tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư và phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 trong thời gian qua nhưng cũng chưa hoàn thành như mong muốn.

Trong đó, Vietcombank chỉ phát hành thành công 3% vốn cổ phần (theo kế hoạch là 10%) do thị giá cổ phiếu tăng cao, không hấp dẫn nhà đầu tư… Cả 4 NHTM Nhà nước chiếm hơn 40% thị phần tín dụng toàn nền kinh tế, do đó việc chậm tăng vốn không chỉ thu hẹp thị phần của 4 ngân hàng này mà ảnh hưởng đến tín dụng toàn nền kinh tế.

Khi thị phần của các ông lớn thu hẹp lại là cơ hội cho các NHTMCP cạnh tranh mở rộng thị phần. Hiện, đã có một số NHTMCP có quy mô vốn điều lệ xấp xỉ hoặc thậm chí vượt cả NHTM có vốn Nhà nước. Chẳng hạn như Techcombank, kết thúc năm 2019 vốn điều lệ của ngân hàng này đạt 35 nghìn tỷ đồng, cao hơn cả Agribank và đang đứng thứ 4 hệ thống.

Tương tự, VPBank và MB cũng đang trong cuộc chạy đua gay cấn khi vốn điều lệ đạt lần lượt 25,3 nghìn tỷ và 23,7 nghìn tỷ đồng. CAR của các ngân hàng trên cũng duy trì ở mức cao dù đã áp dụng Thông tư 41 như Techcombank (15,5%) VPBank (11,1%), ACB là 10,9%, MSB là 10,25%… Khi CAR được đảm bảo, ngân hàng sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với bình quân ngành. Từ đó, cơ hội mở rộng thị phần của các ngân hàng này cũng mở ra.

Đó là về lý thuyết, còn trên thực tế, việc chiếm lĩnh thị phần cũng không hề dễ dàng bởi nó còn phụ thuộc vào uy tín thương hiệu và năng lực quản trị. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay, việc mở rộng thị phần càng thêm khó, thậm chí nó còn khiến các nhà băng trở nên thận trọng hơn.

Tổng giám đốc một NHTMCP cho hay, cái khó nhất của ngân hàng không chỉ là ngăn ngừa tiêu cực, gian lận trong thụ hưởng chính sách hỗ trợ của ngân hàng dành cho DN chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 mà phải có giải pháp đúng và trúng trong tương lai. Để hoá giải bài toán khó trên, lãnh đạo một ngân hàng khác tiết lộ, ngân hàng phải thành lập ba nhóm đặc biệt.

Nhóm 1 là nhóm giám sát các danh mục hiện tại, trong đó có các khoản nợ được cơ cấu tình hình ra sao để có biện pháp thu hồi sớm hạn chế để nợ xấu phát sinh cho các danh mục. Nhóm 2 là nhóm bảo vệ thành quả kinh doanh. Nhiệm vụ nhóm này là có giải pháp điều chỉnh các chi phí trong hoạt động kinh doanh làm sao để đảm bảo chi phí ở mức tối thiểu, lợi nhuận ở mức tối đa. Nhóm 3 với nhiệm vụ phải liên tục theo dõi tình hình thị trường biến động nền kinh tế từng ngành hàng. Cứ hai tuần phản hồi lại và lên kịch bản cần phải làm. “Riêng nhóm thứ 3 được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng cho tương lai của ngân hàng nên ngân hàng mời thêm các chuyên gia từng làm lãnh đạo các ngân hàng lớn ở nước ngoài tham gia tư vấn, hỗ trợ đưa ra định hướng chiến lược phù hợp cho ngân hàng”, vị CEO ngân hàng này tiết lộ.

Theo dự báo của giới chuyên môn, thời gian tới, cuộc đua cạnh tranh các khách hàng tốt, khách hàng tiềm năng ngày càng gay gắt. Cơ hội vẫn chia đều cho tất cả các ngân hàng không phân biệt là lớn hay nhỏ. Vấn đề là các ngân hàng có tận dụng lợi thế, nắm bắt được thời cơ bằng chiến lược kinh doanh phù hợp hay không.