Hơn 2 tỷ USD vốn FDI "chảy" vào bất động sản
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, trong 10 tháng đầu năm, bất động sản là một trong 3 lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số tiền 2,12 tỷ USD, chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư nước ngoài.
Hơn 2 tỷ USD "chảy" vào bất động sản
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/10, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, có 1.375 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 34,5%), tổng vốn đăng ký đạt trên 13 tỷ USD (tăng 11,6% so với cùng kỳ); 776 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 14,4%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,09 tỷ USD (tăng 24,2% so với cùng kỳ); 3.063 lượt góp vốn mua cổ phần (giảm 43,8%), tổng giá trị vốn góp đạt 3,63 tỷ USD (giảm 40,6% so với cùng kỳ).
Các nhà đầu tư ngoại đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân. Vẫn như thường lệ, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 12,74 tỷ USD, chiếm 53,7%. Ngành sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 5,54 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản với 2,12 tỷ USD; bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký hơn 803 triệu USD.
Bên cạnh đó, 10 tháng đầu năm, có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,77 tỷ USD, chiếm 28,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Hàn Quốc đứng thứ 2 với 4,15 tỷ USD, chiếm 17,5% tổng vốn đầu tư, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,4 tỷ USD, chiếm 14,3% tổng vốn đầu tư, tăng 89,9% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, về địa bàn đầu tư, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,68 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD (chiếm tới 84,2% tổng vốn đầu tư của Long An). TP. Hồ Chí Minh đã trở lại vị trí thứ 2 với trên 2,73 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký 2,72 tỷ USD, chiếm gần 11,5% tổng vốn đầu tư.
Nếu xét về số dự án, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các địa phương có cơ sở hạ tầng thuận lợi. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả về số dự án mới (34,1%), số lượt dự án điều chỉnh (17,7%) và góp vốn mua cổ phần (59,4%). Hà Nội tuy không thuộc top 5 địa phương thu hút vốn FDI, song xếp thứ hai về số dự án mới (21,8%), số lượt dự án điều chỉnh (14,9%) và góp vốn mua cổ phần (12,1%).
Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, vốn FDI thực hiện đạt 15,15 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2020, giảm 0,6% với 9 tháng năm 2021.
Các nhà đầu tư tích cực M&A
Góp phần cho những số liệu tích cực nêu trên là hoạt động M&A khá sôi động của các nhà đầu tư trong và ngoài nước dù trong quý III, cả nước chịu tác động nặng nề từ dịch COVID-19. Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý III, diễn ra một số giao dịch (M&A) lớn.
Đơn cử như thương vụ Công ty Aseana Properties Ltd. đã bán cổ phần tại Bệnh viện Quốc tế City cho đối tác liên doanh với tổng giá trị khoảng 95 triệu USD. Tập đoàn Ascott Ltd. (Capitaland) mua lại tổ hợp 364 căn hộ Somerset Metropolitan West Hanoi với giá khoảng 93 triệu USD.
Hay Nishi Nippon Railroad đã mua lại phần vốn góp của Công ty CP Đầu tư Nam Long tại Công ty TNHH MTV Paragon Đại Phước. Nishi Nippon Railroad đã từng hợp tác cùng Nam Long Group trong việc phát triển khu đô thị Nam Long Đại Phước với quy mô 45 ha.
Các chuyên gia Savills Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam vẫn chứng kiến nhiều dấu hiệu tích cực bằng các thương vụ M&A doanh nghiệp và mở rộng quỹ đất công nghiệp. Những nhà máy sản xuất có quy mô lớn nhất trong nửa đầu năm 2021 tại Quảng Ninh, Bắc Giang phần lớn được "rót" tiền bởi các nhà đầu tư Hong Kong và Singapore.
Tính theo khu vực, phía Bắc nhận được phần lớn các khoản đầu tư mới đăng ký vào lĩnh vực sản xuất lên đến 1,97 tỷ USD, chiếm 64% thị phần. Khu vực phía Nam với 728 triệu USD, chiếm 23% và khu vực miền Trung với 395 triệu USD, chiếm khoảng 13%.
Xét theo địa phương thì Bắc Giang có số vốn đăng ký mới cao nhất với 589 triệu USD, tiếp đến là Quảng Ninh với 569 triệu USD và Bắc Ninh với 222 triệu USD. Khu vực phía Nam có Bình Dương đứng ở vị trí thứ 4 với 208 triệu USD.