Hơn 30% người tiêu dùng sẵn sàng thanh toán không tiền mặt trong giao dịch trực tuyến
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, trên 30% người tiêu dùng tại Việt Nam đã sẵn sàng sử dụng thanh toán không tiền mặt khi mua hàng trực tuyến. Đây là tín hiệu khả quan cho thấy nỗ lực của các doanh nghiệp thương mại điện tử, đơn vị trung gian thanh toán và các ngân hàng đã có kết quả.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Lê Thị Thùy Trang - Giám đốc Đối tác bán lẻ của Nieslsen Việt Nam - cho biết, nếu như trước đây người tiêu dùng trực tuyến Việt Nam vẫn đang còn có e ngại với việc sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt thì một khảo sát gần đây của Nieslsen cho thấy có hơn 30% người tiêu dùng nói sẵn sàng thanh toán chuyển khoản hay sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ để thực hiện những giao dịch trực tuyến. Điều này cũng cho thấy ngành thương mại điện tử đang có triển vọng lớn trong việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt; đồng thời thể hiện mong muốn của người tiêu dùng Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng của thế giới là chuyển sang việc sử dụng phương toán nhanh hơn, tiện lợi hơn.
Mặc dù việc sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến qua mạng và các thiết bị di động đã có sự cải thiện rõ rệt song đại diện của Nieslsen Việt Nam cũng cho ra rằng, sở dĩ vẫn còn phần đông người tiêu dùng chưa sử dụng hình thức này là do còn lo ngại thông tin bảo mật.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Trưởng Văn phòng đại diện VECOM tại TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Vấn đề kết nối thanh toán không tiền mặt gắn mật thiết với sự phát triển của thương mại điện tử, giúp ngành tăng trưởng tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam việc thanh toán Code (nhận hàng mới trả tiền) vẫn còn phổ biến bởi đa phần người tiêu dùng chưa tin tưởng vào thanh toán trực tuyến.
Một trong những nguyên nhân chính gây trở ngại thanh toán trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam được Visa chỉ ra là bảo mật khi đây vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng trong việc đón nhận các hình thức thanh toán mới. Cụ thể, theo một khảo sát được Visa thực hiện gần đây, có tới 67% người tiêu dùng Việt lo ngại sử dụng điện thoại để thanh toán bởi họ sợ mất điện thoại, sợ điện thoại bị hack/ xâm nhập trái phép vào dữ liệu cá nhân hoặc bị nhiễm virus/cài đặt phần mềm độc hại.
Theo Visa, để thúc đẩy việc thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, đơn vị này vừa công bố Lộ trình An ninh Thanh toán cho Việt Nam với những phương thức tiên tiến giúp tăng cường bảo mật thanh toán trong những năm tới. Lộ trình tập trung khai thác các sáng kiến đột phá, hỗ trợ phát triển an ninh trong thanh toán nhằm đáp ứng được tốc độ mà công nghệ đang thay đổi hành vi thanh toán của người tiêu dùng. Những sáng kiến về an ninh bảo mật này bao gồm: Giảm giá trị dữ liệu bằng cách loại trừ các dữ liệu nhạy cảm khỏi hệ sinh thái và vô hiệu hóa thông tin của tài khoản bị đánh cắp; Khai thác dữ liệu bằng cách xác định những hành vi lừa đảo tiềm ẩn; Trao quyền cho tất cả các bên, bao gồm chủ tài khoản, nhà cung cấp và các đơn vị chấp nhận thẻ, cũng như tích cực hỗ trợ hạ tầng an ninh thanh toán.
Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào - nhận xét, công nghệ đã cho ra đời những sáng kiến mới trong thanh toán, nhưng cũng mang lại những rủi ro nhất định. Để đề phòng gian lận, chúng ta cần hợp sức, dành mối quan tâm và mức độ đầu tư vào vấn đề an ninh thanh toán như chính việc chúng ta luôn không ngừng sáng tạo những trải nghiệm thương mại mới cho người tiêu dùng.
Về phía VECOM, ông Dũng khẳng định, sắp tới Hiệp hội sẽ phối hợp với các bên liên quan để triển khai mạnh mẽ hơn việc thanh toán không tiền mặt trong thương mại điện tử. Bởi theo ông Dũng, việc thanh toán không dùng tiền mặt nếu muốn sử dụng rộng rãi hơn thì bản thân các nhà cung cấp dịch vụ cũng như người tiêu dùng phải hiểu được tiện ích và lợi ích của việc không dùng tiền mặt.