Hồng Kông có thể mất vị thế thương mại đặc biệt
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho biết không thể tiếp tục chứng nhận quyền tự trị của Hồng Kông từ Trung Quốc, một động thái có thể kích hoạt hàng loạt biện pháp trừng phạt và gây hậu quả sâu rộng đối với vị thế thương mại đặc biệt của Hồng Kông - một thuộc địa cũ của Anh - với Hoa Kỳ.
Liên tiếp các động thái leo thang căng thẳng
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo đã thông báo về quyết định này hôm thứ Tư (27/5), chỉ một tuần sau khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố ý định thông qua luật an ninh quốc gia với Hồng Kông. “Hồng Kông không được tiếp tục bảo đảm đối xử theo luật pháp Hoa Kỳ theo cách tương tự như đã áp dụng cho Hồng Kông từ trước tháng 7/1997”, Ngoại trưởng Michael Pompeo cho biết trong tuyên bố. “Dựa trên những thực tế đang diễn ra, không ai suy nghĩ hợp lý có thể nhận định Hồng Kông vẫn đang duy trì được mức độ tự chủ cao từ Trung Quốc”. Thông báo này được Ngoại trưởng Pompeo đưa ra chỉ ít giờ trước khi Bắc Kinh dự kiến bỏ phiếu về đạo luật an ninh mới cho Hồng Kông vào 28/5, ngày bế mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang, được thúc đẩy bởi những cáo buộc từ Tổng thống Donald Trump rằng Trung Quốc đã chậm thông tin về sự nguy hiểm của Covid-19. Ông Trump cũng đã đe dọa về những hậu quả mà Bắc Kinh sẽ phải chịu trong việc xử lý đại dịch cũng như các bước gần đây nhằm khẳng định quyền kiểm soát nhiều hơn đối với Hồng Kông.
Vị thế trung tâm thương mại, tài chính ngân hàng toàn cầu của Hồng Kông có thể suy giảm vì những vấn đề hiện nay |
Theo đạo luật do Quốc hội Mỹ ban hành năm 2019, chính quyền Mỹ mỗi năm sẽ xem xét xác nhận Hồng Kông có duy trì mức độ tự chủ ở mức đủ để tiếp tục được hưởng quy chế ưu đãi của Mỹ hay không. Quyết định mới của Mỹ sẽ mở ra cơ hội cho một loạt các lựa chọn, từ hạn chế thị thực và đóng băng tài sản đối với các quan chức Trung Quốc, đến việc có thể áp thuế đối với hàng hóa đến từ Hồng Kông.
Ngay sau đó cũng trong ngày 27/5, Hạ viện Mỹ với tỷ lệ 413 phiếu thuận/1phiếu chống đã thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ, kêu gọi trừng phạt những người chịu trách nhiệm giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương. Dự luật này trước đó đã được Thượng viện thông qua với toàn bộ phiếu thuận. Quyền quyết định về vấn đề này giờ sẽ phụ thuộc vào Tổng thống, dù ông chưa cho biết có ký để trở thành luật hay không.
Trong một diễn biến khác cho thấy căng thẳng gia tăng, thẩm phán Heather Holmes của Tòa án tối cao British Columbia, Canada ngày 27/5 đã ra phán quyết rằng, các cáo buộc của Mỹ nhằm vào Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu thỏa mãn điều kiện "tội danh kép". Do đó, bà Mạnh Vãn Chu sẽ tiếp tục bị quản thúc tại Vancouver và có thể bị xem xét dẫn độ sang Mỹ.
Thế “xâu kim”
Hãng tin Bloomberg cho biết, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không có bình luận phản hồi ngay sau quyết định mà Ngoại trưởng Mỹ đưa ra. Nhưng trước đó, Trung Quốc đã cảnh báo sẽ trả đũa nếu Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Hồng Kông hoặc can thiệp vào các vấn đề của họ.
“Nếu bất cứ ai khăng khăng làm tổn hại đến các lợi ích của Trung Quốc, chúng tôi quyết tâm thực hiện tất cả các biện pháp đối phó cần thiết”, Phát ngôn viên Zhao Lijian của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với các phóng viên vào hôm thứ Tư. “Luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và không cho phép có sự can thiệp của nước ngoài”.
Theo David Loevinger, cựu chuyên gia về Trung Quốc tại Bộ Tài chính Mỹ và hiện là chuyên gia phân tích tại TCW Group, đối với Hồng Kông, chính quyền của ông Trump có thể sẽ tập trung vào các biện pháp trừng phạt tài chính và hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc trong khi sẽ giữ lại (chưa thay đổi) về thuế quan, kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư cho đến khi có sự rõ ràng hơn về luật mới này.
“Chính quyền Mỹ phải giải quyết được thế “xâu kim”, đó là vừa có các biện pháp nhằm vào các quan chức Đại lục và Hồng Kông - những người ủng hộ luật an ninh này - trong khi phải đảm bảo những biện pháp đó không bị xem là để tấn công vào cả người dân Hồng Kông”, chuyên gia này nói.
Theo giới phân tích, vai trò của Hồng Kông trong những năm qua đã giảm dần nhưng vẫn rất quan trọng. Theo đó, mặc dù Hồng Kông vẫn là một trung tâm thương mại lớn và là cửa ngõ chính kết nối Trung Quốc với thế giới nhưng vai trò của Hồng Kông cũng ngày càng ít quan trọng hơn so với trước đây. Năm 2019, 12% xuất khẩu của Trung Quốc đến hoặc đi qua Hồng Kông, giảm mạnh từ mức 45% vào năm 1992. Trung Quốc cũng ít phụ thuộc hơn vào dòng vốn nước ngoài, hay mức độ ưu tiên để quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ cũng đã giảm đi nhiều.
Tuy nhiên xét ở nhiều khía cạnh, Hồng Kông vẫn rất quan trọng. Như xét về mở tài khoản vốn và tuân thủ các tiêu chuẩn quản trị quốc tế thì không có bất kỳ thành phố nào khác của Trung Quốc Đại lục có thể so sánh với Hồng Kông và chỉ riêng điều này khiến Hồng Kông trở thành cơ sở quan trọng cho các ngân hàng và công ty thương mại quốc tế.
Theo Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ-Hồng Kông năm 1992, Washington đã đồng ý coi Hồng Kông là nền kinh tế “hoàn toàn tự chủ đối với các vấn đề thương mại và kinh tế” ngay cả sau khi đã được trao trả về Trung Quốc. Điều đó có nghĩa, Hồng Kông là ngoại lệ trong các đòn thuế quan của Mỹ với Trung Quốc vừa qua, có thể nhập khẩu một số công nghệ nhạy cảm và nhận được những hỗ trợ Mỹ trong tham gia vào các thực thể quốc tế như WTO. Tuy nhiên, Đạo luật 2019 cho phép chính quyền Mỹ có thể áp đặt rộng rãi các biện pháp trừng phạt hoặc các hình phạt khác. Chính quyền Mỹ cũng có thể quyết định từ bỏ công nhận vị thế thương mại đặc biệt của Hồng Kông. Tất nhiên, một quyết định “nặng” như vậy sẽ gây ra những hậu quả rất lớn và có thể hủy hoại vai trò của Hồng Kông với tư cách là một trong những trung tâm giao dịch thương mại và tài chính ngân hàng hàng đầu thế giới. Bởi vậy, nhiều khả năng chính quyền của ông Trump có thể chỉ bắt đầu bằng những bước nhỏ hơn.