Hồng Kông đối mặt với bong bóng bất động sản

Theo TTVN/Bloomberg

Theo báo cáo vừa được Quỹ tiền tệ thế giới công bố, Hồng Kông đang phải đối mặt với nguy cơ giá bất động sản suy giảm sâu sau khi lãi suất ở mức thấp kỷ lục và nguồn cung nhà mới bị hạn chế.

Theo đó, khu vực bất động sản chính là nguyên nhân lớn nhất gây nên những rủi ro đối với nền kinh tế nội địa. IMF cho rằng xác suất nền kinh tế suy giảm kéo theo những hệ quả lớn về kinh tế và tài chính là khá thấp trong ngắn hạn. Tổ chức này cũng đưa ra lời khuyên IMF nên duy trì chính sách neo tỷ giá như hiện nay.

Giá nhà ở Hồng Kông – nơi giá mua nhà hoặc thuê văn phòng đắt đỏ nhất thế giới – đã tăng gấp đôi trong vòng 4 năm qua. Các lãnh đạo Hồng Kông đã phải thực hiện các biện pháp thắt chặt tín dụng và tăng nguồn cung. Trong khi đó, khu vực bất động sản chiếm tới một nửa số nợ xấu ở Hồng Kông đồng thời bất động sản cũng thường được sử dụng để làm tài sản đảm bảo.

Báo cáo của IMF cũng nhận định tăng trưởng kinh tế của Hồng Kông có thể trở lại mức 3% trong năm 2013 trong khi chỉ được dự báo ở mức 1,25% trong năm nay. Lạm phát được dự báo lần lượt ở mức 3,75% và 3,5% trong năm nay và năm sau.

Kể từ đầu năm đến nay, giá nhà đất ở Hồng Kông đã tăng 20%. Theo Steven Barnett, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF tại Hồng Kông, sẽ phải mất 1 thời gian để giải quyết những lo lắng về nguồn cung của thị trường bất động sản ở đây. Trong khi các biện pháp hạn chế nguồn cung hiện nay có thể đem lại hiệu quả trong ngắn hạn, thị trường chắc chắn sẽ không tránh khỏi tình trạng nguồn cung gia tăng.  

Barnett cũng cho rằng neo tỷ giá vào đồng USD sẽ là giải pháp tốt nhất cho đặc khu kinh tế Hồng Kông. Nhận xét rằng đây là hệ thống minh bạch và đáng tin cậy, Barnett khẳng định neo tỷ giá vào đồng USD sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh tế Hồng Kông. “Hồng Kông có những điều kiện tiên quyết để duy trì chính sách tỷ giá như hiện nay với thị trường linh hoạt, hoạt động tài chính phát triển và năng động cùng với vị thế tài chính lành mạnh”, Barnett nói. 

Kể từ năm 1983, Hồng Kông bắt đầu neo đồng đôla Hồng Kông vào đồng USD. Điều này khiến chính sách tiền tệ của Hồng Kông gắt kết rất chặt chẽ vào chính sách của Mỹ. Trong khi đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang giữ lãi suất ở mức gần 0 để có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi của nền kinh tế.