Họp báo Chính phủ: Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn làm rõ một số vấn đề dư luận quan tâm
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 diễn ra chiều 4/9 tại Hà Nội, đã có nhiều câu hỏi được phóng viên các cơ quan báo chí nêu ra, liên quan đến những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn - Người phát ngôn Bộ Tài chính tham dự buổi họp báo và trả lời một số câu hỏi của phóng viên.
Trước những khó khăn do dịch COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét về việc không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp (DN) hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc do ảnh hưởng dịch COVID-19 nhằm giúp người lao động giảm bớt khó khăn.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết, theo quy định về thuế thu nhập cá nhân, đối với các khoản phải nộp thuế theo quy định của pháp luật thì trước mắt tạm thời sẽ thu và hết năm ngân sách sẽ thông báo chính thức về thuế thu nhập cá nhân. Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn khẳng định, Bộ Tài chính sẽ nghiêm túc cầu thị lắng nghe ý kiến từ các cơ quan báo chí và sẽ báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp tình hình thực tiễn.
Đối với nội dung câu hỏi về nghi án nhận hối lộ của Tenma Nhật Bản, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết, ngay sau khi có thông tin, Bộ Tài chính đã nghiêm túc xem xét và tạm đình chỉ công tác của những đối tượng liên quan và tổ chức đoàn thanh tra. Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để điều tra vụ án. Sau khi có kết luận chính thức, nếu có vi phạm, Bộ Tài chính sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật và sẽ thông báo chính thức đến các cơ quan báo chí.
Đối với nội dung hỏi về chủ trương Chính phủ đã đồng ý thu phí cách ly đối với các trường hợp thực hiện cách ly phòng chống dịch Covid-19, vậy mức thu phí như thế nào? Phương thức cách ly thu phí thực hiện ra sao?
Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết, theo Nghị quyết 37, ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ chi trả các khoản liên quan đến chi phí dịch vụ của việc cách ly. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ yêu cầu thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Sắp tới Việt Nam sẽ mở các chuyến bay thương mại và đưa các chuyên gia nước ngoài vào làm việc. Các chuyên gia ở tại khách sạn thì sẽ phải trả dịch vụ khách sạn theo quy định về mức chi phí thoả thuận giữa người cách ly và người cung cấp dịch vụ. Bộ Tài chính cũng đang phối hợp Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa ra mức thu phí trong thời gian tới để bảo đảm mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, từ 1/9/2020, tất cả các trường hợp thực hiện cách ly phải tự chi trả chi phí. Nếu trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu về nước thì phải tính toán riêng vấn đề khám, chữa bệnh chi trả theo Khoản 2, Điều 48 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Theo ông Mai Tiến Dũng, thực chất, vừa qua, nhiều gia đình người Việt Nam từ nước ngoài về cũng có nhu cầu được ở nơi cách ly có dịch vụ tốt hơn, vì vậy chủ trương chung là nên tạo điều kiện cho người dân. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các địa phương phải tạo điều kiện cho các khu cách ly, khách sạn, nơi lưu trú (như ở Quảng Ninh là toàn bộ khu FLC) vừa để tạo việc làm cho các DN, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.
Đối với nội dung câu hỏi cho rằng từ đầu năm đến nay hoạt động thoái vốn cổ phần chậm, làm ảnh hưởng nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng tiến trình tái cơ cấu DNNN sau cổ phần hoá. Vậy giải pháp của Bộ Tài chính là gì?
Về nội dung này, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn khẳng định, việc cổ phần hoá thuộc trách nhiệm nhiều bộ, ngành, trong đó có Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Thực tế, năm 2020 tiến trình thoái vốn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có dịch Covid-19. Quan điểm của Bộ Tài chính là luôn thúc đẩy cổ phần hoá DN, đổi mới DNNN. Bộ Tài chính đã xây dựng các cơ chế chính sách tài chính, bảo đảm triển khai thuận lợi việc cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng xây dựng các cơ chế chính sách phát triển thị trường chứng khoán, bảo đảm sau khi cổ phần hoá các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán, bảo đảm công khai minh bạch trong quá trình cổ phần hoá, thoái vốn DNNN.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Chính phủ có kế hoạch thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại DN.